Theo báo cáo nghiên cứu của Chương trình độc chất học quốc gia của Mỹ, styrene (hàm lượng chính có trong hộp xốp, ly nhựa) là một chất gây ung thư, có thể phá hủy DNA trong cơ thể người. Styrene được dùng nhiều để sản xuất các loại hộp xốp, nhất là các loại hộp đựng thức ăn, bát, đũa, cốc dùng 1 lần.
Hãy tránh xa hoặc hạn chế sử dụng các các sản phẩm này bằng cách tránh làm nóng thức ăn trong những vật liệu nhựa chứa chất polystyrene, đặc biệt là thực phẩm chiên nóng. Nếu đựng các loại thực phẩm này, ở nhiệt độ cao chất styrene trong hộp, cốc… có thể được giải phóng và gây độc. Nguồn: Vtc.vn
Nếu nước Pháp và một số quốc gia trên thế giới đã thông qua luật cấm sử dụng đồ nhựa dùng một lần như cốc, chén, hộp, muỗng… thì ở Việt Nam người dân vẫn vô tư sử dụng vật dụng này để đựng thức ăn. Xôi nóng, cháo nóng, bún phở và đồ ăn chiên xào… đều được đựng riêng trong từng hộp. Từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng thản nhiên ăn uống mà không hề nghĩ rằng thói quen này tiềm ẩn nhiều nguy hại như gây ung thư gan, vô sinh, dậy thì sớm và các bệnh về thần kinh: giảm trí nhớ, giảm thính giác, thị giác.
Theo quan sát của phóng viên, ngay tại phố Hàng Ngang, Hàng Than, Mã Mây (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) nơi tập trung rất nhiều hàng quán ăn uống để phục vụ du khách trong và ngoài nước, hàng quán nào cũng chất đầy hộp xốp đủ kích cỡ và thể loại. Các chủ tiệm xới thức ăn nóng vào hộp, ly nhựa, rồi đưa cho khách hàng. Những “thượng đế” đón nhận với trạng thái vui vẻ, không một chút lo ngại những vật dụng này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mình.
Chị Nguyễn Thị Xuân (32 tuổi) bán xôi nóng trên phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội chia sẻ “Tôi bán xôi vỉa hè nên ít người ngồi ăn trực tiếp mà thường mua về nhà hoặc mang đến cơ quan ăn. Mà mua về thì tất nhiên phải để trong hộp xốp rồi, còn vật dụng gì khác thay thế đâu“.
Mặc dù biết những hộp xốp, ly nhựa không tốt cho sức khỏe người dùng, nhất là khi đựng đồ nóng nhưng chị Xuân cho hay không còn cách nào khác bởi vật dụng này quá tiện lợi. Bên cạnh đó, hộp xốp có giá thành rất rẻ, chỉ từ 300 - 500 đồng mỗi chiếc. “Những vật dụng khác giá cao hơn thì lại không bán được. Nói chung trăm dâu đổ đầu tằm“, chị Xuân nói thêm.
Tương tự, mỗi ngày cửa hàng bún chả của chị Trần Thị Tâm tiêu thụ từ 100 - 200 hộp xốp nhựa. Chị kể do cửa hàng ở gần cơ quan văn phòng, nhiều người ngại đi ra ngoài ăn nên thường gọi ship để được phục vụ tận nơi. “5 suất trở lên tôi mới đi ship, mỗi ngày cửa hàng tôi ship khoảng 20 - 40 suất cho khách hàng. Nước mắm nóng tôi để trong chai nhựa, khi nào ăn thì người dùng đổ ra hộp xốp”, chị Tâm nói.
Chia sẻ với phóng viên Saostar, anh Tuấn (24 tuổi, nhân viên văn phòng của một công ty về bất động sản) nói rằng vì tính chất công việc bận rộn nên thường xuyên sử dụng hộp xốp, ly nhựa khi ăn uống. Bản thân anh ý thức được những vật dụng này ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe khi đựng đồ nóng. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng nên anh không để tâm nhiều lắm. “Thanh niên đi mua xôi, cháo nóng chẳng nhẽ mang hộp ở nhà đi. Bây giờ cái gì tiện lợi thì dùng thôi, chứ chẳng quan tâm nhiều lắm“, anh Tuấn tâm sự.
Chia sẻ với phóng viên Saostar về tác hại của hộp xốp đựng thức ăn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Trưởng khoa Công nghệ thực phẩm, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: “Nguyên liệu chính để làm ra hộp xốp đựng thực phẩm là Polystiren - một loại nhựa dẻo có phân tử thấp, do vậy nó chỉ dùng để đựng thức ăn nguội, không dùng cho đồ ăn nóng và nhiều chất béo như các loại thịt, mỡ…”.
“Nhựa Polystiren là một loại chất hữu cơ, được tạo thành từ phản ứng trùng hợp stiren. Chất này rất dễ bị phơi nhiễm nếu như có tác dụng của dung môi như dầu, chất béo và nhiệt. Vì nhiệt từ thức ăn nóng sẽ khiến loại nhựa này giải phóng ra một chất độc có tên là monostyren (cấu trúc rất giống như nội tiết tố của phụ nữ) ngấm vào thức ăn gây hại cho gan và một số cơ quan trong cơ thể”, PGS.TS nói.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo: “Chỉ nên dùng hộp xốp, ly nhựa khi đồ ăn nguội, còn tuyệt đối không sử dụng những vật dụng này khi đồ ăn còn nóng và nhiều chất béo. Nếu bị nhiễm chất này lâu dài có thể sinh ra các chất độc hại cho cơ thể, ảnh hưởng đến giới tính của trẻ em. Các bé trai có thể bị vô sinh hoặc nữ tính hóa, còn bé nữ có nguy cơ dậy thì quá sớm”.