Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

Chuyện bà lão nhặt ve chai khóc giữa trời mưa và sự cưu mang của bác lơ xe nghèo Sài Gòn: 'Có hôm làm được 250 ngàn, tui cho hết'

18 năm còm cõi với số tiền ít ỏi từ nghề lơ xe buýt, nhưng hễ thấy ai nghèo, dì Ba lại dang tay cưu mang. Đôi khi mất cả ngày công, dì vẫn cứ cười trừ: Kệ! Mình còn con cháu, như thế đã sướng hơn bao người…

“Có hôm tui làm được 250 ngàn, tui cho người ta hết…”

Chủ nhật, trên chuyến xe buýt số 14 (BX miền Tây - BX miền Đông), chàng trai bước lên nhưng quên mang theo thẻ sinh viên. Rất may, bác lơ xe đã nhanh lấy tiền bù cho tấm vé của anh. Lát sau lại thêm bà lão nhặt ve chai nhờ quá giang. Ngồi trên xe, bà bật khóc kể về hoàn cảnh bệnh tật vẫn đi nhặt ve chai nuôi cả nhà, vậy mà vì trời mưa, thằng con trai liền bỏ mặc. Bác lơ xe xúc động gửi 1 triệu đồng giúp đỡ.

Đến trạm dừng thì mưa tầm tã, bác lơ xe lẳng lặng tay khuân đồ, tay dìu bà cụ đi. Quay trở lại chuyến xe, bác ngồi buồn bã bên khung cửa sổ nghĩ ngợi. Hình ảnh đó được chàng sinh viên Huỳnh Nguyễn chia sẻ trên mạng xã hội.

Bức ảnh và câu chuyện khiến nhiều người xúc động.

Tôi tìm đến gặp bác lơ xe già ấy tại căn nhà cấp 4 (Phan Chu Trinh, Q. Bình Thạnh, TP.HCM). Vì chịu trận mưa đêm qua mà bác bị cảm lạnh, đành phải ở nhà nghỉ ngơi. Nhớ lại sự việc, bác rơm rớm nước mắt: “Hôm qua trời mưa lớn, bà cụ đã đau chân lại còn nghe thêm giọng thằng con gắt gỏng nên khóc. Tui thương quá, đã cho tiền nhưng mãi bà không nhận…”

Theo đó, bác lơ xe tên là Nguyễn Thị Rớt (68 tuổi), thường gọi thân mật là dì Ba. 18 năm theo nghề lơ xe, đó cũng là ngần ấy năm dì Ba giúp đỡ cho vô vàn hoàn cảnh khó khăn. Dì kể: Bà cụ trên hằng ngày nhặt ve chai quanh bến xe miền Tây. Chẳng biết tên tuổi, nhà cửa nhưng thường nhờ dì quá giang về.

“Bả đã già mà vẫn phải làm để nuôi con. Hôm đó, trở trời chân đau nhức, tui có đưa 1 triệu bảo đi khám thì bà từ chối. Mọi hôm, bà năn nỉ lắm thì thằng con cũng ra chở về. Vậy mà hôm đó trời mưa lớn, bà gọi thì nó bảo đang ngủ, không ra được. Chân đau nặng lại phải đi xe buýt, lát vô nhà tốn thêm tiền xe ôm, xem như mất cả ngày công nên bả mới khóc.

Tui nghe được, tức lắm! Bảo bả phải gọi nó ra bằng được nhưng cuối cùng bà ấy chỉ lẵng lặng đi bộ về. Đi hổng nổi nên tui đành dìu xuống. Lúc đó buồn mới ngồi nhìn bâng quơ thì cậu sinh viên chụp lại được”.

Câu chuyện cảm động về tình người của dì Ba và bà cụ ve chai khiến ai nấy đều cảm động. Bởi trong cái cùng cực, lo toan mưu sinh ở tuổi gần đất xa trời, thế mà người dưng nước lã như dì Ba vẫn sẵn sàng cưu mang phận người nghèo như thế.

Sống trong nghèo khó nhưng dì Ba luôn biết san sẻ cái hạnh phúc cuộc đời với mọi người.

Năm 2001, vợ chồng dì Ba gom góp mua chiếc xe buýt với ước mong đổi đời. Thời đó, xe buýt giá rẻ trở thành phương tiện công cộng rất được ưa chuộng. Nhưng chẳng bao lâu, chưa hoàn lại vốn thì gia đình dì đã đổ nợ vì ế ẩm, trợ giá chẳng thấm vào đâu

“Nghèo cũng nghèo rồi. Vậy chớ tui vẫn cảm thấy may mắn khi còn con cháu nên đi xe thấy ai khổ là giúp ngay. Có ngày làm được 250 ngàn, tui cho người ta hết, lỡ bể bánh xe giữa đường cũng hổng biết lấy gì mà thay” - dì cười.

Cứ thế, đến nay, cả gia đình 2 thế hệ nhà dì Ba đều bám víu vào chuyến xe 14 để sống qua ngày. Trong tuần, 2 con dâu sẽ thay phiên nhau đi phụ xe, đến cuối tuần, để các con có thời gian ở bên gia đình nên dì Ba làm giúp.

“Dù mẹ hổng đi nhưng luôn dặn tụi anh ra đường, gặp ai khó khăn thì đều làm phước. Sinh viên thì mình miễn phí, người nghèo cho quá giang… Miễn có cái tâm là vẫn cứ phát thôi” - anh Phong (47 tuổi, con trai dì Ba) chia sẻ.

Nghèo cũng nghèo rồi. Vậy chớ tui vẫn cảm thấy may mắn khi còn con cháu nên đi xe thấy ai khổ là giúp ngay.

Buồn vui nghề xe buýt

18 năm cùng chồng con trên những chặng đường Sài Gòn, dì Ba quan niệm: Ở trong nhà chỉ biết tới mình. Ra đường, mỗi ngày gặp trăm người, mới nhận ra: Cái khổ của mình so với người ta còn là hạnh phúc chán!

Đó là lí do dù công việc cực nhọc, bắt đầu lúc 2 rưỡi sáng, trở về nhà sau 9h tối,… nhưng chuyến xe của dì Ba chưa bao giờ có một lời gắt gỏng, than phiền.

Anh Phong kể: Có lần 2 mẹ con kia đi từ bệnh viện Nhi Đồng ra xe, vừa lên đã khóc. Hỏi ra thì biết ở quê đưa con lên mổ tim, mượn hàng xóm được có bao nhiêu tiền đâu mà tới nơi đã bị móc túi. Thế là mẹ con anh cùng hành khách cả xe gom góp chút ít cho họ. Tuy chẳng bao nhiêu nhưng cũng đủ vui trong lòng.

Cả hai thế hệ cùng đồng hành trên chuyến xe 14, dì và 3 người con đã giúp không ít người nghèo.

Nhiều trường hợp móc túi hoành hành trên xe như thế khiến dì Ba buồn. Ngay cả bản thân dì cũng từng 2 lần bị lấy hết tiền.

“Hôm hai mấy Tết, có cậu sinh viên lên xe tui để ra bến xe miền Tây về quê. Đi được một đoạn thì phát hiện ra mất tiền, cậu khóc quá chừng. Tui liền năn nỉ ai lấy thì trả cho người ta, chứ họ mất ăn Tết. Thề mà đám móc túi vẫn ráng cự cãi. Con trai tui tức quá liền đóng cửa, phóng luôn tới trung tâm cảnh sát cơ động, bắt ngay 2 người đàn bà. Tụi nó ôm thù nên sau đó lấy đá chọi bể kính xe miết…” - dì kể.

Gặp bao nhiêu chuyện vui buồn trong nghề như thế, nhưng dì Ba vẫn chưa bao giờ nghĩ đến ngày “về hưu”. Ở tuổi đã yếu, dì vẫn ngày ngày bền bỉ trên con xe 14 Sài Gòn, dang tay cưu mang bao mảnh đời bằng đồng lương eo hẹp của mình.

Để cái tâm của dì dù có nghèo đấy, khổ đấy, nhưng cho đi thì vẫn mãi không thôi…

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Huy Hậu

Được quan tâm

Tin mới nhất