Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 11 (TP.HCM), trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, người dân bày tỏ nhiều băn khoăn với những bất cập về vấn đề môi trường của TP.HCM, đặc biệt trong lĩnh vực phân loại rác tại nguồn khi thành phố có những nhà máy đốt rác phát điện.
“Sắp tới thành phố sẽ đưa vào hoạt động các nhà máy đốt rác phát điện, khi đó việc người dân phân loại nguồn có còn cần thiết?”, cử tri đặt câu hỏi.
Trả lời thắc mắc trên, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết sau khi các nhà máy đốt rác phát điện hoạt động, việc phân loại tại nguồn vẫn cần thực hiện nhưng theo cách thức mới.
Cụ thể, việc phân loại không còn dựa trên tiêu chí chất vô cơ, hữu cơ mà sẽ thực hiện theo hướng chất có thể tái chế và không thể tái chế.
“Các loại vật chất còn có thể sử dụng lại, bà con sẽ phân loại để đơn vị thu gom mang đi tái chế trước khi chuyển phần còn lại đến nhà máy”, ông Võ Văn Hoan cho biết.
Ông Hoan thông tin thêm, có một đơn vị thu gom đã thí điểm thu gom rác tại nhiều tòa chung cư với khoảng 2.000 hộ dân, và đặc biệt, người dân rất hưởng ứng thí điểm này bởi có thể quy đổi rác thành gạo hoặc tiền mặt. Trong thời gian tới, việc phân loại theo phương thức mới này sẽ được thực hiện trên toàn thành phố.
Liên quan đến các nhà máy phát điện, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin hiện thành phố mỗi ngày chịu ảnh hưởng bởi hơn 9.000 tấn rác thải sinh hoạt. Dự kiến khi 2 nhà máy đốt rác phát điện đầu tiên của TP.HCM sẽ xử lý được 50% lượng rác thải theo phương pháp mới trong năm 2020, đến năm 2025, khối lượng rác thải có thể đốt phát điện là 80%.