Ngày 12/9, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Khánh Hải có văn bản gửi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) về việc xử lý và ngăn chặn tình trạng đốt pháo sáng tại các giải bóng đá trong nước.
Theo đó, sau sự cố trên sân Hàng Đẫy khiến 2 người bị thương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đánh giá đây là sự việc rất nghiêm trọng, gây mất an ninh, trật tự và làm ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe của khán giả đến xem bóng đá.
Để khắc phục và xử lý các hiện tượng trên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu VFF và VPF khẩn trương báo cáo diễn biến sự việc, các biện pháp đã xử lý, việc chăm sóc, điều trị cho người bị thương.
Bộ yêu cầu xử lý nghiêm khắc Ban tổ chức sân Hàng Đẫy, đồng thời có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với tập thể, cá nhân để xảy ra hiện tượng đốt pháo trên. Trong văn bản Bộ Văn hoá cũng yêu cầu các sân vận động phải lắp camera an ninh trên khán đài; rà soát lại các phương án bảo đảm an ninh, trật tự. Sân nào không chấp hành nghiêm các quy định về an ninh, trật tự, kiên quyết không cho tổ chức thi đấu.
Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn đề nghị VPF phân tích nguyên nhân, bài học trong việc phối hợp chuẩn bị, ứng phó và xử lý sự cố trong quá trình tổ chức.
Vào tối 11/9, khi trận đấu giữa CLB Hà Nội và Nam Định đang diễn ra thì bất ngờ một CĐV nữ của CLB Hà Nội ở khán đài A sân Hàng Đẫy bị thương vì một quả pháo sáng bắn từ khán đài của CĐV Nam Định.
Xe cấp cứu đã được huy động để đưa nữ CĐV này đi cấp cứu. Sự cố diễn ra vào hiệp 2 khi đó đội chủ nhà Hà Nội đang dẫn trước Nam Định với tỷ số 4-1. Trước đó trong khoảng thời gian đầu trận, pháo sáng đã xuất hiện trên sân vận động Hàng Đẫy, xuất phát từ khu vực của cổ động viên đội khách.
Từ chiều 11/9 trước khi trận đấu diễn ra, CĐV Nam Định diễu hành trên nhiều tuyến phố trên nhiều ô tô và xe máy đã khiến những tuyến đường từ Giải Phóng về SVĐ Hàng Đẫy trên phố Trịnh Hoài Đức ách tắc. Thậm chí khi lực lượng CSCĐ trấn áp một số CĐV đốt pháo sáng trên khán đài B sân Hàng Đẫy đã vấp phải sự phản kháng không cần thiết của nhóm CĐV này. Trung đoàn CSCĐ, CATP Hà Nội đã tăng cường thêm nhiều tiểu đội để giữ ANTT khu vực quanh sân Hàng Đẫy.
Hiện nữ cổ động viên đang được điều trị tại khoa Bỏng (Bệnh viện Xanh Pôn). Theo bác sĩ, hiện tình trạng bệnh nhân ổn định, chấn thương phần mềm, không có tổn thương xương, không có tổn thương mạch máu… Bệnh nhân có tổn thương mặt ngoài đùi trái với kích thước 15-30 cm. Vết thương của bệnh nhân không phải do bỏng mà do công phá từ sức nổ của pháo. Với vết thương do hỏa khí việc điều trị rất khó khăn, nếu bệnh nhân đề kháng kém thì việc điều trị sẽ rất lâu dài.
Với bệnh nhân này dự kiến quá trình điều trị mất khoảng 15 ngày. Thời gian tới bệnh nhân tiếp tục được ghép da mỏng tự thân, đồng thời điều trị theo phác đồ của bác sĩ.
Ngày 12/9, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản gửi Giám đốc Công an TP chủ trì phối hợp với các đơn vị điều tra xử lý nghiêm đối tượng có hành bắn pháo khiến nữ cổ động viên cùng một số CSCĐ bị thương.
Đối với các trận đấu tiếp theo diễn ra trên sân vận động Hàng Đẫy hoặc sân vận động quốc gia Mỹ Đình, yêu cầu Công an TP Hà Nội có phương án đảm bảo an ninh trật tự, không để các cổ động viên mang pháo sáng, pháo hoa… vào sân làm mất an ninh trật tự như sự việc vừa xảy ra trên.