Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Bất ngờ với 'phòng hạnh phúc' dưới tầng hầm chung cư cao cấp

Đưa tay chỉ về phía tấm ri đô hoa sờn cũ màu hồng, anh Trung cho biết: “Chúng tôi dùng tấm ri đô quây lại thành phòng tân hôn cho cặp vợ chồng mới cưới... ".

Tại khu vực lán tạm của công nhân xây dựng ở quận Nam Từ Liêm, chúng tôi gặp anh Trần Văn Minh (công nhân xây dựng, 35 tuổi, quê Phú Thọ).

Anh tâm sự: “Tôi ra Hà Nội làm đã được 20 năm. Cuộc sống công nhân nay đây mai đó, đi theo công trình nên mình làm ở đâu thì dựng lều, lán tạm bợ sống qua ngày, tiết kiệm tiền gửi về cho gia đình”.

Anh Trần Văn Minh cho biết: “Những ngày này thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ xuống thấp, mặc dù chúng tôi tận dụng tối đa giẻ rách, quần áo, túi nilon quấn chặt, bịt kín các kẽ hở nhưng vẫn không ăn thua”. Ảnh: Thanh Hải

Anh kể, công trình này có từ 15 đến 20 lán tạm như vậy. Thời kỳ cao điểm, mỗi lán có 40 công nhân, khi tòa nhà gần hoàn thiện, công nhân di chuyển sang các công trình khác, nay lán anh đang ở chỉ còn 20 người.

Theo quan sát của phóng viên, lán tạm được làm từ các tấm tôn sắt, bên trong chủ thầu xây dựng dùng giàn giáo, gỗ thừa ghép lại thành phản cho công nhân nằm. Phía trên là hệ thống “giường tầng” được gia cố bằng sắt và dây thép.

Lán được làm từ các tấm tôn lớn, giàn giáo và cốp pha được tận dụng làm giường ngủ cho công nhân. Ảnh: Thanh Hải

“Mùa đông, những ngày thời tiết khắc nghiệt như thế này, có đêm nhiệt độ chỉ 10 độ C, chăn mỏng không đủ chống rét. Chúng tôi tận dụng tối đa giẻ rách, quần áo, túi nilon quấn chặt, bịt kín các kẽ hở nhưng vẫn không ăn thua. Nếu bao nilon bị rách hay hở, gió thốc vào thì lạnh buốt da thịt.

Mùa hè nắng nóng, mấy chục con người chui trong lán, đêm khuya hơi nóng vẫn hầm hập phả xuống từ mái tôn. Ai mới đi làm, chưa quen thì thấy cực vô cùng”, anh Minh bộc bạch.

Anh Minh chuẩn bị đồ đi làm. Ảnh: Thanh Hải

Cùng quan điểm với anh Minh, chị Mai Thị Vân (35 tuổi, quê Hà Nam, cấp dưỡng cho đội thợ xây) cho biết, cảnh sống ở đây rất xập xệ, bẩn thỉu, ăn uống mất vệ sinh.

“Lắm hôm, anh em công nhân đi làm về muộn, chẳng có nước tắm rửa, ăn cơm xong họ lăn ra ngủ. Ban đêm chuột đi tìm đồ ăn, nhảy cả lên mặt người”, chị Vân nói.

Được biết, hiện chị Vân là phụ nữ duy nhất trong lán tạm này. Sống giữa mấy chục người đàn ông, chị bộc bạch, bản thân mình gặp phải không ít phiền toái.

“Mùa hè năm vừa rồi, trong lán này có khoảng 30 người, riêng tôi là nữ. Bình thường mọi người nằm lẫn lộn nhưng tôi được chủ thầu ngăn cho 1 góc bên trong, lấy tấm ri đô ngăn lại. Tuy nhiên khi sinh hoạt, tôi vẫn phải nhìn trước ngó sau, tránh xảy ra những chuyện không hay. Giữa mùa hè, nhiệt độ lên tới 40 độ C mà tôi vẫn phải mặc quần dài, áo kín cổ, đắp chăn ngủ”, nữ cấp dưỡng nhớ lại.

Anh Trần Đức Trung (28 tuổi, quê Thanh Hóa) trải lòng: “Cuộc sống ở đây thiếu thốn trăm bề, khổ cực nhưng so ra vẫn sướng hơn công việc làm ruộng. Tôi đi làm cả ngày, chủ bao ăn ở, cuối tháng có khoản tiền gửi về đỡ đần cho vợ nuôi con”.

Nam công nhân 28 tuổi vui vẻ cho biết thêm, nhiều người còn may mắn tìm được hạnh phúc riêng ở những nơi tưởng chừng nhếch nhác như thế này.

Anh Trung kể: “Cận Tết năm ngoái, ở đây chúng tôi còn tổ chức đám cưới cho một cặp vợ chồng trẻ quê Ninh Bình”.

Theo lời anh Trung, cặp vợ chồng Tuấn - Lan này mới 25 tuổi. Bố mẹ Tuấn đều mất sớm nên 18 tuổi, anh đi làm công nhân ở Hà Nội. Lan thì học xong lớp 12, không có tiền đi học tiếp, được người quen giới thiệu nên xin vào nấu cơm cho công trình. Hai người gặp nhau ở đây rồi dần nảy sinh tình cảm.

Yêu nhau được 1 năm, Lan đưa người yêu về ra mắt nhưng khi biết hoàn cảnh của chàng rể tương lai, bố mẹ Lan cương quyết phản đối. Mặc dù nghèo nhưng ông bà muốn con tìm chỗ “ấm êm” để gửi thân chứ không muốn con lấy một công nhân.

Bị gia đình ngăn cản, từ mặt, Lan vẫn đến với Tuấn. Hai người về quê Tuấn đăng ký kết hôn rồi lên Hà Nội đi làm tiếp.

Anh em trong lán biết hoàn cảnh của họ, bàn nhau chung tiền, tổ chức tiệc cưới nhỏ cho đôi vợ chồng trẻ ngay trong lán tạm có diện tích chưa đầy 30 mét vuông.

“Đội thợ nuôi được 5 con gà để dành liên hoan cuối năm, hôm đó mang ra mổ luôn. Mỗi người bỏ thêm 50 nghìn mua hoa quả, bánh kẹo và nước ngọt. Thế là có cỗ cưới”, anh Trung hồ hởi nói.

Đưa tay chỉ về phía tấm ri đô hoa sờn cũ màu hồng, anh Trung cho biết thêm: “Chúng tôi dùng tấm ri đô quây lại thành phòng tân hôn cho họ. Giường tân hôn chỉ có chiếc đệm cũ và chăn bông mà cả đội góp tiền mua tặng.

Đây từng là căn phòng tân hôn của cặp vợ chồng công nhân xây dựng. Ảnh: Thanh Hải

Hai vợ chồng ở lán đến lúc Lan có bầu thì họ ra thuê trọ gần bến xe Mỹ Đình. Giờ Tuấn vẫn bám trụ với nghề công nhân trát vữa, Lan mới sinh con nên ở nhà bán đồ ăn sáng, kiếm thêm đồng ra đồng vào”.

Ở công trình chung cư cao cấp trên đường Mỹ Đình, chị Lê Thị Mận (30 tuổi, quê Hòa Bình) chia sẻ, khi chung cư xây đến tầng 5, chủ thầu xây dựng cho công nhân xuống tầng hầm dựng lán ở. Vợ chồng chị làm cùng một công trường.

Nơi ở của vợ chồng chị Mận được quây bằng bạt. Ảnh: Nhật Linh

Trong tầng hầm đó, chủ thầu chia ra các khu vực lán trại riêng. Để tiện sinh hoạt và có không gian riêng, vợ chồng chị quây bạt kín xung quanh chỗ ngủ, chỉ để hở một góc đi lại.

Chị Mận kể: “Quây bạt thì khó thở, ngột ngạt mà để mỗi cái phản không che đậy gì, hai vợ chồng nằm cũng ngại ngùng bởi xung quanh phần lớn là thanh niên chưa lập gia đình.

Có lần, vợ của một công nhân trong lán lên thăm. Họ đặt vấn đề xin chúng tôi nhường “phòng ngủ” một đêm. Nghĩ họ cũng hoàn cảnh như mình nên vợ chồng tôi vui vẻ đồng ý, sang lán bên cạnh ngủ nhờ”, chị Mận cười nói.

****Tên nhân vật được thay đổi theo yêu cầu

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Vietnamnet

Được quan tâm

Tin mới nhất
Quỳnh Kool cưới?