Mặc dù bệnh nhân rơi vào trường hợp “bị bệnh viện trả về”, nghĩa là sự sống ngàn cân treo sợi tóc, nhưng tâm lý của người thân cháu bé là muốn giữ sự sống cho cháu đến khi về nhà, để gia đình, họ hàng nhìn con lần cuối trước khi con lìa đời, đó cũng là đạo lý của người Việt Nam. Tuy nhiên, thật bất hạnh, khi cháu bé đã phải trút hơi thở cuối cùng trên xe, ngay tại cổng bệnh viện, chỉ vì sự tắc trách đến vô cảm của những nhân viên bảo vệ bệnh viện.
Lý do của gia đình đưa ra (có bằng chứng là các clip ghi lại được sự việc) gần như trái ngược với sự giải thích của lãnh đạo bệnh viện, điều này càng dấy lên sự căm phẫn của cộng đồng trước việc làm vô trách nhiệm, không có tình người của những nhân viên bảo vệ ở đây. Gia đình bệnh nhân cho rằng, có số lạ gọi đến mẹ cháu bé, để chào mời thuê xe đưa cháu về, nhưng vì giá quá cao nên gia đình buộc phải thuê lại chiếc xe đã đưa cháu từ Nghệ An ra. Cộng đồng mạng cho rằng, đây mới chính là lý do dẫn đến việc nhân viên bảo vệ bệnh viện khoá cổng “nhốt” xe cứu thương dẫn đến cái chết của cháu bé, chứ không phải những lý do mà lãnh đạo bệnh viện trả lời báo chí.
Nguyên nhân vì sao và trách nhiệm thuộc về ai trong sự việc này, vẫn đang được cơ quan công an làm rõ. Nhưng, từ câu chuyện này cho thấy, sự vô cảm trong cuộc sống của chúng ta đã trở thành căn bệnh nan y, thực sự đáng báo động.
Người ta có thể chỉ vài triệu bạc, mà thờ ơ trước nỗi đau của đồng loại, thờ ơ trước sự bấn loạn kêu gào, cầu cứu, van xin của đồng loại khi họ đứng trước những tình huống khó khăn nguy cấp. Đồng tiền có thể đã làm cho người ta lu mờ lý trí, hoa mắt trước những thứ diễn ra ngay trước mặt, giữa ban ngày.
Người ta có thể thờ ơ trước sự kinh sợ tột cùng của cô gái bị một đám người đánh ghen chửi bới, xé quần, xé áo lột truồng “tình địch” ra giữa đường phố đông người. Rất nhiều người đứng xem mà không có động thái lao vào căn ngăn, thậm chí có người còn thích thú giơ điện thoại ra quay rồi tung lên mạng như khoe một chiến tích lẫy lừng.
Và còn rất nhiều sự vô cảm khác!
Cuộc sống của chúng ta ngày càng được cải thiện về mặt vật chất, đó là sự phát triển của nền kinh tế thị trường, nhưng rõ ràng, mặt trái của nó, chính là điều chúng ta đang phải đối mặt. Đó chính là cái “tôi” của con người ngày càng lớn, vì xu thế của xã hội phát triển rất coi trọng giá trị cá nhân. Khi không có một nền tảng tốt, hoặc sự phát triển quá nhanh kiểu “đốt cháy giai đoạn”, người ta dễ rơi vào trạng thái cọi trọng “cái tôi” một cách thái quá, vì thế rất dễ đến va chạm trong ứng xử và dần đánh mất sự nhường nhịn nhau.
Ngay trong cách ứng xử, người ta cũng sợ những sự liên luỵ. Sự thờ ơ một phần bắt nguồn từ nguyên nhân này. Ra đường thấy tai nạn hoặc những việc bất bình, thôi thì cứ “tránh xa” là tốt nhất, đỡ rách việc - Đó là suy nghĩ của khá nhiều người, thậm chí nhiều bậc phụ huynh cũng dạy con cách này. Đây là điều thực sự nguy hại, bởi nó sẽ làm cho con người dần dần trở nên ích kỷ, thụ động và chỉ biến đến bản thân mình mà không quan tâm, không muốn giúp đỡ người khác.
Ngoài ra, lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm cũng chính là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra sự vô cảm. Người ta sẵn sàng chà đạp lên danh dự người khác, chỉ vì lợi ích của mình. Thậm chí dùng âm mưu để hãm hại “đối thủ” nhằm chiếm đoạt của cải, vật chất. Vì lợi ích mà làm ngơ trước những sai trái của người khác, chỉ vì họ sẽ “đền ơn” bằng những đồng tiền gian dối. Thậm chí, những đồng tiền được nảy sinh trước cái chết của đồng loại.
Quay trở lại câu chuyện đang “nóng” nhất cộng đồng mạng hai ngày qua. Rõ ràng khi xem clip, ai cũng phẫn nộ trước hành động vô cảm đến không thể tưởng tượng được của những nhân viên bảo vệ bệnh viện. Nhưng nếu để ý kỹ, chúng ta cũng chỉ thấy người nhà bệnh nhân khóc lóc kêu gào một cách tuyệt vọng trong sự cô độc. Trong khi, bên ngoài cánh cổng, có thể rất nhiều người nhà bệnh nhân hoặc người dân thường đang có mặt chứng kiến vụ việc. Và, nếu chúng ta đủ dũng khí, chúng ta gạt bỏ cái sự ngại ngùng cá nhân, lao vào can thiệp, gây sức ép đối với những nhân viên bảo vệc kia, có lẽ sự việc sẽ khác.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là thái độ vô cảm đáng sợ của những người làm công tác “canh cổng” bệnh viện. Không biết giờ này khi đã bị cho thôi việc, lương tâm họ có giây phút nào cắn rứt trước hành động ấy? Và không biết những người đang làm công tác bảo vệ ở các bệnh viện khác, có rút ra được bài học cho chính bản thân mình?
Người phụ nữ khóc nức nở vì xe cứu thương chở cháu bé hấp hối bị bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn lại. (Nguồn: Facebook Bùi Tiến Dũng)
https://www.youtube.com/watch?v=ZkZCQiNhea4
Clip nhóm phụ nữ đánh ghen cô gái 9X tại Big C Hà Đông.