Trước khả năng áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão, chiều 9/10, Ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai đã họp trực tuyến với các tỉnh chịu ảnh hưởng, bàn phương án ứng phó.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương Hoàng Đức Cường thông tin, từ sáng 9/10, khi di chuyển vào quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới chậm lại và có dấu hiện mạnh lên. Lúc 13h ngày 9/10, áp thấp mạnh lên gần cấp 7, giật cấp 9 và cách bờ biển Quảng Bình hơn 350 km.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, sau đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Ông Cường cho hay, Nhật Bản và Mỹ đều dự báo trong thời gian ngắn, áp thấp sẽ mạnh lên thành bão cấp 8, khu vực ảnh hưởng trực tiếp từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình. Nhưng, trung tâm dự báo của Hongkong (Trung Quốc) lại cho rằng áp thấp chỉ ở cấp 7 khi vào bờ.
Cơ quan khí tượng của Việt Nam dự báo, áp thấp có khả năng mạnh lên thành bão, tuy nhiên khả năng này không cao. “Về quỹ đạo, bão sẽ di chuyển hướng vùng biển Hà Tĩnh - Quảng Bình, nhiều khả năng khi vào bờ áp thấp sẽ ở cấp 7″, ông Cường nói.
Dự kiến áp thấp vào đất liền trong khoảng thời gian từ một đến 7 giờ sáng 10/10; thời điểm áp thấp đổ bộ trùng với triều cường, gây khó khăn thêm cho việc ứng phó.
Cũng theo lãnh đạo Trung tâm dự báo khí tượng, do ảnh hưởng áp thấp, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi sẽ có mưa to, riêng 4 tỉnh Nghệ An đến Quảng Bình lượng mưa lớn hơn từ 200-400 mm. Khu vực phía Nam Tây Bắc và Bắc Tây Nguyên cũng có mưa vừa.
Đại tá Trần Dương Kiên (Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng) thông báo, tính đến 7h ngày 9/10, các lực lượng đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho trên 70.000 tàu biết vị trí, diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp để chủ động di chuyển hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm.
Theo báo cáo của địa phương, đến thời điểm này còn 4 tàu với 24 lao động chưa liên hệ được (trong đó có một tàu thuộc tỉnh Thanh Hoá; ba tàu thuộc Quảng Ngãi). Đại tá Kiên cũng đề nghị các tỉnh ảnh hưởng trực tiếp cấm biển để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Là một trong những tỉnh áp thấp có thể đổ bộ, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cho biết, địa bàn tỉnh trong mấy ngày qua có mưa lớn, huyện Hương Sơn đạt 230 mm, các địa phương khác trên 100 mm. Các hồ chứa lớn cơ bản đạt từ 60-70% dung tích hồ. Tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động cho xả một số hồ lớn, trong đó có hồ thủy điện Hố Hô.
“Chúng tôi thống nhất cấm biển vào 5h chiều nay”, lãnh đạo Hà Tĩnh nói.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng ban chỉ đạo trung ương phòng chống thiên tai Hoàng Văn Thắng yêu cầu các địa phương bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển về nơi neo đậu hoặc tránh trú an toàn; kiên quyết ngăn chặn, không để các phương tiện ra khơi trong thời gian có áp thấp…
Ông Thắng cũng yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp tổ chức sơ tán dân ra khỏi vùng trũng, thấp, ven sông suối, khu vực ngoài bãi sông và khu vực có nguy cơ ngập lụt, sạt lở trước khi bão đổ bộ.
Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh, thành quyết định việc cho học sinh nghỉ học để hạn chế việc đi lại trong mưa, lũ.