Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

9X khởi nghiệp từ tay trắng: 'Quá nhiều sinh viên chạy Uber, Grab để kiếm sống là việc đúng quy luật'

Nguyễn Minh Ngọc (Vương Phi ghi) Theo dõi Saostar trên google news

Theo CEO Nguyễn Minh Ngọc - người nổi tiếng với việc vứt bỏ bằng cấp, khởi nghiệp với đôi bàn tay trắng từ những công việc người ta nghĩ sẽ khó thành công như làm diễn giả, tư vấn thiết bị của Apple - sinh viên ĐH dễ thất nghiệp và đang phải chuyển dịch sang làm việc cho Grab, Uber là điều dễ hiểu.

Gần đây, những con số thống kê về tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục khiến nhiều người quan tâm. Trong cuộc đối thoại với các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 với chủ đề: “Tuổi trẻ với khởi nghiệp, việc làm” mới đây, Bộ lao động Thương binh Xã hội cho biết: cả nước hiện có khoảng 24 triệu thanh niên (chiếm khoảng 44% lực lượng lao động), tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này lại cao gấp 3 lần mức chung của cả nước, chiếm 6,69%.

Tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam.

Trước đó những số liệu về việc 80% tài xế Grab, Uber là sinh viên thất nghiệp, 60% người ra trường đang làm trái ngành trái nghề và có tới 183.000 cử nhân thất nghiệp khiến người ta một lần nữa phải suy nghĩ lại chất lượng đào tạo, định hướng việc làm cho thanh niên hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi xin đăng tải quan điểm của CEO Nguyễn Minh Ngọc:

Nguyễn Minh Ngọc (SN 1990) hiện đang là: Founder & CEO Gemslight; Hiệu trưởng, Doanh nhân; Diễn giả; Tác Giả; Nhà đào tạo

+ Sáng lập thương hiệu Gemslight™.

+ Sáng lập Học viện Kiến Thức Nền - Khởi nghiệp thông minh.

+ Chuyên gia đào tạo nghệ thuật Thuyết Phục và Bán hàng toàn quốc; cố vấn và triển khai hệ thống thiết bị di động, MacOS của Apple vào doanh nghiệp VN.

+ Tác giả bài viết từng gây bão MXH: “Đứng dậy đi 178.000 cử nhân thạc sĩ thất nghiệp”; tác giả cuốn sách IPro - chuyển giao công nghệ di động tiên phong tại Việt Nam và cuốn Bí mật tài chính người giàu - Tập 1: Chặng đường khởi nghiệp.

+ Giảng viên hợp tác cùng tổ hợp giáo dục TOPICA, Trung tâm kỹ năng Edulike và là cán bộ giảng dạy của Viện Năng suất Việt Nam.

“Kiến thức không sai, chỉ là chúng ta đã chọn sai con đường cần đi”

Có nhiều người hỏi tôi quan điểm cá nhân về câu chuyện gia tăng thất nghiệp, làm trái ngành, trái nghề và sự chuyển dịch lượng lớn các bạn trẻ sang làm “xe ôm công nghệ” cho Uber, Grab với con số 80% là sinh viên thất nghiệp… vấn đề không quá mới nhưng vẫn luôn khiến người ta đau đầu.

Theo tôi, bài toán này nếu muốn làm rõ, cần đả thông từng góc cạnh của vấn đề. Vấn đề đầu tiên cần quan tâm là tại sao học đại học lại dễ thất nghiệp và thất nghiệp nhiều hơn so với các nhóm khác? Với tôi, điều này rất dễ hiểu!

Chúng ta cần nhận định rõ vai trò của Đại học trong nền kinh tế. Thực tế, đây là nơi đào tạo ra nguồn lao động có tính chất thiên hướng nghiên cứu, tính toán và xử lý các công việc ở quy mô lớn. Vai trò của Cao đẳng là đào tạo ra nguồn lao động trình độ cao phục vụ công việc cơ bản và phổ thông có liên quan đến công nghệ. Cuối cùng là các chương trình học nghề đào tạo ra nguồn lao động có tính chất thiên hướng là những người thợ lành nghề.

Nước ta đang trong giai đoạn đầu phát triển, nền kinh tế thô sơ vừa và nhỏ nên nhu cầu cao nhất hiện nay là lượng người lao động lành nghề, giỏi sản xuất và triển khai các sản phẩm. Tiếp theo đó là trình độ cỡ Cao đẳng thông thạo tin học văn phòng, kỹ năng xử lý giấy tờ và sử dụng công cụ phần mềm, cuối cùng mới là nhu cầu cần đến các nhà nghiên cứu.

Đơn cử một sinh viên đại học có thể tính được phương trình chuyển động của 1 electoron quay quanh hạt nhân hoặc quay quanh trục của chính nó, điều này rất quan trọng ở những ngành nghiên cứu và vật lý hạt nhân nguyên từ nhưng ở nền kinh tế thô sơ vừa và nhỏ thì một người học nghề có thể sửa một chiếc tivi, điện thoại, điều hòa, tủ lạnh… lại cần thiết hơn rất nhiều.

Chiếu theo nhu cầu đó của thị trường thì hiện nay, Việt Nam đang cần nhiều người tốt nghiệp các trường nghề, Cao đẳng hơn là ĐH. Nhưng thực tế, hiện cả nước có 412 trường ĐH, Cao đẳng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường ĐH, Cao đẳng với khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Đó là con số đi ngược lại với nhu cầu của thị trường lao động.

Phân bổ lao động của nước ta hiện nay. Ảnh: Zing.vn.

Nhiều trường hợp, vì sĩ diện gia đình nên phụ huynh và cá nhân học sinh đã có những định hướng hướng nghiệp không rõ ràng, đẩy nhu cầu học đại học lên quá cao mà không biết rằng, xã hội không cần đến những tấm bằng cử nhân. Tư duy định hình sai lầm khi đánh giá học nghề thấp hơn cao đẳng và cao đẳng thấp hơn đại học cũng là nguyên nhân khiến học sinh xác định sai con đường cần đi.

Đã đến lúc, chúng ta nên tư duy học đại học giống học bay, học cao đẳng giống học leo cây và học nghề giống như học bơi. Một con chim biết bay không nên so sánh nó giỏi hơn một con cá biết bơi hay một con khỉ biết leo cây. Điều ấy cũng giống như việc mỗi kiến thức đều quan trọng và có vai trò trong từng lĩnh vực riêng. Vứt anh chàng sinh viên đi sửa tủ lạnh là “tịt” nhưng nếu yêu cầu cậu bạn học nghề tính toán về hạt nhân nguyên tử thì thật là đánh đố.

Vậy nên mỗi kiến thức chỉ phát huy sức mạnh trong đúng lĩnh vực của nó. Kiến thức không sai mà nếu có sai thì đó là do chúng ta đã chọn sai.

“Việc dịch chuyển nguồn lao động sang Uber, Grab là đúng quy luật”

Từ vấn đề dư thừa lao động đào tạo ĐH hoặc sau ĐH, việc xảy ra tình trạng làm trái ngành, trái nghề là một hệ quả tất yếu.

Doanh nghiệp cần kỹ năng cơ bản của Cao đẳng, học nghề rất nhiều nhưng lại không có trong khi đội ngũ tư duy nghiên cứu hàn lâm đại học lại dư thừa quá nhiều. Nếu doanh nghiệp mang những người dư thừa đó về đào tạo lại các kỹ năng cơ bản của cao đẳng, học nghề thì e là họ cũng chẳng có đủ sức, đủ thời gian để làm với mục đích cố vớt vát những cử nhân, ThS khỏi tình cảnh thất nghiệp… Và dù có được đào tạo như thế, các bạn học ĐH cũng chưa chắc đã “đủ tầm” để làm việc vì những thứ các bạn có, doanh nghiệp lại không cần.

Nhiều người chọn sai con đường cần đi, ồ ạt vào ĐH và kết quả ra trường là thất nghiệp. Từ đó, xã hội dịch chuyển nguồn lao động sang Uber, Grab cũng hoàn toàn đúng theo quy luật cung cầu của thị trường. Gần như chúng ta khó có thể cấm đoán mà đơn giản đó là công việc họ làm được và tạo được nguồn thu nhập khiến họ hài lòng. Chỉ đến khi họ không hài lòng nữa và có sự lựa chọn tốt hơn, họ sẽ tự khắc dịch chuyển sang nghề mới.

Thay vì “ném đá” các bạn trẻ, chúng ta cần hiểu rõ quy luật này. Một số người quan điểm, chạy Grab hay ngồi văn phòng, cuối cùng cũng đều là người đi làm thuê để kiếm tiền mưu sinh. Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng, một công việc giống như chạy xe ôm cho 2 hãng vận tải giá rẻ, được tự do về thời gian, thu nhập ổn, giải quyết được những mưu sinh cuộc sống thì theo quan điểm thông thường, chẳng có vấn đề gì đáng phải lên án.

Theo anh Ngọc, trong bối cảnh như hiện nay, việc ngày càng có nhiều người chuyển sang chạy Uber, Grab là điều dễ hiểu.

Nhưng nhiều người lại cho rằng nếu chỉ “nhăm nhăm” đi làm thuê cho Grab, Uber thì xã hội Việt Nam sẽ bị thụt lùi, lạc hậu… Tôi nghĩ rằng, mỗi một bạn trẻ đang làm “xe ôm công nghệ” đều có những dự tính trong đầu rằng trước sau gì cũng sẽ phải chuyển sang một nghề khác, một sự nghiệp khác… chỉ là ý thức thực hiện của các bạn như nào mà thôi chứ tôi không cho rằng, họ sẽ an phận làm nghề đó cho đến hết cuộc đời.

“Nếu không làm gì dài hạn thì mưu sinh chỉ là vô nghĩa”

Chạy Grab, Uber không xấu nhưng tôi luôn muốn nhắn nhủ với các bạn rằng: “nếu không làm gì dài hạn thì mưu sinh là vô nghĩa”. Mong rằng các bạn thanh niên có thể nắm vững được tư duy này ở giai đoạn tuổi trẻ, hằng ngày mưu sinh nhưng phải dành thời gian cho một sự nghiệp dài hạn chứ không nên đắm chìm trong sự mưu sinh đó, sống và làm việc chỉ vì tiền và cứ như thế, lặp lại một guồng quay vô tận.

Tôi chỉ muốn nhấn mạnh một điều là học đại học, cao đẳng, học nghề là học để trở thành nguồn lao động, học để làm được việc ở một vị trí trong một doanh nghiệp. Ngay cả những cái tên mĩ miều như quản trị doanh nghiệp cũng là một đầu việc trong doanh nghiệp, đó là đầu việc quản trị. Nói một cách khó nghe hơn thì bản chất cũng đều là người đi làm thuê.

Muốn khởi nghiệp và làm chủ, các bạn cần trang bị nhiều kiến thức và kỹ năng khác nữa. Nguyên cái bằng đại học mới nhô lên khỏi mặt đất một chút thôi. Muốn ngẩng cao đầu, đi hiên ngang, các bạn vẫn còn phải học thêm nhiều điều nữa.

Khởi nghiệp giống như đẻ ra một con voi, trong đó bạn là voi mẹ, còn bối cảnh xã hội là voi bố. Kinh doanh là nuôi lớn con voi đó lên còn làm thuê, chỉ là các đầu việc chi tiết cho ăn, kì cọ, vệ sinh chân, tai, đuôi, và có cả việc hót phân cho voi nữa.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Nguyễn Minh Ngọc (Vương Phi ghi)

Được quan tâm

Tin mới nhất