Tính đến 18h ngày 4/4, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 240 (149 từ nước ngoài chiếm 62,1%; 91 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa).
CA BỆNH 240 (BN240): Bệnh nhân nữ, 29 tuổi, có địa chỉ tại huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, làm việc tại Bangkok, Thái Lan.
Ngày 19/3, trước khi về Việt Nam, bệnh nhân có tham gia buổi liên hoan với gia đình BN166.
Ngày 20/3, bệnh nhân đáp chuyến bay VN618, ghế 28B về Hà Nội. Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được đưa đến khu cách ly tập trung tại Lữ đoàn 241, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, được khám sàng lọc.
Đến ngày 31/3, bệnh nhân có biểu hiện sốt 38,3°C, không ho, không khó thở, được chuyển khu cách ly đặc biệt và lấy mẫu bệnh phẩm.
Chiều tối 1/4, xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình cho kết quả dương tính với Sars-CoV-2. Vào lúc 20h cùng ngày, bệnh nhân được chuyển điều trị tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. Sáu trường hợp ở cùng phòng với bệnh nhân tại khu cách ly được lấy mẫu xét nghiệm trong đêm 1/4 và đều có kết quả âm tính với Sars-CoV-2.
Về bệnh nhân 166, là nữ, 25 tuổi, quốc tịch Việt Nam, địa chỉ ở Đông Phú, huyện Lục Nam, Bắc Giang. Bệnh nhân sống tại Thái Lan, về Việt Nam ngày 20/3 trên chuyến bay mang số hiệu TG564 của Thai Airways (ghế 40B). Bệnh nhân được chuyển về khu cách ly Sư đoàn 241 (Ninh Bình), mẫu bệnh phẩm được gửi tới Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư ngày 26/3. Hiện tại, bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Bình, tình trạng sức khoẻ ổn định.
Tình hình điều trị các ca nhiễm COVID-19 ở Việt Nam như sau:
- 4 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) và 01 bệnh nhân tại Bệnh viện Đà Nẵng được công bố khỏi bệnh.
- Tình hình của 7 bệnh nhân nặng:
2 ca nguy kịch đang thở máy, lọc máu (trong đó có 01 ca ECMO) tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương;
1 ca thở máy không xâm nhập chuyển sang thở ôxy;
4 ca thở oxy.
Sáng nay ngày 4/4, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại địa phương” với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của 27 tỉnh, thành phố có ca mắc COVID-19 gồm: Bạc Liêu, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Thuận, Cần Thơ, Đà Nẵng, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, Hải Dương, TPHCM, Khánh Hòa, Lai Châu, Lào Cai, Ninh Bình, Ninh Thuận, Quảng Nam, Quảng Ninh, Tây Ninh, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Đắc Lăk, Hưng Yên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã kết luận:
Nghiêm túc triển khai các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia, đặc biệt là triển khai quyết liệt Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 31/3/2020 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 và văn bản số 2601/VPCP-KGVX ngày 03/4/2020 về việc hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19.
Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tại các địa phương phải phân công cán bộ trực phòng chống dịch 24/24
Ban chỉ đạo Quốc gia xác định cấp độ dịch đang ở cấp độ 3. Đề nghị BCĐ các địa phương căn cứ vào kế hoạch mới nhất của BCĐ Quốc gia và tình hình cụ thể của địa phương mình để xây dựng kế hoạch ứng phó cho phù hợp với tình hình dịch của địa phương và chuẩn bị phương án trong trường hợp dịch lan rộng.
Chính phủ đã có Nghị quyết 37/2020/NQ-CP ngày 29/3/2020 về một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch COVID-19 và quyết định 437/QĐ-TTg ngày 30/3/2020 về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương trong phòng, chống dịch COVID-19 và đề nghị Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam chỉ đạo Mặt trận tổ quốc các tỉnh triển khai, phát động Quỹ ủng hộ phòng chống dịch. Các địa phương căn cứ vào các văn bản để triển khai thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng và đúng quy định xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng trục lợi.
Thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch để hạn chế việc lây lan dịch bệch ra cộng đồng, thực hiện đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, phát hiện từng đối tượng”, theo phương châm phát hiện và cách ly.
Xử lý theo quy định của pháp luật những đối tượng cố tình không chấp hành quy định về cách ly y tế, bố trí khu cách ly riêng cho đội ngũ nhân viên y tế để vừa cách ly vừa thực hiện công tác phòng chống dịch
Lưu ý công tác phòng chống dịch COVID-19 trong các trại dưỡng lão, trại giam và trung tâm bảo trợ xã hội.
KHUYẾN CÁO: 10 BIỆN PHÁP ĐƠN GIẢN ĐỂ PHÒNG, CHỐNG DỊCH HIỆU QUẢ
1- Không đi ra ngoài khi không thật sự cần thiết. Không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng.
2- Luôn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài kể cả khi làm việc; luôn đứng cách xa người khác 2 mét.
3- Luôn rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy hoặc bằng dung dịch sát khuẩn nhất là sau khi sờ tay vào bất cứ vật dụng nào và sau khi gặp, nói chuyện với người khác và khi về nhà.
4- Không bắt tay khi gặp người khác, không đưa tay lên mắt, mũi miệng.
5- Thường xuyên súc miệng bằng nước muối hoặc nước súc miệng; giữ ấm vùng ngực cổ, uống nước ấm. Thay quần áo khi về nhà và quần áo thay ra cần được ngâm với xà phòng.
6- Ăn uống đủ chất, ăn chín, uống chín, tập luyện thể thao phù hợp, sinh hoạt lành mạnh. Thường xuyên vệ sinh, giữ thông thoáng nhà cửa, lau rửa các bề mặt hay tiếp xúc.
7 - Nếu phải cách ly thì phải ở nhà, hạn chế gặp người trong nhà, thực hiện theo các hướng dẫn cách ly của cơ quan y tế.
8 - Không nên đến cơ sở y tế nếu không phải cấp cứu. Hãy hỏi cán bộ y tế bằng điện thoại hoặc qua mạng trước khi muốn đi khám bệnh.
9- Khai báo y tế qua ứng dụng (https://ncovi.vn) cho mình và cho người thân trong nhà; theo dõi sức khỏe hàng ngày và báo ngay cho cơ quan y tế hoặc trên ứng dụng NCOVI.
10 - Không mời khách đến nhà và cũng không nên đến nhà người khác. Cuộc sống sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau.