Trưa 30/8, chúng tôi rảo quanh các sạp bán dụng cụ làm bánh tại chợ Bình Tây (quận 6, TP HCM). Bà Thủy (sạp H.) chào mời: “Bánh này chị mới nhập, có đầy đủ các vị, giá 7.000 đồng/cái. Em mua làm quà đi”.
4.000 đồng có bánh “xịn”
Nói rồi bà lột túi nhựa, cho tôi ngửi thử để cảm nhận vị thơm. Xộc vào mũi là mùi đường, mùi khen khét chứ không thơm như quảng cáo. Giải thích về vỏ chiếc bánh ẩm ướt, bà Thủy cho biết do dầu quét bên ngoài để bánh nướng được ngon hơn.
Trong vai người đặt làm các loại bánh có thương hiệu để đem về quê bán, tôi được Hùng (chủ quầy tạp hóa trên đường Bình Lợi, quận Thủ Đức) nhận làm các loại bánh. Bánh ngọt giá 4.000 đồng/cái, bánh mặn 6.000 đồng/cái.
Tôi muốn bánh phải có thương hiệu, đóng hộp với đầy đủ bao bì, nhãn mác, Hùng cho biết: “Chị muốn đóng nhãn hàng của thương hiệu nào, chúng tôi đều đáp ứng. Bao bì của chúng tôi đảm bảo giống thật 99%”.
Khi hỏi bánh làm từ nguyên liệu gì, Hùng nói: “Bột sắn và hương liệu là chủ yếu, để bánh ngon và thơm thì thêm bột béo, phụ gia… Công thức thì tùy mình cân đo.
Mấy năm gần đây, khách yêu cầu có thêm nhãn mác, logo để làm quà Trung thu cho thiếu nhi, bánh tặng từ thiện”. Theo Hùng, bánh này rẻ, lại có nhãn mác, không như các loại bánh trôi nổi khác.
Tại một quầy hàng gia dụng ở chợ Tân Định (quận 1), biết tôi có nhu cầu mua nhân bánh trung thu, Hạnh - nhân viên bán hàng chỉ vào một góc trong cùng của quầy.
Tại đây, nguyên liệu làm bánh chất trong các túi bóng sơ sài với nét chữ nguệch ngoạc: mứt bí, hạt dưa, lạp xưởng, hạt sen, khoai môn, sầu riêng, trà xanh… đến các loại nước đường, nước hoa bưởi, hương trà. Tất cả đồng giá 40.000 đồng/kg và đều không có nhãn mác.
Kiểm tra, xử phạt không ăn thua
Theo khảo sát của chúng tôi, tại nhiều chợ, điểm bán bánh trên các tuyến đường: Trần Hưng Đạo (quận 1), Cách Mạng Tháng Tám (quận Tân Bình), Ba Tháng Hai, Nguyễn Tri Phương (quận 10), Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh), Phạm Thế Hiển (quận 8)…, bánh trung thu nhái các thương hiệu uy tín có mặt ở khắp nơi.
Ví dụ như bánh Trung thu Thanh Thanh Đồng Khánh, Như Thủy Đồng Khánh, Hải Dương Kinh Đô… giá chỉ bằng một nửa so với chính hãng. Những chữ đi kèm phía trước nhãn hàng Đồng Khánh, Kinh Đô rất nhỏ, khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn.
Theo một tiểu thương, phần lớn những gian hàng này do cơ sở sản xuất nhỏ tổ chức, mua thêm hàng của Kinh Đô hoặc Đồng Khánh… về bán kèm.
Trong chiếc tủ bánh, hàng thứ nhất sẽ bày bánh thật, hàng thứ hai sẽ bày bánh nhái lẫn bánh thật, hàng thứ ba bày bánh giả.
“Thường thì người mua xem kỹ bánh ở hàng thứ nhất. Lúc khách hàng quyết định mua, người bán sẽ lấy một chiếc bánh ở hàng thật, hai chiếc bánh ở hàng thứ hai và một chiếc bánh ở hàng thứ ba cho vào hộp”- một người bán bánh tiết lộ.
BS Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Phó chi cục trưởng Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm TP HCM cho biết: “Về nguyên tắc, hàng hóa không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ sẽ không được kinh doanh và được coi là hàng lậu. Nếu phát hiện sẽ bị tịch thu, tiêu hủy”.
Một giáo sư khoa Công nghệ thực phẩm Đại học Công nghệ Sài Gòn cho rằng, cách chế biến bánh trung thu chất lượng không đảm bảo sẽ mang đến những nguy cơ nhất định cho sức khỏe. Nhất là các loại bánh có mùi hương từ bột trà xanh, sầu riêng… Với loại bột không rõ nguồn gốc, không loại trừ khả năng đó là hóa chất công nghiệp.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP HCM cho biết, trong tuần qua đã kiểm tra 46 cơ sở kinh doanh thực phẩm và bánh trung thu, có 13 cơ sở vi phạm. Đội quản lý thị trường 12B cho biết đã tiêu hủy 540 bánh, 100 kg mứt, 7 kg hạt điều không nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở ở quận 12.
Một cán bộ Chi cục quản lý thị trường TP HCM thừa nhận, tình trạng bán bánh giả xảy ra nhiều ở nhiều gian hàng, nhưng số lượng gian hàng quá nhiều trong khi lực lượng kiểm tra có hạn nên không thể kiểm tra hết. Còn hàng nhái chủ yếu xảy ra ở các cơ sở sản xuất, mức phạt cho mỗi lần vi phạm từ 5 - 20 triệu đồng không đủ răn đe.
TP HCM kiểm tra thực phẩm dịp Tết trung thu
Hôm qua (30/8), UBND TP HCM có văn bản gửi Sở Y tế và các sở ngành liên quan, UBND các quận, huyện về việc triển khai đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2016.
Theo đó, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND quận huyện và các ngành chức năng thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố. Đồng thời, phối hợp với các đoàn của trung ương tiến hành thanh tra theo yêu cầu và kế hoạch cụ thể.