“Ở đâu dân sống được, tôi cũng sống được”
Nhìn gương mặt trẻ măng, hiền lành, phúc hậu núp sau cặp kính cận dày cộp, ít ai có thể hình dung được, chàng bác sĩ 9X có dáng vẻ thư sinh ấy lại mang trong mình một nhiệt huyết mãnh liệt của tuổi trẻ và tình yêu thương sâu sắc với đồng bào vùng cao Mường Nhé như thế.
Nguyễn Văn Hiếu sinh năm 1990 tại xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh (Hà Nội). Với sức học khá tốt, năm 2008 Hiếu thi đỗ vào ĐH Y Hà Nội. Suốt những năm tháng sinh viên, chàng trai trẻ Hà thành luôn sôi nổi tham gia các hoạt động tình nguyện ở những địa bàn khó khăn trên đất nước. Chính những ngày tháng ấy đã hình thành trong suy nghĩ của Hiếu quan niệm sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và những người nghèo khó.
Năm thứ 5 ĐH, Hiếu đã tìm hiểu và biết đến “Dự án thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn (dự án 585)”. Ngay sau khi tốt nghiệp ĐH, không do dự, chàng trai trẻ đã lập tức nộp hồ sơ đăng ký tham gia dự án này.
Trong đơn tình nguyện, Hiếu viết: “Tôi tình nguyện đi đến bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Nơi nào dân sống được thì tôi cũng có thể sống được…”. Những tâm huyết của chàng trai trẻ đã thuyết phục được những người phụ trách dự án. Tháng 11.2014, Hiếu chính thức trở thành một trong những học viên đầu tiên của chương trình tình nguyện và bắt đầu tham gia khóa học bác sĩ chuyên khoa 1 ngành nhi khoa của dự án.
Tuy nhiên, đến năm thứ 2 của khóa học, Hiếu phát hiện bị bệnh viêm cột sống dính khớp thể hỗn hợp, căn bệnh khiến anh mất khả năng lao động, việc tự chăm sóc bản thân cũng gặp phải nhiều khó khăn và đau đớn. Không khuất phục bệnh tật, không muốn bỏ lỡ những giấc mơ đang còn dang dở, Hiếu đã nỗ lực vừa hoàn thành khóa học vừa điều trị tại khoa cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai.
Tháng 8.2017, sau khi hoàn thành khóa học, bệnh tình cũng ổn định hơn, bác sĩ Hiếu bắt đầu lên đường đến huyện biên giới cực Tây của Tổ quốc và công tác tại Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé (Điện Biên).
Đã hình dung trước những khó khăn, nhưng khi đến nơi công tác bác sĩ Hiếu mới thực sự thấm thía. Mường Nhé là một huyện nghèo nhất, nhì của tỉnh Điện Biên, cách Hà Nội 700km. Không những thế, đồng bào ở đây lại đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa với 10 cộng đồng dân tộc sinh sống (trong đó, người Mông chiếm tỷ lệ 65%). Để gần gũi, chăm sóc bệnh nhân, ngoài việc làm tốt chuyên môn, bác sĩ Hiếu còn tranh thủ mọi thời gian để học tiếng của đồng bào dân tộc.
Hiếu kể: “Có lần vợ chồng bệnh nhân người Mông đi khám bệnh, họ không nói được tiếng Kinh, tôi hỏi tại sao không chịu học tiếng Kinh, họ nói với tôi bác sĩ khám bệnh cho người Mông phải học tiếng Mông chứ. Chính câu nói đó đã khiến mình phải suy nghĩ và quyết tâm học. Hiện vốn tiếng dân tộc của tôi cũng đã khá tốt. Nói được tiếng của đồng bào, gần gũi và chia sẻ được với bệnh nhân nhiều hơn cũng việc điều trị bệnh thuận lợi”.
“Từ mẫu” 9X ở Mường Nhé
Một ngày làm việc của bác sĩ Hiếu ở Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé thường khá căng thẳng bởi đặc thù vùng công tác và điều kiện thiếu thốn cả về nhân lực lẫn trang thiết bị y tế.
Bác sĩ Hiếu cho biết, các ca trực thường kéo dài 24 tiếng khác với ca 8 tiếng như ở dưới xuôi vì không có người thay thế. Cũng chính vì thiếu bác sĩ nên dù chuyên ngành nội - nhi nhưng khi về Trung tâm Y tế Mường Nhé, Hiếu vẫn được bố trí làm với vai trò là bác sĩ đa khoa.
Chia sẻ về những khó khăn trong công việc, bác sĩ Hiếu cho biết, khó khăn lớn nhất là nhận thức của nhiều người dân ở vùng cao về phòng bệnh vẫn còn chưa cao.
Có nhiều người không chịu đi tiêm phòng, dù cán bộ y tế, thôn bản đến tận nhà tuyên truyền vận động họ vẫn không cho người thân đi vì sợ có hại. Chính điều đó đã dẫn đến những ca bệnh như trẻ em bị uốn ván do mẹ không tiêm phòng khi mang thai. Những ca này, đa số phải điều trị ở những nơi có điều kiện máy thở và trang thiết bị tốt. Uốn ván ở vùng sâu vùng xa, điều kiện khó khăn thì gần như tỉ lệ điều trị sống chỉ khoảng 1%.
Bác sĩ Hiếu nhớ nhất 15 ngày cùng đồng nghiệp giành giật sự sống cho một bệnh nhi bị uốn ván. Trước đó, lo ngại nếu chuyển bệnh nhân đi sẽ gặp tiên lượng xấu vì quãng đường đi dài, khó khăn và rung lắc nhiều. Bác sĩ Hiếu đã quyết tâm cùng đồng nghiệp giữ bệnh nhi lại điều trị tại cơ sở với những gì mình có. Sau 2 tuần chăm sóc, điều trị suốt 24/24, đến ngày thứ 14 em bé đã không phải truyền an thần nữa và đã tự bú mẹ được. Đó cũng là lúc Hiếu và các đồng nghiệp thở phào vui sướng.
Hiếu cho biết, niềm hạnh phúc lớn nhất của anh là được nhìn thấy bệnh nhân dần bình phục. Sau khi được điều trị, chính họ là những người sẽ tuyên truyền cho đồng bào mình và những người thân về việc phải phòng bệnh như thế nào.
Công việc bận rộn, áp lực, nhưng động lực để bác sĩ trẻ vượt qua tất cả và kiên định trên con đường tình nguyện cống hiến cho xã hội chính là sự chia sẻ của người vợ đang ở cách anh 700km. Được biết, vợ Hiếu là một cô giáo tiểu học tại Hà Nội, cô bị u tuyến giáp phải phẫu thuật cắt tuyến giáp và dùng hormon thay thế cả đời do suy giáp sau phẫu thuật. Hai con của bác sĩ Hiếu cũng mới được gần 2 tuổi và một bé hơn 4 tháng.
Tuy vậy, vợ chồng bác sĩ trẻ vẫn luôn động viên nhau vượt qua khó khăn bởi xa cách để hoàn thành tốt công việc. Không những thế, người vợ trẻ cũng tham gia cùng chồng vào các công tác thiện nguyện. Đợt rét giáp Tết Âm lịch vừa qua, hai vợ chồng anh đã kêu gọi quyên góp 25 bao quần áo dành tặng học sinh nghèo ở huyện Mường Nhé.
Tình yêu với nghề, nhiệt huyết cống hiến của bác sĩ 9X nơi vùng cao đã “truyền lửa” cho nhiều bạn trẻ, đó cũng là lý do Hiếu được T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lựa chọn là 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2017.