Trong số hàng ngàn hoàn cảnh tìm đến chùa Vạn Thọ, có người là công nhân chẳng may bị tai nạn lao động, có em là sinh viên nghèo bị trật chân trong lúc đi tình nguyện, có cụ bà neo đơn mắc bệnh khớp kinh niên… Dù họ có điều kiện ổn định hay đang chật vật bữa ăn hằng ngày, nhưng hễ tìm đến phòng khám Trật đả cốt khoa thì ai cũng được chăm sóc tận tình, dù chẳng bao giờ nơi đây thu phí.
“Bệnh viện” nơi cổng chùa
Lần đầu tiên đến với chùa Vạn Thọ (tọa lạc tại đường Hoàng Sa, quận 1, TP HCM) điều làm chúng tôi bất ngờ hơn thảy chính là khuôn viên xanh mát chạy dọc theo bờ kênh Nhiêu Lộc lại đông đúc lạ thường vào khung giờ đáng ra ít người lui đến. Từ 14h - 17h, thứ 2 đến thứ 7 hàng tuần nơi đây như khoác lên mình một diện mạo mới: Một “bệnh viện” tọa lạc trong khuôn viên chùa.
Gọi là “bệnh viện” hay phòng khám thế nhưng không gian 50m2 là nơi gói gọn tất cả các khâu: Chờ khám, bóc số, chẩn đoán và đắp/bó thuốc cho các bệnh nhân. Có lúc nơi đây phải đón đến 150 bệnh nhân mỗi buổi, người đến sau phải đành chờ đợi hàng giờ đồng hồ mới đến lượt, vậy mà chẳng ai phiền hà. Thậm chí còn vui vẻ giúp nhau lăn thuốc khi thấy có người cần.
Theo lời thầy Thích Thanh Sơn - trụ trì chùa Vạn Thọ bộc bạch: “Thầy lớn lên trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, bữa ăn hằng ngày còn là điều suy tính thì việc trị bệnh là cả một câu chuyện dài. Sẵn có nghề thuốc nam và một thời gian theo học điều dưỡng, vào năm 1980, thầy dành một phòng nhỏ trong khuôn viên chùa để mở phòng điều trị bong gân, trật khớp miễn phí cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Dần dần, tiếng lành đồn xa, nơi đây trở thành phòng khám được nhiều người dân Sài Gòn và các tỉnh lân cận tìm về điều trị”
Với những người bị bong gân, trật khớp đều được nắn khớp và bó thuốc, người lớn tuổi đau nhức vai gối được phát cho túi chườm nóng. Với bệnh nhân chưa quen lắm lúc nhăn nhó, nhíu mày vì thuốc thảo dược tỏa mùi đặc trưng hay hơi nóng làm da đỏ rát. Vậy mà ai cũng hồ hởi động viên nhau: “Ráng chịu nóng chút đi, chứ đắp xong là về khỏe liền, tối ngủ ngon quên cả đau luôn”.
Với những người bị đau xương khớp, có một nơi cũng gọi là “nhà”
Những bệnh nhân tại đây, có người một tháng đến đôi ba lần, có người liên tục mỗi tuần và cũng có người thời gian gắn bó phải tính bằng năm. Như chú Hùng bộc bạch: Chú bị gai cột sống, nên cứ cách ngày lại chạy xe từ Thủ Đức lên chùa đắp thuốc. “Vậy mà cũng 5 năm rồi. Ở đây chắc tôi “lão làng” nhất. Bệnh này cũng là bệnh kinh niên, theo thuốc Tây thì tiền đâu mà trị hoài được, cũng nhờ gắn bó nơi đây mà tôi đỡ nhiều, còn có thể đi làm phụ vợ con”.
Vừa dứt lời, chú Hùng lại loay hoay chạy tới bê chậu thuốc từ tay những nhân viên phòng khám. Vừa giúp đắp thuốc cho bệnh nhân khác trong thời gian chờ đợi, chú vừa ân cần: “Mới đến lần đầu phải không, hèn gì thấy nghe mùi thuốc mà mặt nhăn nhó quá. Chú chịu khó chườm lâu một chút cho thuốc ngấm vào, không thôi lại mất hết công dụng thì phí”.
Mỗi người đến đây là mỗi hoàn cảnh, như cô Hương năm nay đã ngoài 50 tuổi bị thoát vị đĩa đệm và tuần nào cũng đều đặn 2 lần vượt qua quãng đường 100km từ Long Khánh (Đồng Nai) để đến phòng khám. Tiền xe buýt, xe ôm cả đi lẫn về cũng ngót nghét 200.000 đồng, vậy nên buổi trưa đến chùa cô chỉ dám bỏ bụng ổ bánh mì chay. Khi được chúng tôi đặt câu hỏi vì sao không tìm một cơ sở điều trị gần nhà hơn, cô từ tốn đáp: “Trước cũng có vào bệnh viện, bác sĩ chỉ định phẫu thuật nhưng tỉ lệ thành công là 50/50. Thấy vậy, cô chẳng dám liều, nghe mọi người kháo nhau phòng khám ở đây hiệu quả mà miễn phí nên lặn lội đến. Mà công nhận giờ cũng đỡ đi phần nào”.
Vừa trò chuyện về cuộc sống, vừa thăm hỏi bệnh tình với các bệnh nhân tại phòng Trật đả cốt khoa thì bất ngờ từ phía cửa, một cụ bà tóc bạc, vai choàng áo mưa nilon chậm rãi tiến vào dù rằng đã gần hết giờ khám. Hỏi ra mới biết, năm nay cụ đã gần 80, hoàn cảnh neo đơn phải nương nhờ vào viện dưỡng lão ở chùa Diệu Pháp. Nghe đến đây, nhiều người dẫu đã đến từ sớm đợi đến lượt mình vẫn tình nguyện nhường lại chiếc giường để cụ nằm đắp thuốc.
Ở đây ai cũng là người bệnh, tên của nhau lắm lúc còn chẳng rành, vậy mà tình cảm dành cho nhau chân tình đến mức phòng bệnh mà cứ ngỡ là “nhà”.
“Có những thời điểm khó khăn, đôi lúc cũng nản lòng nghĩ đến việc dẹp luôn phòng khám, nhưng cứ nhìn những hoàn cảnh: một cô bị thương ở cổ chân phải thức dậy từ 4h sáng lếch từng bước đến cổng chùa, chú ngoài 70 đau lưng triền miên nhưng chẳng dám đến bệnh viện vì không có tiền mua thuốc uống… Điều trị một thời gian thấy ai khỏi bệnh, quay lại cám ơn, tôi lại thấy mình thành công thêm được một chút. Bấy nhiêu đó thôi, dẹp phòng khám sao đành” - thầy trụ trì Thanh Sơn trải lòng.
Gần 40 năm qua, phòng khám tại chùa Vạn Thọ là địa chỉ tìm đến của nhiều bệnh nhân không phải chỉ vì miễn phí mà còn là hiệu quả và tâm huyết của những lương y.
‘Bệnh viện’ miễn phí ở cổng chùa mấy mươi năm giúp đỡ những mảnh đời khó khăn là một trong những bài viết nằm trong tuyến bài đặc biệt về Sài Gòn muôn màu của Tạp chí điện tử Saostar.
Những tình cảm, ký ức - những câu chuyện cảm động và đầy thú vị về Sài Gòn mà bạn có/ biết hay chứng kiến - Hãy gửi qua email: xahoi@saostar.vn để cùng chia sẻ cho tất cả mọi người cùng “ấm áp”, bạn nhé!
Vì một Sài Gòn xinh đẹp và phát triển hùng mạnh, chúng tôi chào đón tất cả những người con - những người muốn thuộc về/ yêu mảnh đất này.