Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bát phở 195.000 đồng và nỗi xấu hổ ở sân bay Việt Nam

Việc độc quyền các dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ ăn uống tại các sân bay ở Việt Nam một lần nữa lại thổi bùng cơn giận dữ của các thượng đế khi mới đây một thượng khách cho biết họ phải trả 195.000 đồng cho một tô phở.

Câu hỏi đặt ra ở đây, phải chăng sự độc quyền đã và đang trở thành một thứ đặc sản khiến thị trường dễ dàng hô biến thượng đế thành nạn nhân.

Mới đây, một vị khách đã nếm trái đắng khi phải trả tới 195.000 đồng cho một bát phở tại sân bay Tân Sơn Nhất. Trên FB của mình, vị khách này đùa vui trong một giọng điệu khá chua ngoa: 

“Hôm qua được thưởng thức một tô phở giá 195.000 đồng tại BigBowl trong ga nội địa, sân bay Tân Sơn Nhất.

Bụng đói nên mình tranh thủ thời gian trước khi bay vào xơi tô phở. Thấy BigBowl đề hình ảnh tô phở hấp dẫn, giá 55.000 đồng, nên gọi. Bạn tiếp viên niềm nở “anh dùng phở bò, gà hay thập cẩm ạ?”. Mình bảo cho mình một tô tái-nạm và hai chai nước suối.

tri-khon-cua-quan-pho-san-bay-tan-son-nhat600x350

Bát phở trong sân bay vẫn có giá niêm yết đúng quy định là 55.000 đồng, nhưng là phở trẻ em, còn người lớn ăn bát phở thực sự thì giá đắt hơn nhiều lần

Ung dung móc ví ra cầm tờ 100.000 đồng, “chảnh chọe” tin rằng vẫn còn tiền thừa, không ngờ cô gái bán phở in tờ hóa đơn và báo “Dạ của anh 145.000”. Mình choáng! Định thần lại nhìn hóa đơn thì thấy em ấy ghi trong này thêm hai, ba thứ khác.

Mình thắc mắc tại sao kêu 55.000 mà tính thêm nhiều vậy. Hỏi ra mới hay vì “anh yêu cầu tái-nạm, tức là thêm thịt”. (mỗi phần thịt được thêm giá 30.000 nhưng khách không hề được biết).

Mình vốn không quen đôi co, ra bàn ngồi chờ, vì cũng sắp đến giờ bay. Ra ngồi cạnh một cô khác cũng méo mặt vì “dính” phải trả 75.000 một tô phở, trong khi trên bảng niêm yết chỉ 55.000. Cô ấy bảo mấy vụ này báo chí nói hoài, cái quán này “chơi chiêu” để lách luật. Niêm yết một tô phở mà chắc chắn thực khách phải trả thêm tiền.

Cô gái xinh xắn mang phở ra, mình giữ lại hỏi tiếp: Vậy tô phở giá 55.000 là phở cho “trẻ con” hả em? Cô ấy trả lời “Dạ”. Mình thắc mắc là sân bay này không biết từ khi nào lại phục vụ cho khách chính là trẻ con? Mình hỏi tiếp “Vậy hồi nãy nếu may mắn anh gọi phở thập cẩm (có năm món thịt) thì tô phở của anh sẽ là: 55.000 phở trẻ con + 20.000 phở người lớn + 120.000 tiền thịt. Nghĩa là 195.000 hả em?”. Cô gái ái ngại trả lời (cười rõ xinh): “Dạ”.

Đây là câu chuyện không hiếm gặp khi bạn một lần đặt chân đến các sân bay tại Việt Nam. Còn nhớ cách đây 2 năm, chuyện Thường vụ Quốc hội đã dành cả buổi chiều chỉ để bàn về… cách quản lý giá tô mì tôm bán ở các sân bay nước ta.

Nhưng đó là chuyện có thật. Câu chuyện có thật này lại phản ánh tình trạng độc quyền, tự ý định giá bất kể quy luật thị trường trong các lãnh vực thiết yếu cho đời sống như giá xăng dầu…

Quả đúng như vậy, câu chuyện nóng cách đây 2 năm vẫn còn nguyên giá trị khi mà từ tô mì tôm, cốc café, bát phở ăn với giá cắt cổ đã buộc Bộ Giao thông vận tải phải vào cuộc. Khi đó, Bộ này đã đưa gia giải pháp tư nhân hóa và áp trần giá bán các mặt hàng dịch vụ tại sân bay. Tuy nhiên dưới góc nhìn kinh tế học, thì đây là biện pháp phản khoa học.

Đã mấy chục năm theo nền kinh tế thị trường cũng giúp mọi người thấy được quy luật cung cầu đã làm cho nhà nước không phải thò tay quản lý giá mà thị trường vẫn chạy đều như thế nào.

Trước đó cũng đã mấy chục năm thời bao cấp giúp mọi người hiểu rõ cơ chế quản lý giá theo mệnh lệnh hành chính từng đưa nền kinh tế đi vào chỗ bế tắc như thế nào. Vậy mà giờ đây vẫn nhiều người thích dùng lệnh - lệnh cho giá tô mì phải như thế này, giá lon nước phải như thế kia?

20160509075202batpho195nghin

Trong câu chuyện này, bát phở đã biết lách luật tài tình khi niêm yết “đúng quy trình”, còn bản chất vấn đề vẫn là hệ lụy từ câu chuyện độc quyền dai dẳng

Để né những mệnh lệnh hành chính đó, những nhà cung cấp đã có muôn ngàn vạn trạng cách lách luật. Ví dụ: bảng giá quản lý mì tôm nhà hàng trong sân bay thì họ sẽ không bán mì tôm nữa - họ sẽ quay sang bán mì gà.

Quy định giá bán chai nước La Vie, họ sẽ quay sang bán nước Aquafina… Hay như vào đúng trường hợp tô phở 195.000đ thì bảng giá vẫn niêm yết 55.000đ/bát đó thôi, nhưng lợi dụng khách không để ý hỏi cặn kỹ nên người bán đã vẽ ra đủ thứ thêm thắt để tăng giá.

Đồng ý, dịch vụ ở sân bay có thể đắt hơn ở ngoài nhưng đắt hơn đến độ phi lý thì không một thượng đế dù là dễ tính nhất có thể chấp nhận. Con sâu xéo lắm cùng oằn, việc lên tiếng trước công luận là điều dễ hiểu.

Thế nên, đừng vì vin vào lý do môi trường sân bay cần an ninh nghiêm ngặt, phí dịch vụ cao nên giá thuê cao mà chèn ép các thượng đế theo kiểu ép uổng, nói sao phải trả vậy. Hãy để cơ chế thị trường điều tiết là cách làm tốt nhất.

Việc đấu thầu công khai, minh bạch để tạo một sân chơi bình đẳng giữa các doanh nghiệp là điều cần thiết. Đến lúc đó, chính sự lựa chọn của các khách hàng mới là điều kiện cần và đủ cho làm mòn các “máy chém” hiện nay. Hình thức này khá phổ biến ở sân bay các nước. Tại đó, dịch vụ ăn uống nói chung và các dịch vụ khác được xem như ở các trung tâm thương mại chứ không còn là đặc quyền của ai đó.

Một khi có sự cạnh tranh, lúc đó tự khác các nhà cung cấp dịch vụ sẽ biết cách làm hài lòng thượng đế không chỉ về giá cả giá mà cả chất lượng phục vụ.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?