Khoảnh khắc nghẹn ngào
Bác sĩ Nguyễn Văn Hàng nhớ rất rõ, hôm ấy là ngày 26/7, khi các đồng đội của anh đều nhận được kết quả mẫu xét nghiệm PCR, chỉ duy nhất của anh bị giữ lại. Một cảm giác âu lo thoáng qua, nhưng anh vẫn tự trấn an bản thân: "Không sao đâu".
Tối 27/6, kết quả dương tính với nCoV làm mắt anh nhòe đi, sự lo lắng, hoang mang như lấp đầy tâm trí.
Anh chia sẻ: "Mình biết đi chống dịch tuyến đầu chắc chắn sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, cũng đã chuẩn bị sẵn tinh thần rằng mình có thể dương tính bất cứ lúc nào nhưng không ngờ nó đến nhanh như vậy". Gói ghém đồ đạc chuyển sang khu cách ly, anh bật khóc. Đó là khoảnh khắc nghẹn ngào, khiến anh suy sụp nhất.
Trong nhóm anh có tổng cộng là 7 người. Anh là F0, 6 bạn còn lại thuộc diện F1 vẫn phải đi cách ly.
"Biết là do bản thân mình làm các bạn cũng phải chịu chung cách ly, nhưng các bạn không hề ghét bỏ, ngược lại còn hết sức động viên, chăm sóc mình. Mọi người ai cũng lo lắng, hỏi han, nấu cháo để trước cửa phòng rồi gọi mình ra lấy để bồi bổ sức khoẻ. Ngoài ra, mình còn nhận được nhiều lời động viên từ gia đình, người thân và cả bạn bè", anh nhớ lại.
Những ngày sau đó, anh bắt đầu "cuộc chiến" với COVID-19. Anh cảm nhận rõ cơ thể mình yếu đi, cơn sốt lần lượt kéo đến, cổ họng đau buốt.
Anh chia sẻ: "Mệt mỏi lắm nhưng mình vẫn gắng gượng ăn uống, tập thể dục thường xuyên nên sức khoẻ nhanh chóng phục hồi. Mỗi ngày, mình bỏ ra tầm 15 phút để tập thể dục và tập thở. Việc tập thở rất cần thiết cho người bị nhiễm COVID-19 vì nó giúp cho phổi thở dễ dàng hơn, không có di chứng về sau".
Những ngày nằm trên giường bệnh là khoảng thời gian anh Hàng cảm nhận rõ nhất về đồng đội. Họ không bỏ anh lại phía sau. "Họ không kì thị, không mặc kệ, ngược lại còn yêu thương mình. Với xã hội ngoài kia, mình đã trải qua không ít vấp ngã, nhưng khi bước vào cuộc chiến này, tinh thần đồng đội tương thân tương ái đã giúp mình giải toả rất nhiều suy nghĩ tiêu cực trước đây", anh kể.
Chuyện được kể từ những ngày chống dịch
Do đặc tính công việc, anh tiếp xúc với rất nhiều F0. Không ít lần, chính anh cũng đã nghẹn ngào trước câu chuyện, hoàn cảnh của từng bệnh nhân mà mình vận chuyển.
"Lần đó, mình nhận hỗ trợ một chị mang bầu 8 tháng rưỡi dương tính với COVID-19. Trong lúc đó, chị phải một thân một mình lên xe đến khu cách ly. Chị vừa mang bụng to, lỉnh kỉnh nhiều đồ đạc mà phải vận chuyển nhiều nơi, mình thấy cũng xót nhưng chỉ biết đứng nhìn từ xa chứ không thể đến giúp đỡ", anh Hàng xúc động nhớ lại.
Những ngày đầu tiên khi thành phố bùng dịch, anh Hàng đã điền tên mình vào danh sách tình nguyện. Anh nói: "Trong cuộc chiến này, đội ngũ áo trắng không thể đứng ngoài. Nhìn thấy sự tàn khốc của dịch bệnh đang hoành hành, mình muốn lên đường, dùng hết công sức, năng lực của mình để góp phần giúp đất nước vượt qua đại dịch này".
Không ít lần, anh như muốn gục ngã trước những khó khăn. "Mình còn nhớ có một lần đi lấy mẫu, có một người bảo: "Thôi lỡ nhiễm rồi đằng nào cũng chết, có gì đâu mà sợ”.
Những lúc đó, mình dường như bất lực vì không biết phải nói gì cho họ hiểu. Căn bệnh này không chỉ gây hại cho riêng bản thân họ, mà còn làm ảnh hưởng cho cả gia đình họ, cho cả cộng đồng này.
Ngoài ra, có những lần người dân không hợp tác, gọi họ ra để lấy mẫu cộng đồng họ không ra vì sợ lây nhiễm chéo. Đi qua những cảm giác bất lực đó, mình chỉ biết cố gắng và cố gắng hơn nữa thôi".
Đối với anh, COVID-19 là một loại virus nguy hiểm, nó có thể lấy đi sinh mệnh của một con người bất kì lúc nào nếu bản thân người đó không biết bảo vệ mình. "Ở tuyến đầu, các y bác sĩ, tình nguyện viên vẫn đang cố gắng gồng mình 200% công lực của bản thân để chiến đấu", anh Hàng chia sẻ.
Hiện tại, sức khỏe của anh đã ổn định. Sau xét nghiệm âm tính, anh sẽ quay trở lại với công việc. Bởi ở đó, có đồng đội đang đợi anh. Và anh, cũng còn một cuộc chiến dài trước mắt.