Những ngày qua, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh học sinh, cư dân mạng chia sẻ trang sách dạy học sinh tiểu học về lòng dũng cảm, trích ra từ cuốn dạy kỹ năng sống lớp 1 do NXB Giáo dục xuất bản. Theo đó, người biên soạn sách yêu cầu bé thể hiện lòng dũng cảm bằng cách vượt qua nỗi sợ hãi, bước lên mảnh thủy tinh vỡ và khuyến khích các bạn bè cùng trang lứa làm theo, để được dũng cảm như mình.
Làm điều dị thường là dũng cảm?
Nội dung giảng dạy vấp phải những ý kiến trái chiều từ phía người xem, họ cho rằng đây không phải là phương pháp đúng để con trẻ nhận thức trọn vẹn nghĩa của cụm từ “vượt lên chính mình” hay “lòng dũng cảm”. Mà ngược lại, nếu học sinh tiểu lấy hành động hành động liều mình bước lên miếng thủy tinh vỡ làm thước đo cho lòng dũng cảm trong cuộc sống, thì sẽ là điều rất thảm họa.
Đơn cử như, nếu mai này, thay vì tấm thủy tin vỡ, các cháu thể hiện sự gan dạ bằng cách tìm và chơi dao, súng – điều không ai dám thử để thể hiện bản lĩnh của mình, hay thậm chí liều thân làm những điều ngu ngốc để được số đông công nhận lòng dũng cảm, thì các nhà giáo dục sẽ nghĩ gì?
Nói cách khác, phụ huynh muốn sách giáo khoa, thầy cô rèn luyện cho con cái họ kỹ năng “vượt lên chính mình” từ những điều bình dị nhất, thay vì bước lên thủy tin vỡ, họ muốn con mình biết tự sinh hoạt cá nhân, biết đề phòng người lạ, biết cái gì nên và không nên để “dũng cảm” trước mọi thử thách của cuộc sống.
“Tôi thấy việc cháu nhỏ cố gắng gạt nỗi sợ hãi của chính mình qua một bên để bước qua thủy tinh cũng giống như những con rối, không có suy nghĩ đang cố gắng hài lòng các thầy cô giáo” – một người dùng có tài khoản tên H.M bức xúc.
Đây không phải lần đầu, nội dung giảng dạy trong những cuốn sách kỹ năng mềm cho học sinh tiểu học vấp vải phản ứng phản đối từ dư luận. Tháng 2/2015, chi tiết yêu cầu trẻ kể tên 5 hoa hậu thế giới trong 5 năm vừa qua, kêt tên 5 người đoạt giải Nô-ben năm 2012, tìm hiểu tổng quan cấu trúc bài thuyết trình và phân tích nghĩa của 5 từ tiếng Hán… trong cuốn kỹ năng mềm do Bộ GD phát hành, đã khiến phụ huynh, người đọc hoang mang, lên tiếng.
Từ lúc nào, kỹ năng mềm bỗng dưng trở thành môn học có đòi hỏi quá cao siêu so với lứa tuổi, trong khi những kiến thức cơ bản để duy trì sự sống, các đối diện với hiểm nguy, khắc phục sự cố học sinh lại không nắm được. Trường hợp dở khóc dở cười diễn ra vào tháng 1/2015, 20 sinh viên đi lạc trên núi Bà Đen, Tây Ninh, khiến cả xã hội giật mình về kỹ năng sống thật sự cần thiết của tuổi trẻ. Điều mà đúng ra, các em phải được trang bị từ tiểu học, chứ không phải lòng dũng cảm bước lên thủy tinh hay nhớ tên các hoa hậu.
Sách kỹ năng nhưng toàn dạy lý thuyết
Ông Trung Huy, giáo viên trường tiểu Hải Dương, chia sẻ với báo Vietnamnet: “Tôi không phải là cố tình tìm sạn, nhưng sách Thực hành kĩ năng sống dành cho tiểu học có rất nhiều điều đáng nói. Đơn cử, sau mỗi tiết kỹ năng, thầy cô đều yêu cầu học sinh ghi nhớ bảng nội dung ý nghĩa bài học, đây là cách dạy thiên nhiều về lí thuyết chứ không phải để thực hành cách sống cho học sinh. Tài liệu để dạy kĩ năng sống cho học sinh mà còn chẳng thiên về thực hành, kĩ năng mềm, kĩ năng làm việc thì những sách khác chỉ chú trọng đến kiến thức môn học là lẽ đương nhiên”.
Tiến Đạt – một du học sinh chia sẻ suy nghĩ: “Ở Nhật thì người ta dạy con trẻ ko cần phải thành siêu nhân mà họ dạy bọn trẻ về kỷ năng và nhân cách sống. Ở Mỹ, họ dạy con em kỹ năng cơ bản như thoát hiểm, bơi lội để giữ mạng sống khi có biến cố xảy ra. Còn ở Việt Nam, con đi cắm trại thì bố và mẹ phải làm bản cam kết là đồng ý cho con đi cắm trại, rồi có ô tô chở lên chỗ cắm trại. Đến giờ cơm thì có cơm hộp đặt sẵn đem lên. Không biết con của mình học được kỹ năng sống gì qua những buổi như vậy?”.
“Thực lòng mà nói, những người dạy kỹ năng sống cho học sinh cũng chưa hiểu kỹ năng sống là gì mà chỉ biết là bắt học sinh chịu đựng những gì ngoài khả năng chịu đựng nên học sinh mới khóc và có đứa đã bị kiệt sức khi thực hành” – một phụ huynh bức xúc.
Kết:
Ở góc độ tích cực, phụ huynh thấy mừng vì nền giáo dục nước nhà đã bắt đầu quan tâm đến việc phát triển nhận thức cho trẻ bằng cách đưa môn học kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy, hướng các em đến áp dụng những gì đã học vào cuộc sống… Nhưng vẫn còn nhiều thiếu sót và bất cập trong khâu truyền tải bởi sự thiếu nhạy cảm trong cách giảng dạy, chưa đặt mình ở vị trí của người học để cảm nhận, câu chuyện về lòng dũng cảm và thử thách nhớ tên 5 hoa hậu thế giới là một bằng chứng.
Hạn chế bớt những kỹ năng ít khi dùng tới, thay vào đó, chú trọng tới việc gần nhất và dễ xảy ra nhất với cuộc sống hiện tại để trẻ có tư duy ứng phó mọi lúc mọi nơi, đó mới chính là điều trẻ cần, bởi đôi lúc, chúng chỉ cần sống hạnh phúc và biết điều là đủ.