Ngày 19/3, ông Vũ Văn Thanh (Vụ trưởng Vụ khách sạn, Tổng cục Du lịch) cho biết, hiện trên cả nước đã có 120 cơ sở lưu trú từ 2-5 sao đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch theo hình thức có trả phí.
Các cơ sở lưu trú tham gia có 2 dạng: Dạng thứ nhất là nhân viên cơ sở lưu trú phục vụ khách cách ly theo hình thức có trả phí. Dạng thứ hai là cho mượn cơ sở lưu trú để làm địa điểm cách ly tập trung. Hiện nay danh sách này vẫn đang được tiếp tục cập nhập tại các địa phương. Trong đó, các tỉnh thành: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… là các địa phương có nhiều đơn vị đăng ký tham gia nhất.
Theo ông Vũ Văn Thanh, dù gặp khủng hoảng, khó khăn vì không có doanh thu song các cơ sở lưu trú chỉ thu với mức phí tối thiểu, không ít đơn vị còn tự nguyện hỗ trợ không thu phí. Đây là những hành động rất đáng trân quý trong bối cảnh cả nước chung tay phòng chống dịch COVID-19.
Cùng chung tay vì cộng đồng, mới đây bà Phạm Thị Hằng, Giám đốc chuỗi khách sạn Hanoi Emerald Waters Hotel tại Hà Nội cũng đã đăng ký dành 3 khách sạn của mình làm nơi cách ly phòng dịch.
Bà Hằng trước đó cũng khiến cộng đồng mạng xôn xao khi buộc lòng phải thông báo cho nhân viên nghỉ việc tạm thời, và hỗ trợ mỗi người nghỉ việc số tiền 1,5 triệu đồng/tháng. Trong đoạn clip được đăng tải lên mạng, bà Hằng buồn bã thông báo về việc sẽ cho nhân viên “về quê” 4 tháng vì công ty không thể cầm cự nổi giữa mùa dịch. Sự việc đáng tiếc tại khách sạn này chính là một minh chứng rõ nét cho ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19.
Chia sẻ với chúng tôi, bà Hằng cho biết, trong cuộc đời 22 năm làm kinh doanh khách sạn chưa bao giờ nghĩ sẽ đóng cửa khách sạn của mình. Tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh nên không chỉ khách sạn của bà mà hàng loạt chuỗi khách sạn trên khắp cả nước bị ảnh hưởng.
“Các cơ sở đầu tư cửa khách sạn của tôi đều lắp cửa kính nên rất sợ trộm. Tôi đã không ngủ ngon suốt nhiều ngày qua khi khách sạn đóng cửa. Hiện Chính phủ đang thiếu trầm trọng những nơi để cách ly đặc biệt là Việt Kiều từ nước ngoài về nước tránh dịch. Họ có tiêu chuẩn rất cao, họ sẵn sàng chi trả cho cơ sở cách ly với điều kiện tốt nhất có thể vì thế tôi chấp nhận hiến cho chính quyền 3 khách sạn của mình là nơi tạo điều kiện cho những kiều bào về Việt Nam thực hiện cách ly”, bà Hằng chia sẻ.
Bà Hằng cho biết, 3 khách sạn bà đăng ký làm nơi cách ly phòng dịch COVID-19 là 23 Lò Sũ, 38 Lò Sũ và 35 Hàng Quạt. Ba khách sạn này có 100 phòng và có thể phục vụ nhu cầu cho 250 người.
“Khi cách ly sẽ được quân đội, bác sĩ phục vụ chứ nhân viên khách sạn không đủ chuyên môn thực hiện công việc này nên tôi rất yên tâm khi không có trộm phá cửa nữa. Theo cách vận động của chính quyền thì sẽ có quỹ để trả điện nước vận hành khách sạn chứ không phải đặt mục đích kinh doanh mà đặt mục đích tự nguyện”, bà chủ chuỗi khách sạn chia sẻ.
Khách sạn này sẽ sử dụng cho những người xét nghiệm lần 1 âm tính với COVID-19. Theo đó, người nghi nhiễm COVID-19 sẽ cách ly tại khách sạn đủ 14 ngày để làm xét nghiệm lần 2,3,4. Khi nào chính quyền yêu cầu mở đón khách cách ly thì bà Hằng sẽ thực hiện.
“Không chỉ chuỗi khách sạn của tôi mà tôi cũng được biết tại Hà Nội đã có gần 100 khách sạn đăng ký làm nơi cách ly tập trung phòng dịch. Nếu 100 khách sạn đăng ký thì có thể đáp ưng ở tối thiếu 2000, tối đa 3000 người. Đây là việc làm xuất phát từ tâm, vì cộng đồng chúng ta hành động, không ai có tư tưởng chuộc lợi trong công việc này”, bà Hằng nói thêm.