Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

After 9PM số 27: Làm gì khi con bạn là một đứa trẻ 'bướng bỉnh'?

Mỗi đứa trẻ là một cá thể với thiên tính khác biệt sẵn có từ lúc chào đời. Có 5 nhóm tính cách trẻ phổ biến mà cha mẹ nào cũng cần nắm rõ: Hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, hoạt động và nhạy cảm

Thật ra chẳng có đứa trẻ nào vừa sinh ra đã bướng bỉnh cả. Sự “bướng bỉnh” mà ta đang dán nhãn cho con chỉ là kết quả của một chuỗi những lựa chọn sai lầm trong việc giao tiếp với con suốt thời gian dài.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể với thiên tính khác biệt sẵn có từ lúc chào đời. Có 5 nhóm tính cách trẻ phổ biến mà cha mẹ nào cũng cần nắm rõ: Hướng ngoại, tận tâm, dễ chịu, hoạt động và nhạy cảm. 

Việc cha mẹ hiểu và chấp nhận những khuynh hướng tự nhiên của trẻ là rất quan trọng trong việc tạo cho trẻ lòng tự tin, sư kết nối sâu sắc cũng như tiền đề trong việc đồng hành và giáo dưỡng trẻ về sau. Giống như tôi có đôi bàn chân to, tôi phải mua giày cỡ to đúng size. Và việc mang giày to hơn đâu khiến tôi thua sút kẻ khác trong bất kì hoạt động nào. Đây là một ví dụ nhỏ để thấy rằng dẫu con bạn thuộc nhóm tính cách nào chỉ cần nhận được sự thấu hiểu và giáo dục đúng cách của cha mẹ thì trẻ có thể đạt thành công với thiên hướng tự nhiên của mình. Sau đây là bí quyết giao tiếp hiệu quả giữa cha mẹ và con cái, giúp con hết “bướng bỉnh” mà phụ huynh không nên bỏ qua. 

Lắng nghe con

Đừng vội áp những hình ảnh và chuẩn mực mà cha mẹ kỳ vọng lên trẻ. Hãy kiên nhẫn tìm hiểu và lắng nghe từng nhịp điệu cảm xúc bên trong con. Liệu trẻ đang mệt mỏi, lo sợ hay áp lực về điều gì? Bạn không thể đòi hỏi ở trẻ thứ mà trẻ không có. Bạn không thể bắt trẻ quảng giao khi thiên hướng của con là hướng nội. Lắng nghe trong sự chấp nhận và thấu hiểu là gạch đầu dòng quan trọng thiết lập sự gắn kết tâm thức mật thiết giữa cha mẹ và con cái. 

Con trai tôi vốn là một đứa trẻ nhạy cảm và hướng nội. Ngày trước con luôn có xu hướng rụt rè và ngại ngùng khi giao tiếp với người lạ. Không ít lần tôi nghe những lời bình phẩm vô tư của người lớn ngay trước mặt con trai nhỏ của mình: “Sao A nhút nhát quá”, “Con phải giống anh B chị C như thế mới tốt”. Những lúc như thế tôi lập tức phản ứng bằng việc ôm con vào lòng, thái độ nhã nhặn nhưng đanh thép. Tôi vừa nói cho con nhưng cũng vừa đáp lời cho sự vô ý của người đối diện: “Đâu ai bắt con cá phải giỏi trèo cây, hay con khỉ phải bơi dưới nước”.

Người khác có thể vô ý nhưng là mẹ tôi tuyệt đối không cho phép ai sử dụng sự vô ý đó làm thui chột lòng tự tin đang trong giai đoạn hình thành của con mình. Dù con còn bé nhưng tôi luôn ý thức giữ thể diện cho con. Và chắc chắn cũng đủ tỉnh táo để không ru ngủ con trong tình yêu mù quáng. Bất kỳ lúc nào có cơ hội, tôi luôn trò chuyện để tháo gỡ những nút thắt cảm xúc của con trong việc e ngại giao tiếp với người lạ. 

Hằng đêm, tôi kể những câu chuyện tưởng tượng trong đó con là nhân vật chính với những bối cảnh và con người thân thuộc. Thông qua đó tôi xây dựng những tình huống cụ thể khiến con phải suy nghĩ tìm cách ứng phó. Cho con làm đi làm lại những tình huống giả lập là phương pháp rất hiệu quả giúp con củng cố lòng tin và mạnh dạn giao tiếp khi gặp tình huống tương tự ngoài đời thật. 

Không nạt nộ, mắng nhiếc con khi con sai

Không chỉ trẻ con mà ngay cả với người lớn chẳng ai vui vẻ khi nghe những lời chê bai chỉ trích. Tâm lý phản kháng lập tức nảy sinh trước những lời công kích mang tính tiêu cực ngay cả khi bản thân biết mình sai. Người lớn trẻ nhỏ gì cũng đều có cùng một tâm lý đó. Nên khi trẻ làm gì chưa đúng, cha mẹ hãy cố gắng giữ thái độ điềm tĩnh, trao đổi nhẹ nhàng với trẻ. Tuyệt đối không mạt sát con bằng từ ngữ thô tục hay trừng phạt con cho thỏa sự tức giận của bản thân. Hành động đó chẳng những vô ích mà còn nối dài sự kháng cự và tổn thương trong tiềm thức trẻ. 

Tôi nhớ mãi câu chuyện hồi con 7 tuổi. Đợt ấy con đã nài nỉ nhiều lần việc con muốn mua một bộ card Pokemon. Tôi đã hứa với con nhưng vì công việc bận rộn, tôi cứ quên rồi hẹn con lần lữa hết ngày này sang ngày khác. Cho đến một hôm tôi nhận được mail của cô chủ nhiệm về việc cô vô tình thấy con đang lục lọi cặp bạn để tìm những chiếc card Pokemon. Giây phút đó cảm giác hối hận tràn ngập trong tôi. Tôi tự trách bản thân không đủ tinh tế để biết rằng con mình đã ao ước có những chiếc card đó nhiều đến chừng nào. Ngay lúc đó tôi tự nói với mình phải bình tĩnh, suy nghĩ sáng suốt và xem đây là cơ hội giáo dục con trong việc đối diện với lòng tham, tính ích kỉ ẩn tàng bên trong mỗi con người.

Tôi nhớ đợt đó trùng với dịp giáng sinh nên tôi đã giả làm ông già Noel để viết thư cho con và bày tỏ việc “ông” đã tiếc thế nào khi biết một đứa trẻ ngoan như con lại phạm sai lầm như thế. “Ông” khuyên con hãy đối diện với sai lầm này bằng cách thưa thật với mẹ. Tôi quan sát thấy con đọc bức thư rất chăm chú, suy nghĩ có vẻ lung lắm. Lát sau con gõ cửa bước vào phòng vừa ôm mẹ vừa nói. “Mẹ ơi con xin lỗi mẹ vì hôm trước con lục cặp bạn khi chưa được sự cho phép” - Con thỏ thẻ. Tôi ôm con vào lòng và nhẹ nhàng nói: “Sai lầm trong đời không ai là không có, hơn thua nhau ở chỗ có đủ dũng khí để đối diện và bắt đầu lại không. Con làm tốt lắm! Con yêu của mẹ”. Sau lần đó tới tận bây giờ con chưa bao giờ lập lại sai lầm đó thêm bất kỳ lần nào nữa.

Động viên, khen ngợi con

Sử dụng lời động viên, khen ngợi đúng cách chính là cách bạn tạo được nơi kẻ khác sự quý mến tức thì. Bí quyết này thành công trong mọi sự giao tiếp ở đời, và đương nhiên với trẻ cũng không ngoại lệ. Hãy tập khen ngợi con chân thành và hào hứng nhất có thể. Đừng so sánh con với bất kì ai, hãy nói cho trẻ biết mỗi ngày về sự đặc biệt của con và cả những tiềm năng con có thể đạt thành trong tương lai. Đừng ngần ngại gieo trong tâm khảm con những hạt giống của lòng tin và bạn hãy luôn đảm bảo rằng sẽ luôn là người làm vườn tận tâm giúp hạt giống đó được phát triển đến mức hoàn toàn.

Ngôn từ là thứ vũ khí có thể làm sống dậy hoặc tê liệt một tâm hồn. Hãy trang bị sức mạnh đó cho bản thân và cho cả chính con trong bước đường chinh phục cuộc đời của cá nhân con sau này. Cách bạn dùng ngôn từ tích cực để cổ vũ động viên và ghi nhận bất kỳ sự nỗ lực nào từ con sẽ lưu giữ mãi trong tiềm thức của trẻ. Nó như một lời hiệu triệu hay tổng động viên, hoặc như ánh sáng của ngọn hải đăng để trẻ nhìn, soi rọi và tiến tới trong hành trình sống của bản thân.

After 9PM số 27: Làm gì khi con bạn là một đứa trẻ 'bướng bỉnh'? Ảnh 1

Con trai thứ của tôi là một đứa trẻ chậm nói. Lên hai cháu mới bắt đầu bập bẹ những chữ đầu tiên. Tôi nghĩ việc đó là nguyên nhân chính dẫn đến tật nói ngọng của bé. Nhiều lần trong cuộc nói chuyện mọi người cười ồ lên khi bé nói. Có thể họ hoàn toàn không ác ý chỉ là thấy bé đáng yêu nên trêu đùa. Nhưng là một người mẹ tôi hiểu một sự trêu đùa vô ý của người lớn có thể gây ảnh hưởng nhiều thế nào trong việc con nhìn nhận và mặc định những giới hạn của chính mình. 

Tối hôm đó vào giờ ngủ tôi ôm con vào lòng và kể cho con nghe về hành trình từ cậu bé chậm nói, chậm phát triển đến nhà khoa học vĩ đại của nhân loại Einstein. Cậu bé chăm chú lắng nghe và thể hiện sự thích thú đáng kinh ngạc trong việc Einstein cũng từng bị chậm nói giống mình. Tôi nói với con: “Xuất phát điểm của mọi người vốn không giống nhau, nhưng chỉ cần chúng ta biết cách mài giũa những hạn chế, làm giàu thêm những ưu thế có sẵn chắc chắn sẽ đạt được thành công. Con yên tâm mẹ luôn đồng hành cùng con trong hành trình đó”.Con nghe mẹ nói thế cuộn tròn và mỉm cười đầy tin cậy trong vòng tay mẹ.

Làm bạn cùng con 

Trong thế giới người lớn, những nhóm người có cùng sở thích, đam mê dễ kết bạn với nhau hơn so với số còn lại. Vậy muốn làm bạn với trẻ bạn cũng phải biết những gì trẻ thích hoặc ít ra hiểu và có khả năng thích nghi tốt với sở thích của con mình. Nói với con điều bạn muốn thông qua những thứ con quan tâm hiệu quả hơn rất nhiều so với những tràng lý thuyết suông hoặc những lời chì chiết nặng nhẹ. Giáo dục khác với trừng phạt, hãy luôn ghi nhớ điều đó trong suốt quá trình đồng hành và nuôi dạy trẻ.

Thế giới trẻ con cũng chứa đựng những ham muốn, lòng ích kỷ, tỵ hiềm dưới dạng thức thô sơ và bản năng nhất. Đó cũng là những cảm xúc hết sức đương nhiên trong mỗi con người, việc của bạn là đồng hành và giúp con nhận diện những cảm xúc đó thông qua những mối quan hệ hay tình huống con gặp phải trong cuộc sống hàng ngày. Biết chơi cũng không kém phần quan trọng so với biết học.

Hãy là người hướng đạo để con bạn biết cách học thông qua việc chơi đùa. Trang bị cho chính mình tâm hồn trẻ thơ để xâm nhập vào thế giới của con, để biết thể loại nhạc bé thích, nắm bắt điều gì đang là xu hướng trong trường, trong lớp bé, hẹn bé đi xem phim cafe riêng để vui chơi và trò chuyện. Tâm sự với bé về những mối quan hệ trường lớp: “Con quý bạn nào?”, “Bạn nào đối xử tốt nhất với con trong lớp?”.

 Sự đồng hành trong mọi mặt đời sống với con sẽ tạo nên sợi dây kết nối vô cùng mật thiết giữa cha mẹ và con cái. Còn có sức mạnh nào to lớn hơn khi biết rõ bản thân luôn được lắng nghe, đồng hành và chấp nhận vô điều kiện. Điều đó chính là đôi cánh bạn thắp cho con mình trong hành trình vạn dặm con sải cánh về sau. 

After 9PM là chương trình Podcast về những câu chuyện thú vị, lắng đọng, những góc khuất trong tình yêu hôn nhân gia đình hay trong mối quan hệ giữa người và người... Bạn có thể bắt gặp đâu đó chính mình thông qua những tình huống có thật mà nhân vật gửi về cho chương trình. 

Hoặc quý độc giả cũng có thể chia sẻ những câu chuyện của chính mình bằng cách gửi về địa chỉ email: after9pm@cattiensa.com. 

Hi vọng chương trình sẽ là nơi chúng ta có thể ngồi lại cùng nhau, lắng nghe và chia sẻ để niềm vui nhân đôi và nỗi buồn chia nửa.

Xem thêm: After 9PM số 26: Dạy con ái ngữ

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết HTT

Được quan tâm

Tin mới nhất
HLV Kim Sang Sik chưa an tâm
NewJeans cảm ơn Min Hee Jin