Cơ duyên đến với nghề và nỗi cay đắng của nữ bác sĩ bị huỷ hôn vì làm việc ở bệnh viện chữa trị HIV/AIDS
Cứ đều đặn mỗi sáng, vợ chồng bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng, Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện 09 (Hà Nội) lại tất bật dậy sớm lo cho con cái đi học rồi tới viện nơi có những bệnh nhân có HIV/AIDS chờ đợi. Bệnh viện 09 nằm ven đường 70 Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Con đường này vốn ồn ã, tấp nập xe cộ qua lại bấy nhiêu thì bên trong khuôn viên bệnh viện lại tĩnh mịch bấy nhiêu.
Nơi đây hiện là nơi công tác của hơn 180 cán bộ nhân viên gồm bác sĩ, điều dưỡng,… Đây cũng là nơi bác sĩ Nguyễn Ngọc Hưng gắn bó làm việc suốt hơn 20 năm qua. Công việc của anh là điều trị bệnh nhân HIV, nhiều người bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối.
Cái nghề bác sĩ điều trị cho bệnh nhân HIV nghe thấy đã sợ chứ nói gì đến tiếp xúc với họ. Thế nhưng, bao năm qua bác sĩ Hưng cùng đồng nghiệp vẫn thầm lặng chăm sóc cho họ, trong số những người bệnh này có người từng lầm lỡ, có người đầy tiền án tiền sự, có người không biết nguyên do từ đâu mình bị HIV…
Trong câu chuyện với chúng tôi, bác sĩ Hưng nhớ lại, như bao thanh niên trai trẻ khác, sau khi tốt nghiệp đại học y, anh từ quê Ninh Bình lên Hà Nội tìm kiếm việc làm. Anh cũng mong muốn tìm kiếm một công việc tại bệnh viện lớn nhưng ước mơ đó khó thành. Trong lúc đang chờ đợi thì một số người bạn giới thiệu anh về Bệnh viện 09. Khi đó, đây là Trung tâm giáo dục lao động xã hội (Trung tâm 06, hay trung tâm cai nghiện ma túy tự nguyện).
“Thời đó, ma túy là vấn đề gai góc, môi trường nghề nguy hiểm. Khi tôi quyết định xin việc vào đây cũng chỉ đơn giản muốn tìm một công việc làm tốt nên không hề nghĩ nơi đây nguy hiểm hơn mình tưởng. Hằng ngày phải tiếp xúc với những người bệnh nghiện ma tuý, HIV/AIDS (khi đó gọi chung là Sida)”, bác sĩ Hưng cho hay.
Đặc trưng nhiều cặp vợ chồng cùng công tác tại bệnh viện này là sự đồng cảm. Có lẽ sự đồng cảm làm cho người ta gắn kết với nhau. Anh hay trêu, làm ở đây khó lấy vợ lấy chồng nên cứ lấy ở đây cho dễ chia sẻ.
Cũng theo tâm sự của bác sĩ Hưng thì nhiều các bác sĩ, y tá trẻ công tác tại đây không thể lập gia đình cũng bởi sự kỳ thị nghiệt ngã đó. Nhiều người đã không chịu nổi áp lực từ gia đình, người thân hay từ phía người yêu hoặc gia đình người yêu mà phải bỏ việc thì mới mong mưu cầu hạnh phúc.
Clip bác sĩ Hưng chia sẻ khi bắt đầu làm việc tại Bệnh viện 09.
Có thể bị HIV thì khó, nhưng các bác sĩ ở đây bị nhiễm lao từ bệnh nhân là điều không hề hiếm. Bởi hầu hết những bệnh nhân ở đây thường bị bệnh lao rất nặng. Có trường hợp nữ bác sĩ giấu người yêu suốt hơn một năm công tác tại đây. Đến khi người yêu truy hỏi nhiều quá, cô đành thú nhận mình đang làm việc ở Bệnh viện 09.
Người yêu cô đã rất giận dữ và đòi chia tay. Nữ bác sĩ đã khóc và thuyết phục người yêu rất nhiều, cuối cùng cũng được người yêu chấp nhận. Thế nhưng bi kịch mới lại xảy đến khi hai người chuẩn bị làm đám cưới, gia đình người yêu lúc đó mới phát hiện cô đang làm ở “một bệnh viện gì đó toàn những bệnh nhân mang HIV”.
Họ nhất quyết đòi lại cau trầu và không có cưới hỏi gì nữa. Bị từ hôn ngay sát ngày cưới, nữ bác sĩ như người mất trí. Ngày quay trở lại bệnh viện sau sự cố đó cũng là ngày cô làm đơn xin thôi việc. Chứng kiến sự việc đau lòng đó, các đồng nghiệp của cô nhiều người không cầm được nước mắt.
Từng nhiều lần bị bệnh nhân doạ giết, cầm kim tiêm dính đầy máu truy đuổi bác sĩ khắp bệnh viện
Bệnh nhân HIV/AIDS có suy giảm hoàn toàn miễn dịch nên rất dễ nhiễm các loại bệnh khác. Chính vì thế tại đây các bác sĩ đã phải học rất nhiều và am hiểu tường tận các loại bệnh.
“Có những bệnh nơi khác không có nhưng nơi này có, thậm chí có loại bệnh chỉ ở các châu lục khác nhưng ở đây có. Đa số bệnh nhân có rối loạn tâm thần, lệch chuẩn hành vi, đào ngược nhịp sinh học đó là chưa kể virus HIV/AIDS phá hủy tế bào.
Ngoài là thầy thuốc đa khoa điều trị cho những người HIV/AIDS, bác sĩ Hưng cho biết bác sĩ tại bệnh viện còn là người bác sĩ tâm lý điều chỉnh tâm lý. Như một nhà công tác xã hội có kiến thức để chia sẻ, động viên, nắn chỉnh hành vì của họ”, bác sĩ Hưng chia sẻ.
Trong khoảng thời gian hơn hai thập niên là bác sĩ điều trị bác sĩ Hưng không nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần từng bị bệnh nhân đe dọa, truy đuổi. Những người có HIV bao gồm rất nhiều loại người.
Có người được coi là những giang hồ thảo khấu nên cách hành xử cũng khác người thường. Thế nên tất cả các quy định của bệnh viện những đối tượng bệnh nhân này thường không tuân thủ. Chẳng hạn quy định là không được sử dụng điện nước tùy tiện thì họ bê nguyên cả cái bếp điện đến nấu giữa phòng. Nếu các bác sĩ, y tá ở đây nhắc nhở thì bệnh nhân đòi đánh lại, chống trả.
Với những bệnh nhân là người nghiện ma túy nặng thì họ sẵn sàng ăn cắp từ những thùng rác, ném ra ngoài cho một đối tượng khác để lấy tiền mua ma túy… Thậm chí có những bệnh nhân có gia đình hẳn hoi nhưng từ khi phát hiện người nhân mang HIV, gia đình sống cách ly luôn. Những bệnh nhân như thế không còn gì để mất nên hành xử rất ngông cuồng. Nhiều khi lên cơn nghiện, họ đập cửa buồng tiêm bắt bác sĩ phải cho thuốc gây nghiện. Nếu không đáp ứng được thì bệnh nhân sẵn sàng chửi bới, đuổi đánh bác sĩ.
Đã có trường hợp bệnh nhân mang HIV, nghiện ma túy lâu năm kiếm được chiếc xi lanh, tự hút máu mình. Sau đó anh ta cầm chiếc xi lanh đầy máu đi vòng quanh bệnh viện, gặp bác sĩ nào cũng dọa. Hắn gây áp lực tới các bác sĩ nếu không cho tiền để hắn mua thuốc thì sẽ dùng kim tiêm có máu này đâm vào người họ. Nhiều khi để tránh những hiểm họa trước mắt, các bác sĩ buộc phải gom tiền đưa hắn cho êm chuyện. Có thời gian hộ lý phải đi lau chùi tường, sàn nhà thường xuyên vì bệnh nhân đó xịt rất nhiều máu vào tường để uy hiếp.
“Nhiều người cũng là bác sĩ mà họ làm việc ở bệnh viện lớn sao bố lại làm ở bệnh viện AIDS?”
Công việc đối diện nhiều nguy hiểm như thế nhưng bác sĩ Hưng cho biết, gia đình anh vẫn rất ủng hộ. “Quan điểm bố mẹ tôi đó là làm gì đừng vi phạm pháp luật, đạo đức, phải mang tính chất phục vụ được nhân dân, làm cho người khác vui. Chưa bao giờ bố mẹ lo nghĩ ở đó có nguy hiểm không. Có thời gian báo chí đưa bác sĩ bị hành hung trong đó có tôi nhưng bố mẹ cũng không thể hiện lo lắng ra ngoài. Ông bà chỉ muốn con làm việc gì tốt”, bác sĩ Hưng trải lòng.
Bác sĩ Hưng thành thật chia sẻ, có lẽ vì làm ở Bệnh viện 09 nên nhân viên bệnh viện từ trước tới nay rất khó lập gia đình. Bản thân anh 38 tuổi mới lấy vợ. Năm nay tuổi đã ngoài 50 nhưng hai con một đang học lớp 10, một đang học lớp 6.
“Vợ là người đồng hành cùng tôi trong lĩnh vực này cho tới ngày hôm nay. Vợ chồng tôi cùng là người xa quê, sống độc thân trong môi trường nguy hiểm khó khăn. Từ đó cùng nương tựa nhau, hỗ trợ nhau để tồn tại. Để đáp ứng công việc cũng như chữa trị cho người bệnh thật tốt chúng tôi cùng phấn đấu học hành, thay nhau đi học, cùng nhau nuôi con rồi cùng vượt qua khó khăn”, bác sĩ Hưng tâm sự.
Bác sĩ Hưng bảo, trong nghề bác sĩ có lẽ khi giới thiệu công việc của mình thì anh thấy buồn nhất. “Tôi nhớ có lần khi đi ăn cỗ, mọi người hỏi chuyện thì có người xưng đang công tác trong Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức thì họ liền thay nhau xin số. Còn khi hỏi tôi tôi nói đang công tác tại Bệnh viện 09 thì mọi người nhận ra tôi điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV. Không khí lúc đó đang vui vẻ bỗng chùng xuống. Từ đó tôi nhận ra mọi người khó lòng chấp nhận công việc tôi đang làm”, bác sĩ Hưng buồn rầu nói.
Cũng chính vì thế, có lần con trai lớn hỏi: “Nhiều người cũng là bác sĩ mà họ làm việc ở bệnh viện lớn sao bố lại làm ở bệnh viện AIDS?”. Rồi cô con gái thứ hai cũng tiếp tục hỏi bố câu tương tự khiến bác sĩ Hưng không biết giải thích như thế nào cho con hiểu.
Anh nhớ lại, những ngày đầu con tới trường, con rất muốn anh dẫn vào tận lớp học, mỗi buổi biểu diễn văn nghệ đều muốn bố tới cổ vũ, tự hào với bạn bè đây là bố của tớ. Rồi những lần đến đón con gần đây, con cứ bắt bác sĩ Hưng đứng chờ ở ngoài, không cho anh vào trong tiếp xúc với bạn bè thay vì như trước đây, con đều hãnh diện mỗi khi được bố đưa đón.
“Hoá ra, bạn bè con biết về công việc bố mẹ qua tờ khai nghề nghiệp của phụ huynh. Những suy nghĩ này đã được chính các con thốt ra từ hơn 1 năm trước, trong bữa cơm hay sau mỗi ngày gặp bố khi trở về nhà. Cho đến bây giờ các con cũng đang có chút mặc cảm vè nơi bó mẹ công tác. Nhiều hôm đi đón con vẫn hỏi, bố có phải chỉ giỏi mỗi chữa bệnh nhân AIDS không? Bố có chữa được cho bệnh nhân đó, bố có chữa được bệnh khác không?… vô số những câu hỏi cứ lập đi lập lại trong đầu bọn trẻ. Tôi cũng phải hỏi lại xem bạn con đang hỏi những vấn đề gì, con suy nghĩ lăn tăn gì”, bác sĩ Hưng trải lòng.
Anh cho rằng, suy nghĩ của hai con còn nhỏ để có thể thấu hiểu hết những gì mà mình đang làm. “Bản thân tôi không thể thay đổi hành vi của các con trong ngày 1 ngày 2 nhưng lớn lên nó đủ trưởng thành, đủ va chạm xã hội thì mình sẽ nói với con điều con hỏi ngày trước giờ bố mới trả lời hết được”, bác sĩ Hưng bộc bạch.
Làm bác sĩ cả chục năm nhiều hàng xóm xung quanh vẫn không hay biết
Làm việc tại Bệnh viện 09, bác sĩ Hưng đối mặt với câu chuyện kỳ thị của xã hội. Bác sĩ Hưng tâm sự, khi nói với hàng xóm là làm việc tại tại Bệnh viện 09, chuyên chăm sóc cho người HIV/AIDS, thì không ít người nhìn anh bằng con mắt khác hẳn. Tâm lý của bác sĩ cũng thế, có những người khi để hàng xóm biết họ không còn trọng vọng, ánh mắt nhìn cũng thế. Có bạn bè anh thì trêu đùa: “Cả đời này tôi chẳng nhờ được ông rồi!”.
Làm trong nghề hơn 20 năm nhưng mối quan hệ của anh chỉ bó gọn trong khuôn viên bệnh viện. Anh cùng nhiều bác sĩ không quan hệ giao lưu với bên ngoài. Bản thân thiên về sống nội tâm nhiều hơn.
“Không chỉ riêng tôi mà có nhiều bác sĩ làm việc cả chục năm tại đây nhưng hàng xóm không biết, có biết thì họ chỉ biết là đang làm bác sĩ. Không phải vì chúng tôi muốn giấu nghề mà bởi nhiều người khi nghe đến điều trị cho người bị nhiễm HIV họ tự dưng xa lánh và không muốn quen biết. Có trường hợp một nữ bác sĩ tại khoa sau mỗi ngày đi làm về nhà lại thu mình lại, chỉ có chồng và con ngoài ra không giao lưu với hàng xóm xung quanh”, vị bác sĩ này trần tình.
Hơn 80% cán bộ nhân viên bệnh viện phải thuê nhà, có người chạy Grab, có người bán hàng ăn thêm để trang trải cuộc sống
Bác sĩ Hưng bảo, công tác trong viện đa số các cán bộ nhân viên đều ở ngoại tỉnh. Những ngày tết với họ rất vất vả. Bản thân anh là Chủ tịch Công đoàn của Bệnh viện nhưng không giúp được nhiều cho họ vì cơ quan không có bất kỳ nguồn thu hay quỹ phúc lợi nào.
“Gần như năm nào cũng có cán bộ chuyển công tác và lại có cán bộ mới về. Trong số 186 cán bộ nhân viên thì 80% đang phải thuê nhà. Cũng có những điều dưỡng trưởng đi chở gạch cho những người khác hay chạy Grab ngoài giờ. Có người về ngồi bán bánh giò, trứng vịt lộn…
Rất nhiều bác sĩ giỏi ra ngoài chữa bệnh nhưng thất bại vì tâm lý người đời chưa đổi. Khi nghe nói đến bác sĩ này kia đang điều trị trong Bệnh viện 09 thì chẳng bệnh nhân nào họ chữa. Tôi vẫn nói, ai đã làm ở đây sẽ trưởng thành khi đi nơi khác. Có những bệnh cả ngành y tế ít gặp như nấm não, da liễu nauy thì ở đây chúng tôi gặp. Để chữa phải trau dồi, bổ sung kiến thức và mình thấy vui.”
Chưa từng nhận phong bì, hoa của người bệnh ngày 27/2
Bác sĩ Hưng bảo, ở Bệnh viện 09 đều là những người nghiện và có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên tại đây có một quy định chung không nhận phong bì bất kỳ mọi hình thức.
Hơn 20 năm công tác, chưa một lần được ôm bó hoa vào ngày 27/2 (Ngày thầy thuốc Việt Nam) từ người bệnh và người nhà bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân điều trị tại đây là gái mại dâm, nghiện hút, nhiều người là nạn nhân và vô tình bị lây nhiễm, mang trong mình căn bệnh thế kỷ nên họ tiêu cực, bất hợp tác với bác sĩ.
Thế nhưng câu chuyện khiến anh đáng buồn đó là nhiều người bệnh đến khi chết không có người thân đến nhận. Anh nhớ mãi bệnh nhân HIV sắp chết mà không có người thân bên cạnh.
“Bản thân người đến đây điều trị không muốn có gia đình đến nhận hay có sự liên lạc với gia đình do những lần cãi vã hay sợ nên cung cấp địa chỉ sai, giấu danh tính, không cho địa chỉ chính xác nơi mình sinh sống. Có nhà sau khi cho con vào bệnh viện điều trị xong bán nhà không cho con biết nên con phải đi bơ vơ.
Có trường hợp chúng tôi gọi điện báo cháu có nguy cơ đe dọa tử vong đề nghị gia đình vào gặp lần cuối nhưng gia đình bảo không. Lúc nào chết thì anh gọi lại cho tôi. Hay có trường hợp con tới đây xin gang tay, khẩu trang đeo vào nhưng không dám tới gần con. Lúc đó họ bảo trăm sự nhờ bác sĩ, họ đứng xa nhìn vào”, bác sĩ Hưng chua xót.
Mặc dù trải qua bao chuyện nhưng anh Hưng bảo: “Tôi chưa bao giờ ân hận về sự lựa chọn của mình, mặc dù có giây phút nào đó mình chạnh lòng. Ở đây ko chỉ thể hiện trình độ chuyên môn, bản lĩnh hành vi ứng xử của 1 người bình thường mà phải thể hiện nhiều khía cạnh xã hội.
Có những lúc thấy nuối tiếc vì khả năng của tôi có thể phấn đấu làm trong môi trường khác. Ở đó tôi có thể cống hiến được nhiều hơn nữa. Môi trường này vừa cống hiến vừa phục vụ nhưng có lẽ phục vụ nhiều hơn. Đưa họ đang từ tình trạng nguy hiểm, mất thăng bằng do sự kì thị xã hội về sự lạc quan, thiết tha sống, tự nguyện chữa bệnh. Đang từ lầm đường lạc lối quay trở lại con đường chân lý, cái đó đáng tự hào. Có những con người sống cả cuộc đời nhiều bằng khen, thành tích nhưng chưa chắc đã giúp được 1 người đang từ sai lầm trở thành 1 người bình thường”, bác sĩ Hưng quả quyết.
Chưa một lần đón Tết trọn vẹn bên gia đình
Hơn 20 năm công tác trong ngành y, bác sĩ Hưng có khoảng 6 cái Tết ở nhà nhưng 6 cái tết đó chưa khi nào trọn vẹn. Anh nhớ lại, ngày trước khi công tác trong môi trường ma túy gần như không có Tết ở nhà. Một đêm ở đây tiếp nhận 100 đối tượng nghiện ma túy phải cắt cơn giải độc trong khi chỉ có 1 bác sĩ, 2 y tá và 2 bảo vệ.
“Có lần về quê được 1, 2 hôm ăn Tết với gia đình rồi lại phải bắt xe ra. Với mọi người Tết là thời điểm mọi người được quây quần bên nhau, dành trọn yêu thương cho nhau nhất là có thời gian bên các con. Còn với tôi không được như thế.
Nghỉ Tết được một hai ngày gia đình tôi tranh thủ đi chúc Tết mọi người, họ hàng một lúc là hết ngày. Tôi nhớ năm ngoái vẫn phải trực tại viện. Trước lúc giao thừa tôi đi xe ra ngã ba Văn Điển ngồi ăn xong bát phở thì cũng là thời khắc đón năm mới. Tự dưng lúc đó mới cảm nhận được sự trống trải trong lòng”.