Chiều 1/4, phát biểu cuối phiên thảo luận về kinh tế xã hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, các bộ, ngành cam kết để cải thiện tình hình mất vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo an toàn cho người dân.
Nói về vấn nạn mất an toàn vệ sinh thực phẩm, ông Phát cho biết, ông cũng cảm nhận được việc này từ chính người xung quanh mình.
“Chúng tôi tập trung vào 2 hướng, một là sản xuất sạch hai là xử lý chất cấm mà dư luận đang bức xúc. Bước đầu đã khá thành công và đã giảm mạnh, triệt được nguồn nhập khẩu vào trong nước và cơ sở sản xuất thức ăn đã rất ít sử dụng chất cấm, chỉ còn một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chúng tôi sẽ chọn từng việc một và làm triệt để” - Bộ trưởng Phát khẳng định.
Bên cạnh đó, theo ông là đẩy mạnh hướng dẫn nông dân quy trình sản xuất an toàn. Trong 5 tháng qua, các cơ quan chức năng lấy gần 6.000 mẫu phân tích về an toàn vệ sinh thực phẩm. Kết quả, 5,17% mẫu rau và 1,9% mẫu thịt vượt quy chuẩn.
“Như vậy đa số thực phẩm của chúng ta an toàn. Nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả thực phẩm không an toàn” - ông Phát thông tin.
Trước đó, đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga nhận định: “Vấn nạn thực phẩm bẩn đã đẩy người dân vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan', không ăn thì không thể tồn tại, ăn thì phó mặc may rủi cho số phận, bệnh đến lúc nào biết lúc ấy”.
Cùng chung mối lo như bà Nga, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) lại trăn trở vì “mỗi người hàng ngày thay vì bổ sung dinh dưỡng thì phải bổ sung độc tố vào cơ thể. Tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng, hàng trăm căn bệnh hiểm nghèo luôn rình rập, đe dọa cư dân vùng ô nhiễm”.
Còn ông Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) gọi đây là “nỗi ám ảnh” của nhiều người dân, gia đình.
“Từ chuyện tiêm thuốc an thần cho lợn trước khi giết mổ, trộn chất vàng ô vào thức ăn, rồi tới bơm nước vào lợn, bò… Vấn nạn thực phẩm không an toàn khiến căn bệnh ung thư ở nước ta tăng cao” - đại biểu Vinh trăn trở.