Ngay sau khi Bộ Y tế công bố dự thảo lấy ý kiến lần 1 về thông tư quy định tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng và sức khỏe định kỳ của nhân viên đường sắt trực tiếp chạy tàu, có nhiều điểm bất hợp lý đã được chỉ ra.
Chi tiết để tiện cho bác sĩ
Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Lương Đống, Trưởng phòng Phục hồi chức năng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, thành viên ban soạn thảo cho biết, thông tư trên bắt đầu được xây dựng từ tháng 9/2017. Đến cuối tháng 12, Bộ đưa lên website để lấy ý kiến trong vòng 2 tháng, kết thúc vào ngày 24/2 vừa qua.
“Trong suốt thời gian này, chúng tôi không hề nhận được ý kiến đóng góp nào, cho đến vừa qua, nhiều báo mới đưa thông tin”, ông Đống nói.
Theo ông, ban soạn thảo xây dựng thông tư gồm Bộ Y tế và Bộ GTVT, trong đó có Cục Y tế giao thông vận tải, Tổng công ty đường sắt VN, BV Giao thông vận tải, Trung tâm y tế đường sắt.
“Phía Trung tâm y tế đường sắt đề nghị cần quy định cụ thể trong từng tiêu chuẩn để tiện cho các bác sĩ. Vì nếu sau khi tuyển dụng, phát hiện người được tuyển mắc bệnh thì cơ sở khám chữa bệnh phải chịu trách nhiệm”, ông Đống nói thêm.
Về căn cứ xây dựng, ông Thống cho biết, ban soạn thảo căn cứ theo Quyết định 4132 của Bộ Y tế năm 2001 quy định về tiêu chuẩn sức khoẻ người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới.
Là người tham gia xây dựng nhiều thông tư, theo ông Đống, so với lái xe đường bộ, sức khoẻ lái tàu khi tuyển dụng có nhiều quy định khắt khe hơn.
Như lái đường bộ chỉ cần cao 1,62m nhưng lái tàu phải 1,64m trở lên, lái xe đường bộ chỉ cần 48kg nhưng lái tàu cần tối thiểu 52kg. Tương tự lái xe đường bộ, vòng ngực chỉ cần 79cm với nam nhưng lái tàu hoả cần trên 80cm.
Ông Đống quan điểm, quy định rõ vòng ngực vì đây là một trong những chỉ số để đánh giá thể trạng sức khoẻ của một người, hô hấp tốt, độ giãn nở phổi lớn thì vòng ngực sẽ lớn.
“Phía ngành đường sắt cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, không phải muốn là dừng để chữa bệnh nên sức khoẻ lái tàu đòi hỏi chặt chẽ hơn để tránh tai nạn. Lái xe đường bộ có thể tuyển người sức khoẻ loại A, B, C nhưng đường sắt chỉ được tuyển loại A, 1 tiêu chí loại B cũng không đủ yêu cầu”, ông Đống giải thích.
Sẽ rút gọn các tiêu chuẩn
Ông Đống cho biết, ngay sau khi báo chí và dư luận có ý kiến, ông đã trực tiếp rà soát lại thông tư cũng như các văn bản có liên quan.
“Thông tư đang dài 21 trang, chúng tôi sẽ xem xét để rút lại chỉ còn 5-6 trang theo hướng bao quát hơn, nhưng vẫn đảm bảo đầy đủ 2 nhóm tiêu chí và 13 chuyên khoa để người dân đọc thấy đơn giản hơn”, ông Đống cho hay.
Ông Đống dẫn chứng, như chuyên khoa tiêu hoá, hiện quy định rất dài, giờ sẽ suy nghĩ định gọn lại “không mắc các bệnh ảnh hưởng chức năng tiêu hoá”, nếu mới bị loét, chưa ảnh hưởng thì không sao và khi khám bác sĩ vẫn phải khám đủ, khám kĩ. Các chuyên khoa tiết niệu, sinh dục… cũng tương tự.
Riêng với chuyên khoa răng hàm mặt, ông Đống cho biết sẽ bỏ tiêu chí vẩu (khoảng cách 2 hàm lớn hơn 0,5cm).
Với hệ máu bạch huyết trong đó yêu cầu xét nghiệm hậu quả của máu về bệnh phóng xạ, máu khó đông… ông Đống cho biết sẽ xem xét bỏ, vì không phải cơ sở y tế nào cũng đủ máy móc để xét nghiệm chỉ số này. Thay vào đó, bác sĩ sẽ phải khai thác rất kỹ bệnh sử, khi cần chuyển sang BV chuyên sâu hơn để xét nghiệm.
Với các tiêu chí khác, chẳng hạn như lái tàu không được có răng sâu men, ngà trên 3 cái, sẽ chiếu lại thông tư liên bộ năm 2013 về quy định tỉ lệ tổn thương cơ thể do bệnh tật. Nếu chỉ ảnh hưởng 5-7% là bình thường, nếu trên 10% thì không đủ điều kiện.
“Chúng tôi sẽ mời các thành viên trong ban soạn thảo, đặc biệt bên ngành đường sắt cùng ngồi thẩm định lại các tiêu chí. Các cơ quan này đề ra các tiêu chuẩn để tuyển dụng người đảm bảo chất lượng làm việc sau này thì phải đưa ra các tiêu chuẩn, sau đó ngành y tế mới xem tiêu chuẩn như vậy có cao quá hay thấp quá”, ông Đống nói.