Cá mặt quỷ hay còn được gọi là cá mang ếch, cá mao ếch… có tên khoa học là Synanceia. Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết: “Cá mặt quỷ thường sống ở vùng nước cạn, đặc biệt là khu vực các gành đá, rạng san hô ven đảo như Lý Sơn có khá nhiều”.
Cá mặt quỷ có thân hình xù xì, với lớp da thô ráp, loang lổ màu nâu đỏ lẫn màu rêu với nhiều vây sắc nhọn ở sống lưng… Hình thù khá giống tảng đá nên cá mặt quỷ còn được người dân Quảng Ngãi gọi là cá đá.
Khi trưởng thành, cá mặt quỷ có chiều dài tối đa gần 1m, tuy nhiên ở vùng biển Quảng Ngãi và các tỉnh thành ven biển trong nước, cá mặt quỷ có kích thước nhỏ hơn, dài từ 20-50 cm, trọng lượng khoảng 0,5-1,5 kg/con.
Khác với vẻ bề ngoài xấu xí đến gớm ghiếc, thịt cá mặt quỷ chắc, ngon, giàu dinh dưỡng, chất canxi, chất omega 3 giúp tuần hoàn máu tốt, ngăn chặn sự hình thành huyết khối, giảm nguy cơ mắc bệnh tim, chống đột quỵ…
Chính vì thịt ngon và giàu chất bổ dưỡng như vậy nên hiện cá mặt quỷ được bán tại Quảng Ngãi khoảng 200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên theo ngư dân ở Lý Sơn - một trong số những nơi có cá mặt quỷ sinh sống, do số lượng không nhiều cho nên thi thoảng mới bắt được vài ba cân cá mặt quỷ.
Đặc biệt vây lưng của loài cá là gai có mang độc tố nên nếu bị đâm vào sẽ gây tác động đến hệ thần kinh, tim… nguy hiểm đến tính mạng.
Cũng vì nguy hiểm như vậy cho nên ngư dân vô cùng e ngại không dám đổ xô đi khai thác đặc sản này như các loài hải sản khác.
“Ngay cả ngư dân hành nghề lặn ở đảo không ít người khi lặn khai thác hải sản thấy nó cũng bỏ qua vì ngại nguy hiểm”, lão ngư Trần Văn Biên (50 tuổi, ở thôn Tây, thôn An Vĩnh, huyện Lý Sơn) tâm sự.
Bởi lẽ đó, cá mặt quỷ là một trong số ít loại hải sản được ngư dân xếp vào hàng “hiếm và độc” theo đúng nghĩa của nó.