Mới đây, vụ việc bé gái 5 tuổi tử vong thương tâm sau khi học theo trò treo cổ trên YouTube đã khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót.
Cụ thể, chị N.N. (hiện sống ở TP.HCM) đã đăng tải câu chuyện về cái chết thương tâm của cô cháu gái tên D. (5 tuổi) "vì học theo trò chơi treo cổ trên Youtube nên đã tử vong thương tâm".
Bộ phim hoạt hình bé gái 5 tuổi này thường xem là Peppa Pig
Trao đổi với Pháp luật & Bạn đọc, chị N. bộ phim hoạt hình mà cháu D. thường xem trước khi xảy ra tai nạn là Peppa Pig (Tạm dịch: Cô heo Peppa): "Mọi người trong nhà cũng không quá để ý việc các cháu xem gì, thường thì các cháu xem nhiều kênh khác nhau nhưng mình thấy các cháu hay xem kênh Heo Peppa.
Ban ngày các cháu đi học, chiều tối về thì xem nhưng cũng không được xem nhiều, phần vì gia đình không muốn cho các cháu xem nhiều, thấy bật lên xem là mọi người bắt tắt đi. Phần vì các cháu phải trả tivi cho ông ngoại còn xem chương trình thời sự. Mỗi ngày các cháu thường xem khoảng 30 phút thôi".
Cũng theo chị N., mặc dù gia đình cháu bé không rõ cháu học theo chương trình nào trên Youtube, nhưng sau khi xem lại chương trình Peppa pig mà cháu hay xem, chúng tôi nhận thấy chương trình Peppa Pig cả 2 phiên bản đều có có nhiều điều không phù hợp với trẻ nhỏ.
Một vấn đề khác đáng chú ý được chị N. tiết lộ là cháu D. đã vài lần chơi trò treo cổ, mọi người trong nhà có nhìn thấy và quát cháu: "Lần gần nhất là cách đây nửa tháng cháu có chơi, nhưng dì của cháu (một người dì khác không phải chị N. - PV) đã nhìn thấy và mắng: "Ai cho nghịch như vậy, ai bày trò như vậy?". Nghe dì mắng thì cháu không nghịch nữa và đi sang phòng khác chơi".
Chị N. thắt ruột kể lại: "Chỉ có 3 phút không để mắt tới cháu mà hậu quả để lại là đứa trẻ 5 tuổi hồn nhiên, ngây thơ trong sáng ấy đã ra đi mãi mãi".
Được biết, Peppa Pig (Heo Peppa) là loạt phim hoạt hình dành cho lứa tuổi mầm non của Anh, nội dung chính xoay quanh cuộc sống thường ngày của cô heo cùng tên bên những người thân, bạn bè. Loạt phim này được phát sóng lần đầu vào ngày 31/5/2004. Đến nay, Peppa Pig được chiếu ở 180 vùng lãnh thổ, bao gồm cả Việt Nam.
Giống như nhiều bộ phim hoạt hình nổi tiếng khác, Peppa Pig cũng bị làm nhái thành những clip với nội dung phản cảm, đầy bạo lực. Những nội dung này đăng tải công khai trên Youtube khiến nhiều trẻ nhỏ vô tình xem được.
Nhiều chương trình phản cảm và nguy hiểm khác trên Youtube từng đe dọa trẻ
Tháng 11/2019, bé trai Đ.T.K (7 tuổi, ở huyện Nhà Bè, TP HCM) cũng làm theo trò 'thắt cổ nhưng vẫn thở được" trên YouTube.
Gia đình phát hiện bé treo cổ bằng chính chiếc khăn quàng đỏ, hai chân bé cách mặt đất một đoạn khá xa, người tím ngắt, ngất lịm. Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời nên bé K đã may mắn giữ được tính mạng.
Sau khi hồi tỉnh, bé K cho biết em đã nhiều lần xem trò chơi “chết đi sống lại” trên YouTube. Trong video đó, nhân vật hướng dẫn cách thắt cổ nhưng vẫn thở được mà không chết nên bé đã làm theo.
Hay một cháu bé khác cũng bị đứt mạch máu vì dùng tay đập vỡ kính giống như siêu nhân người nhện.
Năm ngoái, khoảng tháng 3/2019, nhiều phụ huynh cũng hoang mang trước thử thách Momo 'Trò chơi tự sát' nguy hiểm xuất hiện trên một kênh Youtube có thể khiến trẻ tự tử.
Nhìn bên ngoài đây dường như chỉ là phim hoạt hình với hình ảnh dễ thương dành cho thiếu nhi nhưng đến khoảng giữa phim mới xuất hiện các hình ảnh nguy hiểm.
Thử thách này được đánh giá mức độ nguy hại ngang với thử thách Cá voi xanh một thời. Cụ thể, các trang mạng xã hội đưa ra cảnh báo: clip phim Peppa chứa nội dung kinh dị, xúi giục trẻ em tự sát Momo-hình ảnh kinh dị gây ám ảnh 1 thời xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig.
Ngoài ra, “trò chơi tự sát” Momo này đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Mỹ Latinh.