Sắc màu Cuộc Sống

Bác sĩ trẻ và những lần cấp cứu F0: 'Có lúc mình đã bật khóc vì bất lực'

Khải Anh
Chia sẻ

'Có lúc, mình đã bật khóc vì bất lực, vì bệnh nhân trở nặng nhanh quá', bác sĩ Gia Phúc nghẹn ngào.

Cấp cứu F0

Máy đo Spo2

Dụng cụ đo huyết áp

Kit test nhanh kháng nguyên

Bóng bóp

Dịch truyền Nacl

Thuốc giảm ho, hạ sốt, chống đông máu, chống viêm

...

Bác sĩ Gia Phúc kiểm tra từng thứ, từng thứ một rồi cho vào túi. Trước đó vài phút, Tổ Y tế cộng đồng phường Bình Thuận, quận 7 đã nhận được cuộc gọi từ người nhà của một bệnh nhân F0 trở nặng. Ê-kíp gồm 3 người nhanh chóng mặt đồ bảo hộ, mang vác dụng cụ, bình oxy... Chiếc xe chạy vun vút trên những con đường thênh thang. Cơn mưa tầm tã khiến bộ đồ bảo hộ kín mít bất đắc dĩ trở thành áo mưa.

Ca nặng của bác sĩ Phúc là bệnh nhân ở chung cư đường Lý Phục Man, phường Bình Thuận, quận 7. Người đàn ông 33 tuổi, cơ địa béo phì, đang mất nước và sốt cao. 

Ngôi nhà ngổn ngang đồ đạc, không thoáng khí khiến người bệnh hạ huyết áp, SpO2 thấp. Ê-kíp gồm 3 nhân viên y tế đã đội mưa, người sũng ướt nhưng cũng nhanh chóng bắt tay vào việc. Một người đánh giá tình trạng bệnh nhân, một người hỗ trợ đo các chỉ số, một người khảo sát tình trạng người bệnh qua người nhà...

Sau 15 phút được tiếp oxy, truyền dịch, hơi thở người đàn ông đã đầy đặn hơn, các chỉ số dần ổn định. Nhóm lập tức di chuyển bệnh nhân bằng cáng xuống lầu dưới, để ra bệnh viện. Trong suốt quá trình đó, Phúc và đồng đội không ngừng động viên người nhà. "Sẽ không sao đâu, chị đừng lo". Gương mặt người phụ nữ giãn ra chút ít. 

Chiếc xe cấp cứu lại tiếp tục lao vun vút trên đường. Lúc này, Phúc thấy tâm trạng mình nhẹ nhõm. Đó là lần đầu tiên cậu cấp cứu cho một F0 trở nặng.

Những lần nghẹn ngào

Gia Phúc sinh năm 1997, là một bác sĩ trẻ vừa tốt nghiệp Đại học Y dược TP.HCM. Cậu vừa tham gia vào đội ngũ tình nguyện chống dịch vào cuối tháng 5. 

Mỗi ngày, Tổ Y tế quận nhận được hàng chục cuộc gọi từ những bệnh nhân F0 trên địa bàn. F0 trở nặng, F0 khó thở, F0 đau họng, F0 sốt cao, F0 cần tư vấn về thuốc... Mỗi ca bệnh, nhóm đều cẩn thận ghi chép các triệu chứng bệnh, nhanh chóng xử lí. 

Phúc chia sẻ: "Nếu bệnh nhân đang trong tình trạng nhẹ của những ngày đầu mới có triệu chứng như ho, sốt... thì tụi mình sẽ trấn an họ. Tổng đài viên sẽ hỏi tên, tuổi, địa chỉ... hướng dẫn họ cách ly như thế nào. Đồng thời, bác sĩ cũng sẽ hướng dẫn họ tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn, vệ sinh khử khuẩn răng miệng và vệ sinh nhà cửa... Đối với các ca triệu chứng nặng, không còn khả năng tự chăm bản thân thì bọn mình sẽ đi đến với họ".

Công việc này đã cho Phúc muôn vàn cảm xúc. Một lần, đội nhận cấp cứu cho trường hợp F0 có bệnh béo phì. Anh ở trọ trên lầu, bị mất sức, mất nước và nguy kịch ê-kíp phải dùng búa phá tường gỗ, móc dây đưa xuống rất vất vả. Đa phần, các ca cấp cứu đều nằm trong hẻm sâu, đội trực phải thường xuyên vác oxy vào và vác ra để bệnh nhân thở. 

Không ít lần, Phúc chứng kiến nhiều sự ra đi ngay trước mắt mình. "Có lúc, mình đã bật khóc vì bất lực, vì bệnh nhân trở nặng nhanh quá. Có người đàn ông chỉ tầm 30 tuổi thôi nhưng khi mình đến thì tay chân anh đã tím hết. Anh cũng không qua khỏi. Có cụ bà không thở được, mất ngay khi oxy được đưa đến", bác sĩ Gia Phúc nghẹn ngào.

Tinh thần là một liều thuốc quý giá, bao giờ cũng thế, khi đến nhà bệnh nhân, đội trực cấp cứu cũng mở đầu bằng câu: "Cả nhà đừng lo nhé, có tụi em đây rồi. Tụi em sẽ cố gắng nhanh nhất ổn định lại cho bệnh nhân".

Cả ngày mệt phờ vì chạy cấp cứu F0, nhưng mỗi lần có cuộc gọi, "đội tác chiến" lại bật dậy, lao vào cộc hành trình mới. "Những lúc ấy, tụi mình hay động viên, đấm vào tay  nhau nói cố lên và tiếp tục tới bệnh nhân mới", Gia Phúc nhớ lại.

Cách đây vài ngày, anh họ của Phúc đang thực hiện công tác chống dịch tại địa phương cũng không may bị mắc COVID-19 và phải tự cách ly tại nhà. Anh đã lây chéo cho cả gia đình. Đây là ca bệnh khiến lòng Phúc có nhiều cảm xúc đan xen. 

Bác sĩ trẻ kể: "Mình xuống test nhanh cả nhà, hướng dẫn chế độ dinh dưỡng , vệ sinh răng miệng và mũi, vệ sinh nhà cửa, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị triệu chứng. Rất may mắn, sau 14 ngày, cả nhà đã âm tính cả nhà lần 1".

Trong bối cảnh TP.HCM có hàng nghìn ca mắc mỗi ngày, sức ép đối với nhân viên y tế, cơ sở hạ tầng ngày càng lớn. Không chỉ Phúc, hàng nghìn nhân viên y tế cũng đang tất tả không kể đêm ngày để cấp cứu cho bệnh nhân F0, mang đến những bình oxy nối dài hơi thở. 

Chia sẻ

Bài viết

Khải Anh

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất