Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, phát biểu tại Hội nghị cấp cao Doanh nghiệp toàn cầu (B20) hôm 4/9 tại thành phố Hàng Châu, nơi tổ chức Hội nghị thượng đỉnh G20, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã dẫn câu cổ ngữ của nước này để đánh giá về tình hình kinh tế toàn cầu:”Khinh quan dịch đạo, thông thương khoan nông”.
Tuy nhiên, chữ “nông” (农) có biểu hình rất giống với chữ “y” (衣) trong tiếng Hán, nên ông Tập đã đọc câu văn trên thành “khoan y” chứ không phải “khoan nông”.
Pha nhầm lẫn của nhà lãnh đạo Trung Quốc trước hàng loạt lãnh đạo thế giới đã nhanh chóng gây bão, khiến cơ quan chức năng của nước này phải lập tức vào cuộc kiểm duyệt cụm từ “thông thương khoan y” trên các mạng xã hội và mạng điện thoại.
VOA cho hay, việc các chính khách nhầm lẫn trong khi đọc diễn văn không có gì bất thường, dù là ở Trung Quốc hay các nước khác, nhưng vụ việc hôm 4/9 trở nên căng thẳng bởi nó khơi dậy nghi vấn về trình độ học vấn của ông Tập Cận Bình. Đây vốn là một đề tài nhạy cảm ở Trung Quốc.
Theo lý lịch được Trung Quốc công khai, thời kỳ Cách mạng văn hóa (1966-1976), ông Tập phải bỏ dở việc học tập ở trường trung học để đi làm tại vùng nông thôn tỉnh Thiểm Tây. Giai đoạn này, Trung Quốc đã hủy bỏ kỳ thi đại học trên toàn quốc.
Đến năm 1975, ông được đề cử vào học tại Đại học Thanh Hoa và tốt nghiệp tại khoa Kỹ thuật hóa chất vào năm 1979.
Từ 1998-2002, Tập Cận Bình theo học lớp nghiên cứu sinh tại chức và lấy bằng Tiến sĩ chuyên ngành Giáo dục tư tưởng chính trị và lý luận chủ nghĩa Marx tại Học viện khoa học xã hội nhân văn, Đại học Thanh Hoa.