Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng “thần tốc chống dịch”, Bộ Y tế đã huy động tổng lực trợ giúp Hải Dương , ngày 27/1 Bộ Y tế đã phát hành công điện số 88/CĐ-BYT về việc hỗ trợ ngành y tế Hải Dương thực hiện điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm và điều trị COVID-19.
Theo đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, Trường Đại học Y Hà Nội, và Trường Đại học Y tế Công cộng hỗ trợ thực hiện xét nghiệm COVID-19; Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương và Trường Cao đẳng Dược Trung ương – Hải Dương hỗ trợ điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, tổ chức lấy mẫu bệnh phẩm gửi các đơn vị được giao thực hiện xét nghiệm COVID-19; Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có trách nhiệm tổ chức thiết lập khu vực điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh Hải Dương.
Xác định đợt bùng phát dịch lần này tại Hải Dương có thể diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: “Trợ giúp và phối hợp chặt chẽ với Hải Dương và Quảng Ninh khống chế dịch nhanh chóng và hiệu quả là trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên y tế.
Chúng ta cần phát huy những kinh nghiệm quý báu tích lũy được từ đợt hỗ trợ miền Trung chống dịch trong tháng 7-8/2020 để thực hiện tốt việc giám sát, điều tra dịch tễ và triển khai kịp thời các biện pháp khẩn cấp đáp ứng phòng chống dịch, xét nghiệm và điều trị tại khu vực này. Bên cạnh đó cần chú ý đợt dịch này liên quan tới virus SARS-CoV-2 chủng mới, nên cần đề cao cảnh giác, bảo đảm an toàn cho lực lượng y tế tham gia chống dịch tại đây”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu các lực lượng chi viện của Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo phòng chống dịch của Hải Dương và ngành y tế của tỉnh khẩn trương tăng tốc thực hiện truy vết các trường hợp tiếp xúc gần với các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, tiến hành cách ly y tế tập trung, lấy mẫu thực hiện xét nghiệm và giám sát tình hình sức khỏe; Khẩn trương thực hiện xét nghiệm trên diện rộng, tiếp tục triển khai giám sát, lấy mẫu xét nghiệm tất cả các trường hợp có các biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp để phát hiện sớm và kịp thời.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, sáng sớm 28/1, 39 chuyên gia, kỹ thuật viên xét nghiệm thuộc 4 đơn vị của Bộ Y tế đã tới Hải Dương. GS. TS. Lê Thị Quỳnh Mai, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương (NIHE) trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác xét nghiệm tại Hải Dương cho biết 4 cán bộ của NIHE trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm, sau đó vận chuyển về phòng xét nghiệm của Viện để thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR và giải trình tự gene với các mẫu dương tính.
Sau khi lấy mẫu trong ngày, NIHE sẽ phân bổ các mẫu cho 4 phòng xét nghiệm thuộc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hải Dương, ĐH Y Hà Nội, BV Bạch Mai và NIHE để thực hiện xét nghiệm. Tổng số lấy mẫu trong ngày 28/01 khoảng 2.000 mẫu. Viện VSDT TW sẽ điều phối để thực hiện xét nghiệm hết ngay trong đêm nay.
Đến 14h30 ngày 28/1, BV Bạch Mai đã vận chuyển về 800 mẫu để thực hiện xét nghiệm. Đại học Y Hà Nội cử 29 cán bộ (24 cán bộ lấy mẫu, 03 cán bộ xét nghiệm, 02 cán bộ hỗ trợ), mang theo trang thiết bị lấy mẫu để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm theo điều phối của GS.TS Lê Thị Quỳnh Mai.
Trường Y tế công cộng đã cử nhóm đầu tiên gồm 03 kỹ thuật viên xuống Hải Dương phối hợp lấy mẫu xét nghiệm. Cuối ngày sẽ vận chuyển mẫu xét nghiệm về phòng xét nghiệm của trường để thực hiện xét nghiệm RT-PCR.
PGS.TS Đinh Thị Diệu Hằng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương cho hay nhà trường đã huy động được 1.180 giảng viên và sinh viên năm cuối tham gia chống dịch, đồng thời chỉ đạo Bệnh viện của Trường, Labo sinh học phân tử lập kế hoạch bố trí nhân lực, chuẩn bị thiết bị, vật tư, hóa chất. sinh phẩm để tham gia lấy mẫu, xét nghiệm khi có yêu cầu
Trường Cao đẳng Dược Trung ương - Hải Dương đã giao cho đoàn thanh niên triệu tập các thành viên đã đăng ký tham gia làm tình nguyện viên phòng chống dịch và tiếp tục kêu gọi sinh viên đăng ký tham gia. Sinh viên tình nguyện được nhà trường giao cho Bộ môn Y sinh tập huấn các biện pháp phòng chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch được giao.
Về công tác điều trị, Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Trọng Khoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) được giao trực tiếp chỉ đạo toàn bộ công tác điều trị tại Hải Dương. Ông Nguyễn Trọng Khoa cho biết: Hải Dương đã thành lập bệnh viện điều trị COVID-19 đặt tại Trung tâm y tế thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương với quy mô hơn 200 giường chịu trách nhiệm về điều trị bệnh nhân mắc COVID-19.
“Trước mắt sẽ tận dụng trang thiết bị và nhân lực tại chỗ, đối với những bệnh nhân nặng sẽ chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Tất cả các lực lượng đang tập trung để triển khai các biện pháp như rà soát nhân lực, trang thiết bị... để bệnh viện sớm đi vào hoạt động. Dự kiến ngày mai (29/01), bệnh viện điều trị COVID-19 tại Hải Dương sẽ chính thức đi vào hoạt động” – ông Khoa cho hay.
Trong sáng 28/1, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai đã cử đoàn công tác xuống hỗ trợ cho Hải Dương. Đoàn của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới do Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện làm trưởng đoàn sẽ trực tiếp hỗ trợ về chuyên môn. Tất cả các bác sĩ, điều dưỡng tham gia công tác tại bệnh viện điều trị COVID-19 Chí Linh sẽ được tập huấn về kiểm soát nhiễm khuẩn và nhiều chuyên đề liên quan đến điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19.
Trước đó, từ sáng 27/1, đoàn điều tra, giám sát dịch tễ do PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương làm trưởng đoàn đã cùng lãnh đạo của Cục Y tế Dự phòng, Cục Quản lý Môi trường Y tế tới Hải Dương trực tiếp thực hiện các hoạt động điều tra, giám sát dịch tễ và truy vết các ca bệnh.
Chiều 28/1, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông tin, ghi nhận thêm 91 ca mắc mới trong đó có 7 ca nhập cảnh được cách ly ngay. Tại Việt Nam, trong các ngày 27 và 28 tháng 01 năm 2021, đã ghi nhận nhiều ca dương tính trong cộng đồng do biến thể mới của vi-rút tại nhà máy POYUN, Khu công nghiệp Cộng Hòa, thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương và nhiều ca liên quan đến nhân viên an ninh của sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh); là trường hợp lây nhiễm cộng đồng lớn nhất từ trước đến nay, có nguy cơ lây lan nhanh trên diện rộng.