Ba tháng trước, chúng tôi gặp cô. Cô nói: “Bây giờ em chỉ đi làm để sống qua ngày”. Bởi 23 tuổi, cô chẳng có gì trong tay ngoài những đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần: chồng chết, nhiễm HIV, nghiện ngập và héo úa.
Mới đây, chúng tôi gặp lại cô, nhưng không phải tại một gốc cây ven đường Nguyễn Văn Lượng, dưới ánh đèn điện cao thế. Chúng tôi gặp cô tại một trung tâm dành cho người nhiễm HIV/AIDS. Cô nói: “Em đã đi điều trị được hơn hai tháng. Sáng em đi uống thuốc, chiều em về phụ gia đình, nên giờ em đã tăng được 8 kí”.
Không ai ngờ rằng, Trần Mỹ Vân (23 tuổi, TP.HCM) - cô gái đã có 8 năm hành nghề mại dâm, đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ, từng suy sụp, chán sống nay lại lạc quan, yêu đời đến thế.
Vào đời năm 16 tuổi
Con đường Nguyễn Văn Lượng vốn nổi tiếng có nhiều cô gái đứng “bán hoa”. Đoạn đường chỉ dài hơn 1km mà có đến 9-10 cô gái đứng hành nghề. Người ta thường hay gọi họ một cách mỉa mai là “gà” mà hầu hết đều là “hàng hết đát” trôi dạt tới đây.
Chúng tôi gặp Vân khi cô đang lê những bước mệt mỏi về nhà sau đêm dài đứng đón khách trên đường Nguyễn Văn Lượng. Thi thoảng, có tiếng người ầm ầm từ phía xa, Vân thoáng chột dạ rồi đứng thu mình trong một bóng tối nào đó. Lúc sau, khi lấy lại bình tĩnh Vân mới bước ra nói chuyện tiếp cùng chúng tôi.
Mặc dù đã gặp nhau một vài lần trước đó, nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi nói chuyện với nhau. Vân cởi mở kể cho chúng tôi về cuộc đời bi kịch của mình.
Vân cho biết, cô bị bố mẹ bỏ rơi từ lúc lọt lòng, được ông bà nội mang về nuôi trong một căn nhà nhỏ tại TP.HCM. Điều này khiến không ít lần cô cảm thấy tủi thân, mặc cảm với bạn bè trong xóm. Đến cấp 2, Vân bỏ học giữa chừng để theo đám bạn, sa chân vào ma túy. “Rồi cũng chính ma túy đã đưa em đến với nghề “buôn phấn bán hương” này”, Vân lạc giọng, kể về mình.
Vân nói, cô nhớ như in cái ngày bước vào đời. Năm đó cô 16 tuổi. Một ông giám đốc người Đài Loan muốn “giải đen” nên thông qua môi giới tìm đến cô. Chưa hết nhục nhã, ê chề khi phải “bán thân nuôi miệng”, cô lại càng đau đớn hơn khi mấy tháng sau, trong một lần đi khám, cô biết mình nhiễm HIV.
Người đàn ông đầu tiên của đời Vân, người đã bỏ ra 15 triệu mua đời con gái, đã đeo vào đời cô một án tử vô hình.
Từ ngày biết mang trong mình căn bệnh thế kỷ, Vân suy sụp, chán nản vô cùng. Nhưng vì cuộc sống nên Vân phải tiếp tục đi khách. Cô vẫn đi làm lúc 19 giờ tối và trở về nhà lúc 3 - 4 giờ sáng hôm sau, vẫn chào mời, chèo kéo khách, vẫn mua vui cho họ.
Cô trải lòng: “Từ ngày đó, em mang trong mình nỗi hận lớn. Em hận gã đàn ông đã cứu em khỏi cơn đói ma túy nhưng lại “cho” em một cái chết bất ngờ. Dẫu em đã xác định trước sau gì cũng mắc phải khi bước chân vào nghề này, nhưng em không ngờ nó đến sớm như vậy”.
“Từ ngày đó, em mang trong mình nỗi hận lớn. Em hận gã đàn ông đã cứu em khỏi cơn đói ma túy nhưng lại “cho” em một cái chết bất ngờ. Dẫu em đã xác định trước sau gì cũng mắc phải khi bước chân vào nghề này, nhưng em không ngờ nó đến sớm như vậy.” - Trần Mỹ Vân
“15 phút 20 ngàn”
Giọng Vân bỗng run run khi kí ức những ngày đầu mới bước chân vào nghề ùa về trong cô. Khi đó, cô là một trong những người đắt khách nhất của quản lý L. Vừa có nhan sắc lại biết cách nói chuyện nên mỗi đêm cô có thể tiếp từ 10 đến 15 khách.
Vân nhớ lại: “Trong nhóm em, ai cũng biết nhiều lần em đi khách kiếm được cả triệu đồng. Số tiền đó người quản lý chỉ lấy một phần công môi giới, còn lại em giữ. Em dùng để ăn uống, mua phấn son, quần áo và nướng vào ma túy”.
Sau 5 năm thuộc sự quản lý L, Vân ra ngoài hoạt động riêng. Cũng chính thời gian này, cô gặp Minh - chồng của mình. Tưởng chừng cuộc đời Vân sẽ thay đổi khi găp người đàn ông cảm thông với mình, nhưng sau những giờ mua vui cho khách, cô lại bị chính anh ta hành hạ. Nhất là mỗi khi anh ta lên cơn nghiện hoặc phê thuốc.
Thấm thoát cũng 8 năm lăn lội trong nghề, trải qua những cuộc vui chớp nhoáng với hàng chục người đàn ông, kèm thêm hậu quả của việc sử dụng ma túy đã khiến cho cô gái có thân hình phổng phao ngày nào trở nên tàn tạ, gầy gò, yếu đuối.
Vân tâm sự: “Có những ngày nhìn vào gương, em còn không nhận ra chính mình. Thời điểm kinh khủng nhất là khi chồng em sắp mất, em nặng chưa tới 35kg, tóc thì rụng, da thì xanh xao, nhiều đêm còn không bước đi nổi”.
Thời điểm đó, Vân mới thực sự nhận ra mình đã qua thời kỳ hoàng kim. Giờ đây Vân không còn đủ sức để cạnh tranh với những “đào mới” trẻ trung, xinh đẹp nên cô tự “rút lui” về địa điểm hiện tại.
“Khách đến đây chủ yếu là người thu nhập thấp, thiếu thốn tình cảm lâu ngày, hoặc những người mang bệnh như cô nên giá đi khách không cao. So với thời điểm đi khách giá 200- 300/lượt trước kia, thì đi khách ở đây có khi giá không bằng một nửa.”, Vân bùi ngùi chua xót.
Vân phải cạnh tranh với nhiều người khác để giành mối vì “Gái ở đây đi khách với giá rất rẻ. Nếu mình không hạ giá thì không có ai đi”. Thậm chí, nhiều lần cô phải đi khách với cái giá đầy ê chề, nhục nhã: “20 ngàn cho 15 phút”.
Làm lại cuộc đời
Một thời gian sau, chúng tôi không còn gặp Vân đứng đợi khách trên đường Nguyễn Văn Lượng. Tìm tới nhà, thì được biết sau khi chồng chết, Vân đã bỏ nghề và đi chữa bệnh. Hơn một tháng nay, cô đã cai được nghiện và bỏ được thuốc lá.
Gặp cô tại một trung tâm dành cho người nhiễm HIV/ADIS, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước hình ảnh một Vân khác hẳn 3 tháng trước. Bây giờ Vân đã có da có thịt, khuôn mặt đã hồng hào trở lại, mái tóc được cắt tỉa gọn gàng. Nhìn Vân vui vẻ ngồi nói chuyện với những người bạn khác trong trung tâm, ít ai ngờ rằng ba tháng trước, cô gái đó chỉ còn da bọc xương.
“Ai cũng có một thời lầm lỗi, rồi phải trả giá cho những sai lầm ấy. Em cũng vậy. Bây giờ em chẳng còn gì để mất, nhưng ông bà sẽ đau lòng lắm nếu em ra đi. Vì vậy, em quyết tâm từ bỏ cái nghề “bán thân xác” ấy để làm lại từ đầu. Dẫu biết bây giờ là muộn, nhưng em vẫn làm”, cô nhìn xa xăm, nói về dự định của mình.” - Vân tâm sự
Sau 8 năm mang phận “bướm đêm”, ngoảnh nhìn lại, Vân nhận ra rằng: “Em đã lăn lộn với nghề này lâu rồi, dù bao đau đớn tủi hổ, bao cái nhìn ghẻ lạnh của xã hội nhưng em vẫn cố gắng vượt qua. Nhưng đến bây giờ, chứng kiến những người bạn của mình lần lượt ra đi, cảm nhận sâu sắc nhất sự tàn tạ của cơ thể, em mới thấy yêu bản thân mình hơn.”
Ai cũng có một thời lầm lỗi, rồi phải trả giá cho những sai lầm ấy. Em cũng vậy. Bây giờ em chẳng còn gì để mất, nhưng ông bà sẽ đau lòng lắm nếu em ra đi. Vì vậy, em quyết tâm từ bỏ cái nghề “bán thân xác” ấy để làm lại từ đầu. Dẫu biết bây giờ là muộn, nhưng em vẫn làm”, cô nhìn xa xăm, nói về dự định của mình.
Giờ đây, mỗi sáng Vân lên trung tâm uống thuốc, sinh hoạt cùng bạn bè đồng cảnh ngộ. Vân còn mang theo một ít sữa chua nhà làm để bán cho mọi người. Cô nói: “Công việc này để phụ giúp gia đình. Nếu sau này sức khỏe tốt hơn, em sẽ kiếm một công việc ổn định”.
Chia tay Vân, trong chúng tôi không quên hình ảnh cô gái yếu ớt đứng núp mình dưới bóng cây hoa sữa, như cố tránh ánh điện cao thế chiếu thẳng vào khuôn mặt nhợt nhạt. Bây giờ, nó đã được thay bằng hình ảnh một cô gái nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ mang quyết tâm làm lại cuộc đời.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi