Trong cuộc họp Thường trực Chính phủ với lãnh đạo các địa phương diễn ra vào chiều 2/8 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, chúng ta đang đứng trước tình thế hết sức đặc biệt, bắt đầu bước vào làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19, Thanh Niên đưa tin.
Ông Nhân phân tích, ở Việt Nam, làn sóng thứ nhất đã kết thúc và đạt đỉnh dịch vào 30/3, lúc đó cả nước có 178 người nhiễm đang được điều trị. Trong khi đó, trong đợt này, cả nước đã có 214 người nhiễm, cao hơn đỉnh dịch lần thứ nhất. Đây là tình huống rất mới.
Ông Nhân cho biết, theo tiêu chí quốc tế đưa ra thì một quốc gia có dịch là khi quốc gia đó có 10 ca nhiễm/1 triệu dân. Tuy nhiên, Việt Nam chưa đạt đến mức này nên vẫn là đất nước an toàn. “Chúng ta có 37/63 tỉnh có lây nhiễm (trên 50%) nên vào tiêu chí đất nước có dịch. Nhưng tổng thể đất nước Việt Nam vẫn an toàn”, ông Nhân đánh giá.
Thế nhưng, riêng với Đà Nẵng, tỉnh thành này có 1 triệu người dân nhưng bình quân có hơn 100 người nhiễm bệnh, tức gấp 10 lần chỉ số một quốc gia có dịch theo quốc tế công bố. Do đó, cần phải xác định Đà Nẵng là trung tâm dịch bệnh đặc biệt nguy hiểm, mức độ rất cao, nên đề nghị áp dụng biện pháp cao nhất.
"Cao nhất là thế nào? Kinh nghiệm quốc tế, cụ thể ở Vũ Hán thì khi xảy ra dịch ở mức cao nhất, ban đầu họ yêu cầu tất cả gia đình ở nhà, 1 ngày thì chỉ được 1 người đi chợ 1 lần. Sau một thời gian, họ không cho đi chợ nữa, mà chuyển sang giao nhận thực phẩm tại nhà", Zing trích dẫn lời dẫn chứng của ông Nhân.
Đề cập tới nguy cơ sắp tới mà Việt Nam phải đối mặt, ông Nhân đưa ra dự báo từ 23- 30/8 là giai đoạn nguy cơ, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ đạt ngưỡng 10 người nhiễm/1 triệu dân, cả nước sẽ có 970 người điều trị trong bệnh viện, Tiền Phong đưa tin.
“Nếu không làm quyết liệt thì sau thời gian vàng 30 ngày sắp tới, chúng ta sẽ vào diện cả quốc gia có dịch”, ông Nhân nói thêm. Bên cạnh đó, ông Nhân cũng cho rằng TP.HCM và Hà Nội là những vùng rất có nguy cơ, vì có tới 140.000 người đã bay từ Đà Nẵng và TP.HCM trong thời gian qua.
Theo ông Nhân, vấn đề nữa đặt ra với Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung chính là phải tính tới năng lực cách ly.
Theo kinh nghiệm từ TP.HCM, cứ 1 người nhiễm thì phải cách ly 280 người liên quan. Nếu áp dụng số này cho Đà Nẵng với hơn 100 người nhiễm thì cần 28.000 chỗ cách ly ở các cấp và rõ ràng không thể đủ chỗ để cách ly.
"Đà Nẵng đang cho xây dựng bệnh viện dã chiến ở trung tâm thể thao với 1.000 chỗ nhưng với số người 28.000 thì rất nhỏ bé. Vì thế, phải coi cách ly ở gia đình là quan trọng nhất", ông Nhân nói thêm.
Cũng theo ông Nhân, thách thức lớn nhất hiện nay làm sao cách ly ở nhà thực sự hiệu quả, phải giám sát lẫn nhau.