Sáng 23/4, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2017.
Trình bày đề án cải cách bảo hiểm xã hội, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH), cho biết cơ quan tham mưu của Ban Cán sự Đảng của Chính phủ đề xuất thiết kế chính sách BHXH phù hợp với thông lệ quốc tế, thiết kế chính sách công bằng.
2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu
Đề án được thiết kế ba tầng, tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu. Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành.
Tầng thứ 3 là bảo hiểm bổ sung, thực chất là bảo hiểm tự nguyện theo nguyên tắc thị trường và tạo điều kiện cho người lao động, người sử dụng lao động đóng thêm bảo hiểm và hưởng lương hưu cao hơn, hỗ trợ quỹ lớn hơn.
Bộ trưởng Dung khẳng định điều chỉnh tuổi nghỉ hưu sẽ có lộ trình và không gây sốc cho xã hội, như: Điều chỉnh tuổi hưu người lao động, đề án đưa 2 phương án.
Phương án 1 tăng tuổi hưu 62 đối với nam và 60 đối với nữ, lộ trình tăng mỗi năm 3 tháng. Phương án 2 nam 65, nữ 60, lộ trình mỗi năm tăng 4 tháng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chính phủ cũng xem xét điều chỉnh thời gian đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Hiện, thời gian tham gia BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu là 20 năm.
“Trong thực tế có những người tham gia BHXH 10, 15 năm thì không thể theo được nữa. Vì vậy, Chính phủ dự kiến thời gian này có thể giảm xuống 15 năm, tiến tới là 10 năm, đương nhiên đóng ít hưởng ít”, ông Dung nhấn mạnh.
Bộ trưởng LĐTB&XH cho biết thêm đề án sẽ được trình tại Hội nghị Trung ương 7 dự kiến sẽ họp vào đầu tháng 5. Sau đó, Chính phủ trình tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 21/5.
370.000 doanh nghiệp hoạt động không đóng BHXH
Về vấn đề đóng BHXH cho người lao động, tính đến cuối năm 2017, có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc. Khoảng 230.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động trong khi số liệu cơ quan thuế cung cấp thì cả nước có tới 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Như vậy, còn trên 370.000 doanh nghiệp hoạt động chưa tham gia BHXH bắt buộc. Ước tính của Bộ LĐ,TB&XH thì có khoảng 3 triệu người chưa tham gia BHXH bắt buộc.
Về vấn đề này, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi đặt câu hỏi vì sao còn hơn 300.000 doanh nghiệp đang hoạt động mà không tham gia BHXH.
“Việc phát triển, bao phủ BHXH chậm nguyên nhân trách nhiệm thuộc cơ quan nào? Đặc biệt, quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư rất lớn nhưng chưa có trường hợp nào người lao động được hỗ trợ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nghề trong khi luật việc làm đã quy định vấn đề này. Vậy nguyên nhân ở đâu?”, ông Lợi nêu vấn đề.
Đồng quan điểm, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) cho rằng diện bao phủ BHXH mới ở mức 25,8% trong lực lượng lao động là thấp. Tỷ lệ này cũng không tăng trong nhiều năm qua. Theo bà Lan, nguyên nhân là số người đóng BHXH ở mức cao, ổn định tạo bền vững cho BHXH nhưng lại đang giảm trong những năm qua.
“Tới đây số công chức trong những năm tới sẽ không tăng số người do đang tinh giản biên chế, vậy làm sao để tăng tỷ lệ bao phủ BHXH trong thời gian tới?”, bà đặt câu hỏi.
Giải trình làm rõ ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định nguyên nhân khách quan là tuyên truyền chưa đúng mức, chưa đầy đủ với người dân. Qua khảo sát, hơn 70% người dân được hỏi chưa biết đến chính sách này.
Cơ chế hiện tại Nhà nước đang hỗ trợ 30%, 25%, 10% theo khu vực, nếu muốn phát triển được BHXH chuyển sang khu vực nông thôn thì phải áp dụng từng bước như bảo hiểm y tế.
Ông Đào Ngọc Dung cũng cho rằng cần ban hành quy định và biện pháp xử lý nợ đối với các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc có chủ bỏ trốn đồng thời nghiên cứu đề xuất mức đóng bảo hiểm thất nghiệp cho một số năm nhất định, giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH…