Chị nhập viện vào tháng cuối của thai kì. Trước đó vài giờ, ruột gan chị như lộn nhào, trái tim thắt lại trước kết quả “dương tính” với virus Sars-CoV-2. Điều này có nghĩa sinh linh bé bỏng đang trong bụng chị sẽ chào đời mà không có hơi ấm mẹ, bé con sẽ trở thành “F1”, được đưa đến bệnh viện dã chiến để tiếp tục chăm sóc.
Rồi cũng đến ngày chị sinh, cuộc phẫu thuật diễn ra với sự nỗ lực của các y bác sĩ, điều dưỡng… Người sản phụ chỉ kịp ngước nhìn con, không được áp da kề da, cũng chẳng có nụ hôn nào được đặt lên phần da thịt đang còn đỏ hỏn kia.
Trong số những y bác sĩ tham gia vào cuộc phẫu thuật ấy, nhiều người đã từng làm cha, làm mẹ. Hơn ai hết, họ thấu cảm được khoảnh khắc chào đón một sinh linh ra đời, thật thiêng liêng biết bao. Nhưng, bé con của mẹ ra đời trong hoàn cảnh đặc biệt quá, khi nước mình đang “căng mình” chống dịch.
Cuộc vượt cạn này có sự xót xa khôn tả, mẹ và con chia lìa khi vừa chạm nhau trong ánh mắt. Phòng phẫu thuật giờ đây chỉ có tiếng máy móc chạy, tiếng khóc ré của em bé vừa chào đời, một vài người trong số họ đã thì thầm: “Chúc bé con một đời bình an”.
Đó là ca vượt cạn của một sản phụ mắc Covid-19 tại bệnh viện Đa Khoa tỉnh Bắc Giang. Hơn 40 ngày đêm, các bác sĩ, nhân viên y tế ở đây đã có cuộc chiến đầy cam go với dịch COVID-19, giành giật sự sống cho những bệnh nhân bước vào giai đoạn diễn biến nặng. Họ chiến đấu bất chấp cái nắng như thiêu đốt thịt da, vết hằn sâu đau buốt hai mang tai do khẩu trang, đôi bàn tay móp xọp vì mồ hôi.
Trong lời thề Hippocrates có đoạn: “Tôi sẽ luôn nhớ rằng mình không phải điều trị một cơn sốt, hay sự phát triển của khối u, mà là đang điều trị một người đang mắc bệnh, tình trạng bệnh có thể ảnh hưởng đến gia đình người đó và sự ổn định của nền kinh tế”.
Tôi vẫn tin những con người đang trên “mặt trận” tuyến đầu chống COVID họ không chỉ đang điều trị cho cơn sốt hay đợt khó thở, họ điều trị cho một con người có quê hương, có tình cảm, có gia đình, có nghĩ suy. Chính vì lí do đó, những y bác sĩ, nhân viên y tế đang ngày đêm chống dịch mới đủ sức mạnh và sự kiên cường để ngày đêm cố gắng.
Hơn 30 ngày kể từ khi ca mắc Covid-19 tại Hà Nam xuất hiện, làn sóng dịch bệnh lần thứ 4 đã lan rộng ra nhiều địa phương, tỉnh thành: Hà Nội, TP.HCM, Hà Nam, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Ninh… Trong đó, Bắc Giang trở thành điểm nóng, đang từng ngày oằn mình chống chọi với dịch bệnh. Từng ngày từng giờ, người dân cả nước cùng hướng về Bắc Giang với mong muốn sớt chia bớt những gian nan.
Nối máy với tuyến đầu lúc này là một điều rất khó khăn. Khi trò chuyện với “tuyến đầu”, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng tiếng người đi như chạy, tiếng còi xe cứu thương, tiếng gọi nhau làm nhiệm vụ… Nó khiến chúng tôi có thể mường tượng được bên kia đầu dây là những cơ thể đang mệt rã rời. Nắng nóng kiệt sức quá thì nhờ đồng đội xịt nước lên lưng để vơi dần cơn đau rát đang phồng rộp thịt da. Chiếc khẩu trang 3M siết chặt da thịt đến mức ai cũng có một vết hằn trên gương mặt. Và 12 giờ làm việc trong ngày chỉ là một con số tượng trưng.
Chị Thu Trang là một nhân viên hiện đang công tác tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang. Hơn 40 ngày qua, chị và 2 đứa con nhỏ ở nhà chỉ vẫy tay chào nhau qua màn hình điện thoại, dù nhà chỉ cách nơi chị làm việc vỏn vẹn 1 km. “Các con đều rất ngoan và hiểu chuyện. Thông thường tôi chỉ đi công tác hoặc du lịch một vài ngày, nhưng đây là lần đầu tiên đi lâu đến vậy. Chúng tôi vẫn được chế độ làm việc 21 ngày và được về thăm gia đình 7 ngày nhưng đa số vẫn chọn ở lại trong bệnh viện. Ai cũng bảo nhau rằng hết dịch thì sẽ về”.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang hiện tại là nơi tiếp nhận những ca bệnh nặng. Một “mặt trận” khốc liệt để cứu lấy bệnh nhân trước lằn ranh sinh tử.
Có sản phụ mang thai 28 tuần mắc COVID-19, bệnh nền Lupus ban đỏ.
Có những cụ già phải thở máy do diễn biến nặng. Những lúc bị lẫn, cụ chỉ luôn miệng hỏi về người nhà.
Có những bé con ngơ ngác vừa mới chào đời đã phải tách biệt với mẹ.
Có những người trẻ biến chứng nặng chỉ sau một ngày phát bệnh.
…
Trong cuộc chiến này, họ là những người thấu cảm hết những niềm đau và nước mắt, nhất là khi chứng kiến bệnh nhân của mình nhắm mắt, xuôi tay vì COVID-19.
“Chúng tôi cảm nhận được sự kinh khủng của COVID-19 khi nhìn thấy bệnh nhân của mình qua đời. Họ nhắm mắt trong sự cô đơn, không có bất kì người thân nào bên cạnh. Có những bệnh nhân thở máy tiên lượng nặng, họ cũng không thể nói gì với chúng tôi trong những giây phút cuối cùng”.
Trái tim của mọi người như quặn thắt. Những hình ảnh ấy đã trở thành kí ức không bao giờ quên của Bắc Giang.
Là nhân viên y tá, hằng ngày chị Trang cùng những đồng đội của mình vẫn ra vào chăm sóc toàn diện cho các bệnh nhân. Quá trình ấy có những khoảnh khắc khiến trái tim chị như dịu lại. Chị kể, mình từng chăm sóc cặp vợ chồng già hơn 60 tuổi mắc COVID-19. Người chồng tiên lượng nặng phải thở máy, người vợ nhẹ hơn. Nhìn hai vợ chồng cùng mắc bệnh, già yếu và chăm nhau chính chị cũng thấy xót xa.
Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, có những trái tim luôn tràn đầy nhuệ khí. Họ “chiến đấu” vì đồng bào, bởi những trái tim luôn hướng về Tổ quốc.
Con sinh được 3 tháng rồi nhưng anh Phạm Huy Vũ (sinh năm 1995, ngụ xã Tống Trân, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) chỉ được nghe tiếng con bi bô, được nhìn ngắm gương mặt đáng yêu của con qua màn hình điện thoại.
Anh hiện đang công tác tại Tiểu đoàn CSCĐ số 3, Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc, chỉ được nhìn và đã đi thực hiện nhiệm vụ suốt 6 tháng qua, chưa được về thăm nhà.
Từ tháng 1/ 2021, anh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tháng 2, tình hình dịch bệnh ở địa bàn tỉnh Hải Dương có diễn biến thì anh lại tiếp tục đi thực hiện hỗ trợ tại Hải Dương. Đợt Tết nguyên đán vừa rồi, tình hình dịch bệnh căng thẳng nên anh em trong đơn vị vẫn luôn túc trực để sẵn sàng đi hỗ trợ.
Anh chia sẻ: “Tại Hải Dương, tôi hỗ trợ công an, tăng cường lực lượng tại các điểm phong tỏa các khu công nghiệp. Các anh em cùng nhau túc trực tại những địa điểm công nhân cách ly để đảm bảo an ninh, phòng chống dịch bệnh”.
Sau đó, anh tiếp tục cách ly theo quy định. Đúng 1/3 năm nay, vợ anh sinh con nhưng cũng không về được vì công việc và dịch bệnh. Anh và vợ mới kết hôn năm ngoái, em bé là con đầu lòng của hai vợ chồng nhưng anh cũng không về gặp con được. “Trong suốt thời gian ấy, tôi cũng thường xuyên gọi điện về gia đình chỉ biết động viên hai mẹ con ở nhà vì công việc của mình phải hoàn thành nhiệm vụ”.
6 tháng qua, nhiều khi đi làm nắng nóng vợ ở nhà cũng gọi điện thoại cho anh, phần vì thương, phần vì nhớ. Thỉnh thoảng, người vợ ấy bật khóc. Những lúc như vậy anh chỉ biết động viên: “Khi nào hết dịch anh lại về”.
Có “hậu phương” vững chắc, nên lúc nào anh lúc nào cũng an tâm thực hiện nhiệm vụ. Anh chia sẻ: “Giờ tôi chỉ mong bà con nhân dân chấp hành tốt các biện pháp phòng dịch, để dịch bệnh không còn lây lan nữa. Bao giờ tình hình dịch bệnh khả quan hơn, thì tôi sẽ tiến hành cách ly theo quy định rồi lúc đó xin phép thủ trưởng cho về thăm nhà”.
Quả thực, trong các mặt trận, để có những “chiến binh” mạnh mẽ ở đội ngũ tiền tuyến thì luôn cần một hậu phương vững chắc. Xa gia đình, xa người thân, ở lại các khu cách ly, tâm dịch, là hoàn cảnh chung của đội ngũ y tế ở tuyến đầu.
Trong cuộc chiến khốc liệt này, có những nỗi âu lo, những giọt nước mắt, những hoang mang, khó khăn chồng chất… Nhưng đi qua những ngày này, chúng ta có quyền được mỉm cười vì lòng tử tế mà mọi người đã dành cho nhau, về sự đoàn kết của cả hậu phương và tiền tuyến. Chúng ta, rồi sẽ chiến thắng được dịch bệnh!