Cây bàng đá “đực” chết khô có giá 2 tỷ khoảng 700 năm tuổi
Những năm gần đây, nhiều người hiếu kỳ thường kéo về ấp Phụng Từ 1, xã Song Phụng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng để chiêm ngưỡng cây bàng đá cổ thụ “mồ côi bạn” 700 năm tuổi.
Sở dĩ gọi cây bàng đá này “mồ côi bạn” là vì, trước năm 2012, bên cạnh cây bàng “cái” này còn có một cây bàng đá cổ thụ khác, người dân địa phương gọi là cây “đực”.
Cả 2 cây bàng đá này đều đứng cạnh đình Phụng Tường. Cây “đực” chết khô do quá trình thi công một công trình giao thông tại địa phương.
Ông Mai Kiên (Phường 5, TP Sóc Trăng), người có 42 năm làm nghề kinh doanh gỗ đã mua gốc cây bàng “đực” chết khô với giá 35 triệu đồng. Sau khi đốn hạ cây “đực” chết khô và di chuyển về nhà mình, đã có thương lái đến ngã giá mua 2 tỷ đồng nhưng ông Mai Kiên không bán. Hiện, ông Kiên đã thuê nhân công lột vỏ và điêu khắc gỗ chế tác theo những ý tưởng của mình để làm kỷ vật riêng cho gia đình.
“Báu vật” duối cổ 500 năm tuổi được trả tới 1,5 tỷ mang thế độc “mâm xôi con gà”
Cổ mộc này vốn được coi là “kỳ mộc” thân thương, niềm tự hào của người dân thôn Bái Dương, xã Nam Dương (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Theo các bậc cao niên trong thôn, cây duối cổ đã trên dưới 500 năm tuổi. Từ xa xưa, cây duối cổ đã được bậc tiền nhân trồng ở ven ngã ba đường tiếp giáp giữa xóm 6 (tên chữ là xóm Liên- PV) và xóm 7 của thôn.
“Các cụ xưa kính ngưỡng trời đất đã tạo tác cây ruối mang dáng thế mâm xôi con gà với ngụ ý coi đây là một “cây thờ”, một vật tế dâng kính thần linh, mong cầu cuộc sống no đủ, sung túc cho làng”, một cao niên nói.
Được biết, vẻ đẹp của cây duối cổ lan xa có nhiều đại gia tìm về vùng đất Nam Dương hỏi mua cây duối đẹp lạ này. Có người trả giá tới 1,5 tỉ đồng, tuy nhiên, người dân trong thôn không mảy may động lòng.
Cây duối cổ “mâm xôi con gà” cao khoảng 4m, gốc cây có đường kính trung bình khoảng 60cm, đường kính tán lá ước chừng 3,5m, chiều cao từ gốc đến tán lá khoảng 1,8m, chiều cao tán lá khoảng 2,2m.
Ấn tượng phần tán lá của cây được tạo tác thành hình “mâm xôi con gà” với 2 phần liên kết. Phần 1 là mâm xôi có độ dày khoảng 60cm, phần còn lại là “con gà” có chiều cao khoảng 1,6m, dài 2,5m. Phần 2 - “con gà” được tạo hình “ngự” trên mâm xôi, xòe hai cánh chầu, ngước đầu chầu về phía trong làng.
Hàng trăm năm “gội gió” tắm mưa, thân cây mốc thếch, xù xì. Do phần tán lá “mâm xôi con gà” quá nặng, thân cây bị nghiêng, người dân đã dùng luồng làm khung đỡ tán lá cho “kỳ mộc”.
Cây vạn tuế “đẻ” 400 “trứng vàng” sắp vào tay đại gia, giá 50 triệu
Sau khi thông tin cây vạn tuế “đẻ”… 400 “trứng vàng” của gia đình anh Cao Văn Thắng ở thôn Chanh, xã Cẩm Thành (Cẩm Thủy, Thanh Hóa) được đăng tải trên báo Dân Việt, không kể ngày hay đêm hàng trăm người dân hiếu kỳ, khách chơi cây, trong đó có nhiều “đại gia” đã tìm đến chiêm ngưỡng và gạ mua cây vạn tuế này.
Đã có hàng chục người chơi cây, đại gia trả giá, trong đó người trả cao nhất là 50 triệu đồng, song gia chủ vẫn chưa bán vì chưa thỏa thuận được cam kết…
Anh Thắng, chủ nhân của cây vạn tuế “độc nhất vô nhị” này cho biết, mỗi ngày gia đình anh phải tiếp hàng chục người dân, khách thập phương hiếu kỳ đến xem cây vạn tuế. Ngoài ra còn có hàng chục người buôn cây, chơi cây ở Nam Định, Thanh Hóa, Hà Nội… cũng tìm đến chiêm ngưỡng và “gạ” mua cây vạn tuế này.
Gặp đất lạ, cây vạn tuế nhanh chóng phát triển xanh tốt, vươn cao. Anh Thắng cho biết, cây vạn tuế mỗi năm thay một lần lá. Số lượng tàu lá cũng nhiều lên theo từng năm. Tuy nhiên, từ khi anh trồng cây vạn tuế này đến nay, thì đây mới là lần thứ 3 cây vạn tuế ra hoa. Và đây là lần đầu tiên vạn tuế đậu quả sai trĩu, to, tròn, vàng óng trông như những “quả trứng vàng” rất đẹp.