Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bộ Y tế chỉ đạo báo cáo khẩn kết quả mua mua máy Real-time PCR xét nghiệm dịch COVID-19

Định Nguyễn Theo dõi Saostar trên google news

Bộ Y tế vừa có hai văn bản gửi các đơn vị trực thuộc báo cáo về việc mua sắm trang thiết bị Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19.

Thông tin từ ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19, tính từ 18h00 ngày 25/4 đến 6h00 ngày 26/4 không có ca mắc mới. Từ ngày 16/4 đến nay, Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới do lây nhiễm trong cộng đồng. Việt Nam ghi nhận tổng cộng 270 ca mắc COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 52.196, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 325; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.836; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 42.035.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 13 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần trở lên âm tính với SARS-CoV-2: 3 ca.

Bộ Y tế đã có liên tiếp 2 công văn gửi các đơn vị trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Y tế các Bộ, Ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.

Theo đó, tại công văn số 2288/BYT-KH-TC do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn ký ngày 24/4 gửi các đơn vị trực thuộc Bộ (các Viện, Bệnh viện, Trường đại học và các Bệnh viện thuộc trường) và Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Y tế các Bộ, Ngành và một số Bệnh viện tư nhân đề nghị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm.

Công văn nêu rõ, trước đó, ngày 17/4, Bộ Y tế có công văn số 2154/BYT-KH-TC về việc báo cáo mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động phục vụ công tác xét nghiệm. Đến nay, một số địa phương đã gửi báo cáo về Bộ Y tế, tuy nhiên còn nhiều địa phương chưa gửi báo cáo.

Bộ Y tế đề nghị các địa phương, đơn vị tiếp tục thu thập bổ sung số liệu và tổng hợp báo cáo về kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động của hãng Quiagen (Đức) và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống trên địa bàn về Bộ Y tế. Thời gian báo cáo bổ sung thêm gồm tất cả các hợp đồng đã được ký kết từ ngày 1-3-2018 đến 29-2-2020 (2 năm).

Bộ Y tế yêu cầu photocopy các tài liệu, đóng dấu sao y bản chính và gửi kèm báo cáo về Bộ Y tế gồm: Quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt; quyết định phê duyệt kết quả trúng thầu; hợp đồng mua bán giữa các bên, tài liệu về thông số, tính năng kỹ thuật của hệ thống; catologue của thiết bị chính và các thiết bị thành phần của hệ thống, chụp ảnh của các thiết bị nêu trên. Báo cáo của các đơn vị đề nghị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế trước ngày 28/4/2020, đồng thời gửi file mềm qua mail theo địa chỉ dinhdq.khtc@moh.gov.vn để tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ.

6 trong 7 bị can vừa bị khởi tố.

Tại công văn số 2154/BYT-KH-TC ký ngày 17/4 về vấn đề này, Bộ Y tế nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, để nắm được các thông tin về một số mặt hàng đã trúng thầu phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị báo cáo kết quả mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động và toàn bộ các bộ phận cấu thành của hệ thống đã mua từ ngày 1/1/2019 đến nay bằng tất cả các nguồn tiền của đơn vị để phục vụ công tác xét nghiệm nói chung và xét nghiệm chẩn đoán SARS- CoV-2 nói riêng tại các đơn vị.

Bộ Y tế đề nghị thủ trưởng các đơn vị khẩn trương triển khai theo tinh thần phòng, chống dịch, chịu trách nhiệm về tiến độ, nội dung, thông tin, tổng hợp báo cáo của các đơn vị do mình quản lý. Báo cáo của các đơn vị gửi khẩn về Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ.

Trước đó, ngày 22/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành, Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST) và các đơn vị liên quan.

Ngoài ra, C03 còn ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh bắt bị can để tạm giam, áp dụng các biện pháp ngăn chặn về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng đối với Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, trưởng phòng tài chính kế toán; Lê Xuân Tuấn, nhân viên phòng tài chính kế toán; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Định giá và Bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông.

Trong quá trình điều tra, C03 bước đầu xác định với vai trò là giám đốc CDC Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết, gian lận, thông đồng với các bị can khác nâng khống giá trị gói thầu mua sắm hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho nhà nước.

Một lãnh đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Bộ Công an cho biết qua điều tra bước đầu đơn vị này đã xác định, hệ thống máy xét nghiệm Realtime PCR phòng chống COVID-19 khi nhập về Việt Nam giá khoảng 2,3 tỉ đồng.

Tuy nhiên, khi CDC Hà Nội mua vào lại có giá lên tới 7 tỉ đồng. Lãnh đạo C03 cho biết, việc nâng giá hệ thống Realtime PCR tự động được các doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối mua bán lòng vòng.

Sau đó, Công ty Cổ phần định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ vào đó để đề xuất mức giá và CDC Hà Nội mua vào. Hiện Cơ quan CSĐT đang tập trung làm rõ hành vi của các bị can, thu hồi tài sản nhà nước và tiến hành điều tra mở rộng vụ án.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Định Nguyễn

Được quan tâm

Tin mới nhất