Anh Nguyễn Hoàng Quân ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) rất thích ăn món cá bỗng nướng, hấp. Nhưng, để mua được một con cá bỗng chục năm tuổi hay hơn thế là vô cùng khó.
Anh Quân kể, khoảng 6 năm về trước, trong một chuyến công tác lên Hà Giang, anh được mấy người bạn người dân tộc Tày chiêu đãi món cá nướng thơm phức tại một quán ăn trên thị xã Hà Giang, đến giờ anh vẫn không thể quên mùi vị của nó.
Lúc đó, anh tò mò hỏi chủ quán thì được biết, con cá được tẩm ướp lá chanh rồi kẹp vào thanh nứa nướng trên than củi. Khi nướng, nứa non sẽ tứa nước ra, ngấm vào cá, tạo nên hương vị độc đáo. Thịt cá ngọt thơm, săn chắc, nước mỡ dính như keo bên ngoài khiến vảy cá vàng ươm, ăn giòn tan.
“Kể từ đó, cứ mỗi lần có dịp lên Hà Giang, tôi đều qua thị xã Hà Giang tìm cách mua bằng được loại cá bỗng này. Song, không phải lần nào cũng mua được, bởi loại cá bỗng sông Gâm ngày càng hiếm, nhất là với cá hơn chục năm tuổi. Còn cá bỗng vài chục năm cho đến gần 100 tuổi thì tôi mới nghe nói chứ chưa thấy ai mua được bao giờ”, anh Quân chia sẻ.
Chị Phan Thị Hà Lê ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do đặc thù công việc nên mỗi năm, chị thường phải lên Hà Giang vài lần. Mỗi lần đi, chị đều tìm cách mua được 1-2 con cá bỗng đem về Hà Nội.
Theo chị Lê, cá bỗng có ở khá nhiều nơi ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá bỗng ở Hà Giang. Ai đã từng được thưởng thức loại cá bỗng này một lần thì sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt của nó.
“Trước kia cá bỗng rẻ lắm, chỉ 300.000-400.000 đồng/kg, nhưng nay cá trở nên khan hiếm. Cá ngoài sông bị người dân đánh bắt hết nên giờ chỉ có cá của dân nuôi. Đặc biệt, loại cá lâu năm lại càng hiếm hơn nên giá càng đắt. Giờ một con cá bỗng giá phải trên 2 triệu đồng chứ không ít”, chị nói.
Trao đổi với PV. VietNamNet, anh Hòa Tuấn, một đầu mối chuyên buôn cá bỗng sông Gâm về Hà Nội, cho hay, cá bỗng Hà Giang được rất nhiều người tìm mua nhưng số lượng thường có hạn, không phải muốn mua là có.
Theo anh Tuấn, cá bỗng trước thường được người dân đánh bắt rất nhiều ở sông Gâm nhưng giờ đã khan hiếm. Người dân tộc Tày ở Hà Giang phải tìm cách dẫn nước sông suối về ao nhà để nuôi. Ngoài ra, họ cũng thường bắt cá bỗng về nuôi làm cảnh.
“Người Tày coi cá bỗng là một loại đặc sản quý, chỉ dùng để tiếp khách quý hoặc làm cỗ cúng”, anh nói.
Anh Tuấn nói thêm, cá bỗng có đặc điểm là từ nhỏ đến khi đạt trọng lượng 1-2kg lớn rất nhanh. Sau thời gian đó, nó bắt đầu lớn chậm dần. Do đó, một chú cá nuôi khoảng chục năm tuổi cũng chỉ có trọng lượng khoảng trên 3kg, còn những “ông cá” có tuổi đời gần 100 năm cũng chỉ đạt trọng lượng 15-16kg.
Loại cá này càng nuôi lâu năm thịt càng ngon ngọt bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau và rong rêu, vì thế cá bỗng nuôi trong ao hay bắt ở sông chất lượng thịt tương đương nhau, anh Tuấn cho hay.
Giá cá khi về tới Hà Nội là 750.000 đồng/kg. Thế nhưng, mỗi lần vận chuyển cũng chỉ được vài con loại chục năm tuổi nên không đủ bán cho khách.
“Nguồn cung hạn chế trong khi vận chuyển cá sống lại rất vất vả, không cẩn thận là cá chết ngay, do đó, giá cá bỗng thuộc diện đắt đỏ. Những con có tuổi đời lên đến vài chục năm hay thuộc diện “cá ông, cá bà” thì siêu hiếm nên chỉ dân sành ăn mới mua”, anh Tuấn nói. Sắp tới, anh sẽ đưa giống cá này về Hà Nội nuôi thử.
Xem Thêm>>>