Ngày 2/4, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, đã có công văn góp ý về phương án tổ chức giao thông dự án tháo dỡ cầu Phú Long cũ. Sở đề nghị đơn vị thực hiện dự án phối hợp với UBND thị xã Thuận An trong công tác tổ chức phân luồng giao thông đảm bảo an toàn trong qua trình thực hiện tháo dỡ.
Động thái của Sở GTVT tỉnh Bình Dương được thực hiện sau khi Sở GTVT TP.HCM có quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án tháo dỡ cầu Phú Long cũ - cây cầu bắc qua sông Sài Gòn kết nối thị xã Thuận An của Bình Dương và Quận 12 của TP.HCM.
Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương và TP.HCM sẽ tháo dỡ toàn bộ cây cầu dạng dàn thép Eiffel và dàn vòm thép của cây cầu có chiều dài 251,7m. Tháo dỡ toàn bộ kết cấu nhịp và các trụ cầu. Tổng kinh phí dự án tháo dỡ cầu Phú Long là 14,8 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách của TP.HCM.
Theo thông báo được treo ngay chân cầu Phú Long cũ, thời gian thực hiện việc tháo dỡ sẽ diễn ra bắt đầu từ ngày 20/4/2019. Do đó, thời điểm này, các phương tiện sẽ cấm lưu thông. Mục đích của việc tháo dỡ cây cầu hơn 106 tuổi này là đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông vì cây cầu này được cho là đã quá cũ. Đồng thời, đảm bảo đồng bộ tĩnh không thông thuyền trên tuyến giao thông thủy sông Sài Gòn.
Cầu Phú Long được xây dựng vào năm 1913. Cùng với cầu Bình Lợi, đây là một trong 2 cây cầu đầu tiên bắc qua sông Sài Gòn và là một trong rất ít cây cầu dàn thép được Công ty Eiffel thi công. Đây là cây cầu huyết mạch của tuyến giao thông vang bóng một thời, tuyến đường sắt dài 141km Sài Gòn - Lộc Ninh, từng được người Pháp đặt tên là tuyến đường “vàng trắng”, “con đường cao su” dùng để vận chuyển mủ cao su từ vùng Lộc Ninh, Hớn Quản, Bù Đốp thuộc tỉnh Thủ Dầu Một (nay là tỉnh Bình Phước) về Sài Gòn để xuất sang Pháp.
Năm 1927, tuyến đường này được một công ty tư nhân là Công ty Xe điện Bến Cát - Kratie đứng ra đầu tư xây dựng những đoạn đầu tiên và đến năm 1937 thì hoàn thành, kết nối vào hệ thống hỏa xa Đông Dương. Quy mô của tuyến đường sắt này vào thời kỳ ấy là cực kỳ lớn, nên Pháp đã phải phát hành trái phiếu trên toàn nước Pháp và Đông Dương để có kinh phí xây dựng.
Tuyến đường sắt này có lộ trình khởi hành từ ga Sài Gòn đến ga Gò Vấp, Xóm Thơm (một ga nhỏ nằm ở khu vực mà nay được gọi là ngã tư Ga), rồi qua một vài cây cầu nhỏ trước khi vượt qua cầu sắt Lái Thiêu (bây giờ được gọi là cầu sắt Phú Long) để đến ga Lái Thiêu, tiếp đến là ga Phú Cường (ấp Bọng Dầu - khu vực công viên Phú Cường ngày nay) rồi đến ga Đồng Sổ và về đến ga cuối là ga Lộc Ninh.
Nhờ tuyến đường sắt này bộ mặt tỉnh Thủ Dầu Một ngày ấy có nhiều thay đổi. Mỗi ngày, các đoàn hỏa xa đưa hàng trăm tấn cao su và lâm sản về Sài Gòn, đồng thời cũng đưa đi, đón về hàng ngàn lượt khách, dân công-tra (phu đồn điền cao su) qua các ga, làm sôi động thêm các thị tứ.
Từ năm 1949 tuyến đường sắt này không còn đi qua cầu sắt Phú Long và đến năm 1960 thì chính thức ngừng hoạt động. Tuy tuyến đường sắt Sài Gòn - Lộc Ninh không còn.