Mới đây mạng xã hội xôn xao trước hình ảnh về hai lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương, là bị can trong vụ án sự cố y khoa dẫn đến 9 người tử vong ở Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình.
Hình ảnh cho thấy, hai Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương cùng có số hiệu (số 04//LCCT-VKS-P2), cùng ngày 4/7/2018 do Phó viện trưởng VKS Nhân dân tỉnh Hòa Bình Đinh Thế Hệ ký tên.
Nội dung hai Lệnh cấm cơ bản rất giống nhau ngoại trừ điểm 2 quy định phạm vi cấm bị can đi khỏi nơi cư trú.
Theo đó, một Lệnh cấm bị can Hoàng Công Lương không được phép đi khỏi nơi cư trú tại: Xóm 9, xã Sử Ngòi, TP Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình), từ ngày 4/7 đến ngày 2/8/2018. Còn Lệnh kia cấm bị can Hoàng Công Lương không được phép đi khỏi nơi cư trú tại: TP Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình kể từ ngày 4/7 đến ngày 2/8/2018.
Như vậy, phạm vi cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bác sĩ Hoàng Công Lương có thay đổi rõ khi ghi xóm 9 và TP Hòa Bình.
Tại các Lệnh cấm cũng ghi rõ, bị can Hoàng Công Lương (SN 1986) bị khởi tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại khoản 2 Điều 285 Bộ luật Hình sự 1999.
“Khi chưa được sự đồng ý của UBND xã Sủ Ngòi (TP Hoà Bình) và giấy phép của Viện KSND tỉnh Hoà Bình, bị can Lương không được đi khỏi nơi cư trú. Nếu bị can vi phạm nghĩa vụ cam đoan khi áp dụng Lệnh này sẽ bị áp dụng biện pháp tạm giam”, lệnh này nêu.
Về vấn đề này, luật sư Trần Hồng Phúc (một trong số luật sư bào chữa cho bác sĩ Hoàng Công Lương) cho hay, khi nhận được thông tin về việc thân chủ của bà bị cấm đi khỏi xóm 9 (xã Sử Ngòi) bà đã có chia sẻ, yêu cầu VKS nhân dân tỉnh Hòa Bình sửa đổi nội dung sai trái của Lệnh cấm này.
“Chỉ cần bước chân ra khỏi nhà 10m là đã thuộc địa bàn của xóm khác rồi… là bị bắt ngay. Trường hợp đó, không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của Lương. Ví dụ Lương muốn đi ra chợ mua đồ ăn thì cũng phải xin phép VKS, Lương bị đau bụng đến bệnh viện thì cũng phải có sự phê chuẩn của VKS, muốn đưa đón con đi học cũng phải đi sang địa bàn khác… Tóm lại không đảm bảo nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của một người được áp dụng biện pháp ngăn chặn, là tại ngoại. Nếu là cấm đi khỏi TP Hòa Bình thì phù hợp hơn, chứ cấm đi khỏi xóm thì xóm hẹp lắm…”, luật sư Phúc đề cập.
Cũng theo luật sư Phúc, ngay sau đó thì VKS nhân dân tỉnh Hòa Bình đã sửa nội dung này. Theo hướng cấm đi khỏi địa bàn TP Hòa Bình.
Ông Đinh Thế Hệ, người ký các lệnh cấm nói trên chia sẻ với PV rằng: “Sau khi ký lệnh cấm với phạm vi là xóm 9 thì đúng như phản ánh của luật sư anh em đã sửa lại địa danh là TP Hòa Bình”.
Trước đó ngày 5/6, trong vụ án sự cố y khoa làm 9 người chạy thận tử vong ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình xảy ra ngày 29/5/2017, sau 12 ngày xét xử và 5 ngày nghị án, TAND TP Hòa Bình tuyên trả hồ sơ vụ án cho VKS TP Hoà Bình để thực hiện, làm rõ 6 yêu cầu.
Trong đó, HĐXX nhận thấy có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố, các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội với bị cáo Hoàng Công Lương chưa được thu thập đầy đủ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, có nhiều tình tiết mới xuất hiện, nhiều tài liệu mới chưa được kiểm chứng, chưa có khả năng làm rõ tại phiên toà…
Thông tin mới nhất, hai lãnh đạo tại viện này là ông Hoàng Đình Khiếu (Phó Gíam đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình) và ông Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng Vật tư) đã bị khởi tố tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Hai bị can đều có lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.