Trước nhu cầu của nhiều người có điều kiện kinh tế muốn tập luyện thể thao, thể hình, rèn luyện sức khỏe, hàng loạt trung tâm gym cao cấp ra đời. Dù hiện tại ở Việt Nam, các phòng tập kiểu ‘cây nhà lá vườn’ đơn thuần máy móc chỉ cần vốn đầu tư ban đầu trên dưới vài trăm triệu, nhưng lợi nhuận hấp dẫn đi cùng thị trường đầy tiềm năng vẫn tạo sức hút không nhỏ đối với các ông lớn trong ngành, họ vẫn đang tiếp tục đổ tiền mở rộng hệ thống. Và lẽ tất nhiên, người tiêu dùng không khỏi hoang mang khi phải đứng trước quá nhiều lựa chọn!
Khoảng 10 năm trước, khi nhắc đến phòng tập thể hình, mọi người thường chỉ liên tưởng đến một nơi để tập luyện hình thể, trang thiết bị khá thô sơ và những người mê đắm việc phát triển cơ bắp. Tuy nhiên, nhu cầu thể dục thể hình đã thay đổi khá nhanh trong những năm gần đây. Nhiều người chọn gym như một cách khả dĩ để vận động sau giờ làm việc. Cùng với đó, yêu cầu về chất lượng tại các phòng gym cũng khắt khe hơn, khiến ngành gym cao cấp hoạt động ngày càng phát đạt.
Tại Việt Nam, đặc biệt tại các thành phố trung tâm, mô hình câu lạc bộ thể dục thể hình theo hướng hiện đại bắt đầu phát triển khoảng 9 năm trở lại đây. Nhận thấy tiềm năng không nhỏ từ lĩnh vực kinh doanh này, từ năm 2012 một loạt các trung tâm thể dục thể hình lớn nhỏ liên tục xuất hiện. Theo đó, tiêu chuẩn của một phòng tập gym cao cấp phải bao gồm các thiết bị thể thao hiện đại với các loại máy tập đa chức năng. Khu vực phòng chờ cũng được thiết kế rất sang trọng giúp các hội viên có thể thư giãn, giải trí trước, giữa hoặc sau thời gian luyện tập. Ngoài ra còn có những thực đơn đồ ăn, thức uống cao cấp, phù hợp với nhiều đối tượng với các đặc điểm sinh lý, hình thể khác nhau; hệ thống thiết bị âm thanh với những album nhạc kích thích giúp việc tập luyện hiệu quả hơn…
Theo tiết lộ của một số người trong ngành, chi phí cho một phòng tập bình dân cần nguồn vốn đầu tư ban đầu khoảng 500 triệu đồng, vì vậy, việc mở một phòng tập cao cấp, chi phí lên đến hàng triệu đôla cũng không có gì lạ. Tốn kém nhất là các loại máy tập nhập nhập khẩu, đó là chưa kể chi phí vận hành, lương thưởng cho nhân viên, tiền công giảng dạy của huấn luyện viên… Tuy nhiên, vốn đầu tư lớn dường như không đủ là trở ngại ngăn cản sức hấp dẫn của thị trường. Thực tế các là ông lớn vẫn đang đổ tiền để mở thêm hệ thống.Vài năm gần đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã ‘mạnh tay’ đầu tư khoản tiền khủng vào ngành công nghiệp này tại Việt Nam.
Tuy chất lượng cơ sở vật chất các trung tâm ngày càng được đầu tư hơn, song bên cạnh đó vẫn tồn tại một số mặt hạn chế khiến khách hàng khá ái ngại khi quyết định tham gia vào bất kì trung tâm thể dục thể hình nào. Để tận hưởng các dịch vụ cao cấp, các hội viên phải chi trả khoản tiền lên đến hàng chục triệu đồng mỗi năm.
Cụ thể hơn, nếu muốn có huấn luyện viên cá nhân, chi phí tập luyện một năm đôi khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Tuy bỏ ra số tiền khá lớn để trở thành hội viên nhưng không phải nơi nào cũng làm khách hàng vừa lòng: “Trung tâm giao cho nhân viên mức giá chuẩn nhưng họ chào mời khách với giá cao. Khi vào tập, chúng tôi hỏi nhau và mới biết giá tiền họ thu không minh bạch. Vợ chồng tôi mua gói thành viên 1.600 USD/năm nhưng vợ chồng anh bạn chỉ bỏ ra 1.000 USD. Việc thuê HLV cũng bất hợp lý vì mỗi giờ 35 USD nhưng họ thường cười nói và đùa giỡn nhiều hơn là hướng dẫn” - khách tập của một Trung tâm có tiếng tại quận 5 ngán ngẩm cho biết.
Đó là chưa nói đến cảnh, dù khách hàng có đủ vài chục triệu mua thẻ hội viên nhưng chỉ cần đi xe không sang, ăn mặc không thời trang hay không biết thể hiện độ sang chảnh - thì ngay lập tức sẽ nhận được những cái nhìn không thiện cảm và cách phục vụ “cho xong” của cánh nhân viên trung tâm. Nổi tiếng là hệ thống trung tâm California với nhiều than phiền từ các khách hàng.
Chị N. (làm nghề bất động sản, quận 2) cho biết: “Thấy mọi người bảo trung tâm này có nhiều chi nhánh thuận tiện cho việc tập, với cũng có nhiều người nổi tiếng tập nên tôi mua thẻ thành viên. Giá là 18 triệu/ 2 năm. Lúc vào tập, có quen một số chị em thì mới biết giá đó mình mua hớ nhưng thôi lỡ rồi, cũng không trách ai dù mình thấy kỳ cục, trung tâm lớn mà giá không đồng nhất, giống như đi chợ trời.
Tuy nhiên, điều tôi khó chịu nhất là thái độ hỗ trợ của các nhân viên không tốt, nói thẳng ra là không xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Họ chỉ chăm chăm vào những người tỏ ra giàu có hơn hoặc nổi tiếng hơn, nhưng không nghĩ việc họ được thuê về để phục vụ tất cả mọi người vì ai cũng phải trả tiền như ai mà?”
Cùng quan điểm, bạn E. (quản lý trung tâm Anh ngữ ILA): “Mình tập gym cũng 5 năm rồi và luôn nói không với các phòng gym “triệu đô”. Mình thấy đa số ở đó người ta “show off” là chính còn tập là phụ. Nhân viên thì chải chuốc, lo làm đẹp cho mình chả quan tâm gì khách. Khách thì đến chụp hình sang chảnh up Facebook rồi về. Hôm vừa rồi mình có cái thẻ gym 1 tháng ở Cali, vào tập được được 1 buổi trong lạnh nhạt của nhân viên. Buổi thứ 2 mình quên đem giấy (họ phát cho tờ giấy to như tờ giấy biên bản nộp phạt xe), nhờ họ check trên hệ thống có tên mình nhưng họ nhất định không chịu. Có cả bạn mình là thành viên tập ở đó ra nói, họ cũng không chịu, thái độ rất bỏ mặc khách. Từ đó, mình chào Cali luôn”.
Dù vậy, giới chuyên gia đầu tư vẫn cho rằng, mô hình gym cao cấp sẽ còn duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao. Nhiều thương hiệu quốc tế sẽ còn tiếp tục đến Việt Nam, bởi tiềm năng lớn và xu hướng tập gym cao cấp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.