Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, bão số 9 (Usagi) sẽ đổ bộ vào đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận). Lúc này, nhiều người dân tại đây đã di tản, neo đậu tàu thuyền để tránh bão. Theo họ, năm 2006 bà con đảo Phú Quý từng hứng chiu trận bão cấp 12, mọi thứ bị quét sạch, thiệt hại vô số và đến bây giờ, họ mới thấy một cơn bão mạnh như bão số 9 đổ bộ.
Cụ thể, sau khi đổ bộ vào đảo vào tối qua 23/11, bão số 9 có dấu hiệu bất thường. Ông Bùi Thế Nhân (Bí thư huyện đảo Phú Quý) cho hay, trên đảo bắt đầu có mưa và gió nhẹ và người dân khẳng định đã nhìn thấy hiện tượng sóng “ngọn cờ”.
Những điều này được cho là không bình thường khi biển đang ở mùa gió nhưng khi bão vào lại êm, khu vực đảo Phú Quý không xuất hiện sóng bạc đầu, sóng ngọn cờ vào mùa gió Đông Bắc.
Giới chức tỉnh đã huy động các lực lượng để di dời dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Những hộ dân vừa bị lũ quét, sạt lở gây sập nhà, những hộ ở khu vực xung yếu được ưu tiên di dời.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9, tại Nha Trang lúc này, hàng nghìn người dân đã tìm cách di tản tránh bão.
Thông tin với báo Khánh Hòa, ông Lê Hữu Thọ, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nha Trang chia sẻ: “Dù tâm bão số 9 không còn đi thẳng vào Khánh Hòa nhưng địa phương vẫn phải đối mặt với mưa lớn, gây nguy cơ sạt lở, lũ quét”.
Trả lời báo Tuổi trẻ, ông Thọ nói: “Đợt bão số 9 này dự báo lượng mưa là 300mm-350mm, do đó đề nghị các lãnh đạo xã phường đặc biệt lưu ý, nếu một phút sơ sẩy không di dời kịp thì mạng người sẽ ra đi”.
Đến hết ngày 23/11, tỉnh Khánh Hòa đã sơ tán 2.000 hộ sống dưới chân núi, nhà cửa tạm bợ đến trường học, đồn biên phòng.
Tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang, một số hộ dân chủ quan vì cho rằng bão không vào Nha Trang, tuy nhiên chính quyền cương quyết di dời, với trường hợp chưa di dời thì sẽ bị cưỡng chế, để đảm bảo an toàn.