Gần 11h ngày 1/12, gần 20 tài xế tập trung trước quán giải khát đối diện nhà nghỉ Bình Dân ở xã Bình Phú, huyện Cai Lậy (Tiền Giang), để cúng heo quay. Cách đó hơn 100 m, trạm BOT Cai Lậy tiếp tục tạm ngưng thu phí sau khi xả trạm từ lúc 2h cùng ngày.
“Chiến thuật 25-1”
Tài xế Đặng Minh Trí (ngụ huyện Cai Lậy) cho biết trong ngày BOT Cai Lậy thu phí trở lại sau hơn ba tháng rưỡi tạm ngưng hoạt động, anh là người đầu tiên dùng “chiến thuật 25-1” để qua trạm. Đó là mua vé 25.000 đồng nhưng đưa nhân viên thu phí 25.100 đồng và nhất quyết đòi tiền thối 100 đồng mới chịu cho xe đi.
“Nhóm bạn của tôi đã sử dụng 'chiến thuật 25-1' này và BOT Cai Lậy đã xả trạm. Hôm nay anh em chúng tôi cúng heo quay ăn mừng”, anh Trí nói.
Theo anh Trí, trước khi BOT Cai Lậy xả trạm vào tối 14/8; chiều hôm đó, anh đã hai lần đập heo đất lấy tiền mệnh giá nhỏ để mua vé qua trạm. Lần đó anh và các bạn hữu đã thành công khi BOT Cai Lậy dừng thu phí kéo dài đến nay.
“Chúng tôi vẫn còn các phương án khác khi BOT Cai Lậy thu phí trở lại nhưng còn nằm trong vòng bí mật”, tài xế quê Tiền Giang nói.
“Chiến thuật 25-1” lại được nhiều tài xế áp dụng và 2h23 ngày 1/12, BOT Cai Lậy xả trạm đến nay. Zing.vn liên hệ ông Lưu Văn Hào, Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, cho biết đơn vị đang họp và chưa biết khi nào trạm hoạt động trở lại.
15 giờ căng thẳng, 3 lần xả trạm
BOT Cai Lậy bắt đầu “nóng” lên vào khoảng 11h ngày 30/11, khi một tài xế bị nhân viên của nhà đầu tư lập biên bản giữ chứng minh nhân. Lúc đó, anh Huỳnh Đỗ Vũ (quê Cần Thơ) lái xe đầu kéo container qua trạm nhưng trong túi chỉ có 120.000, thiếu 20.000 đồng.
“Rạng sáng tôi lên TP.HCM trạm vẫn xả bình thường, khi quay về thì trạm đã thu phí. Thiếu 20.000 đồng nên bị lập biên bản và giữ giấy tờ tùy thân. Tôi đưa thẻ ATM để họ quẹt mà trạm không có máy”, anh Vũ nói.
Thiếu tiền, tài xế bị giữ chứng minh nhân dân tại BOT Cai Lậy
Một số tài xế dùng tiền 500.000 đồng để mua vé qua trạm BOT Cai Lậy trong ngày thu phí trở lại. Có người bị giữ CMND vì không đủ tiền mua vé.
Gần 12h cùng ngày, điểm thu tiền mệnh giá nhỏ gần nhà nghỉ Bình Dân xảy ra cảnh mất trật tự khi nhiều tài xế cự cãi với nhân viên trạm thu phí. Đến 12h5, tình trạng ùn tắc bắt đầu nghiêm trọng, kẹt xe kéo dài khoảng 2 km đến cầu Phú Nhuận trên quốc lộ 1. Đến 12h45, BOT Cai Lậy xả trạm trong 15 phút.
Trong buổi sáng của ngày đầu thu phí lại có vài trường hợp tài xế dùng tiền mệnh giá 500.000 đồng để mua vé nhằm kéo dài thời gian thối tiền, đến 15h có nhiều người sử dụng tiền mệnh giá 200 đồng để qua trạm và yêu cầu nhân viên thu phí thối đúng 100 đồng.
Nhân viên thu phí không có 100 đồng để thối trong khi tài xế nhất quyết không chịu rời trạm nếu chưa nhận đúng số tiền dư của mình. Tình hình trở nên căng thẳng khi kẹt xe kéo dài, lực lượng an ninh được tăng cường trong khi tài xế và nhân viên thu phí bắt đầu lớn tiếng với nhau.
Đến 16h55 cùng ngày, BOT Cai Lậy phải xả trạm lần thứ 2 trong ngày do ùn tắc giao thông.
Sự việc chưa dừng lại ở đó, từ 23h30 ngày 30/11 đến hơn 2h ngày 1/12, tình hình căng thẳng khi nhiều tài xế tiếp tục đưa tiền mệnh giá thấp để mua vé và yêu cầu nhân viên BOT Cai Lậy phải thối lại đúng 100 đồng. Tình trạng kẹt xe lại xảy ra và cánh tài xế bóp còi inh ỏi, lớn tiếng cự cãi lại nhân viên trạm thu phí. Đến 2h23, BOT Cai Lậy xả trạm lần 3.
Hai tài xế bị đưa về cơ quan công an
Khoảng 17h ngày 30/11, tài xế Nguyễn Minh Trung (31 tuổi, ngụ huyện Long Phú, Sóc Trăng) và Trịnh Hồng Phương (50 tuổi, ở thị xã Dĩ An, Bình Dương) bị cảnh sát cơ động áp giải lên ôtô, đưa về trụ sở Công an huyện Cai Lậy.
“Ông Phương bị lập biên bản về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông. Còn ông Trung thì la lối, thóa mạ lực lượng làm nhiệm vụ”, Công an huyện Cai Lậy thông tin.
Tại cơ quan công an, ông Phương bị lập biên bản về hành vi Cản trở giao thông đường bộ. Còn ông Trung bị lập biên bản ông với 3 hành vi: Cản trở giao thông đường bộ; có lời nói xúc phạm người thi hành công vụ; chặn xe chở ông Phương về đồn cảnh sát.
“Sau khi làm việc xong, các anh công an có đưa 1 biên bản lời khai ghi tôi 3 khuyết điểm. Thứ nhất, tôi lại tới BOT, đóng phí rồi người ta cho tôi đi nhưng không chịu đi. Thứ hai, tôi có lời lẽ xúc phạm ngành công an nhân dân, tôi nói 'cảnh sát nhân dân mà hành dân'. Thứ ba, tôi đứng trước kính chắn gió, ôm kính chắn gió của xe đặc chủng”, ông Trung nói và cho biết, sau khi bị đưa về trụ sở công an ông không được liên lạc bất cứ người thân nào.
Ông Phương và ông Trung sau đó được công an cho về, riêng ông Trung rời trụ sở cảnh sát lúc 23h.
An ninh thắt chặt
Ngay trong buổi sáng BOT Cai Lậy thu phí trở lại, hàng chục bảo vệ mặc áo có logo “An ninh Phương Đông” đứng từ trạm thu phí đến nhà điều hành và các điểm thu tiền mệnh giá nhỏ.
Trong khi đó, Công an Tiền Giang và Công an huyện Cai Lậy cũng tung lực lượng trên 100 người gồm cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động, an ninh làm nhiệm vụ xung quanh BOT Cai Lậy.
Theo một cán bộ có trách nhiệm, nếu tính cả công an viên của xã Bình Phú và các lực lượng khác thì có trên 200 người bảo vệ an ninh tại trạm thu phí BOT Cai Lậy hôm 30/11.
Trạm BOT Cai Lậy chính thức thu phí từ ngày 1/8. Sau hai tuần hoạt động, ngày 15/8, BOT Cai Lậy cho xả trạm, ngừng thu phí. Các tài xế cho rằng trạm thu phí đặt trên quốc lộ 1 là không hợp lý, mức phí quá cao nên phản đối bằng cách đưa tiền lẻ, gây kẹt xe, buộc chủ đầu tư phải nhiều lần phải xả trạm.
Sau đó, Bộ GTVT đã họp, thống nhất giảm giá vé cho tất cả các phương tiện. Cụ thể, mức phí thấp nhất với xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn là 25.000 đồng/lượt (trước 35.000 đồng), mức cao nhất 140.000 đồng (trước 180.000 đồng) với xe tải từ 18 tấn trở lên và xe đầu kéo container trên 40 feet.
Theo chủ đầu tư, mức phí sẽ giảm 30% so với trước đây. Người dân tại 4 xã, gồm Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An (huyện Cai Lậy) được miễn phí qua trạm nếu như không kinh doanh vận tải.