Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

9X bỏ giấc mơ đại học, tham gia các hoạt động vì cộng đồng

Từ bỏ cơ hội trở thành sinh viên đại học, Ngô Tùng Chi dành gần hai năm tham gia các hoạt động cộng đồng và xây dựng lớp kỹ năng mềm dành cho học sinh tiểu học.

Tốt nghiệp THPT chuyên Lê Quý Đôn Đà Nẵng, Ngô Tùng Chi (sinh năm 1996) thi đỗ Khoa Quốc tế học, Đại học Sư phạm TP HCM.

Nhưng cô lại gác lại cơ hội trở thành sinh viên để tham gia các hoạt động cộng đồng. Cô thừa nhận đó là “lựa chọn không giống ai”.

“Lựa chọn không giống ai”

“Bố mẹ, bạn bè phản đối nhưng mình vẫn giữ nguyên quan điểm này và chọn con đường đi khác với mọi người. Điều quan trọng nhất là trên con đường ấy mình được làm điều mình thích, khám phá năng lực bản thân”, Chi tâm sự.

Khoảng thời gian gần hai năm làm công tác xã hội, Chi càng thấy yêu thích và mong muốn gắn bó với việc dạy học cho trẻ em.

Một giờ học kỹ năng mềm tại lớp Bright Generation.

Một giờ học kỹ năng mềm tại lớp Bright Generation.

“Đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt ngây thơ của đám học trò, háo hức đón lấy từng lời giảng của “cô giáo”, mình vừa vui vừa thương các em. Học trò ở các vùng quên nghèo chưa có điều kiện học tập tốt như ở thành phố”.

Tuy nhiên, lớp học tình nguyện chỉ có thể ở lại địa phương vài tuần, sau đó lại rời đi. Chi muốn xây dựng lớp học của riêng mình để đem kiến thức đến cho trẻ em một cách lâu dài hoàn toàn miễn phí.

Với mong muốn học thêm nhiều kiến thức hữu ích cho việc xây dựng và quản lý lớp học của mình, Chi đăng ký học chuyên ngành Quản lý doanh nghiệp - Marketing và Bán hàng tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic.

Lớp học kỹ năng mềm miễn phí

Chi chọn dạy kỹ năng ứng xử và kỹ năng sinh tồn bởi qua những chuyến tình nguyện, cô nhận thấy đây là điều trẻ em lứa tuổi tiểu học còn thiếu. Thời gian đầu, nhóm gồm Chi và 4 thành viên khác kiêm nhiệm làm nội dung bài giảng, chiêu sinh, hậu cần, tài chính… 

Ngô Tùng Chi, sinh viên trường FPT Polytechnic (thứ 8 từ trái sang) và các thành viên trong trong nhóm.

Ngô Tùng Chi, sinh viên trường FPT Polytechnic (thứ 8 từ trái sang) và các thành viên trong trong nhóm.

Sức ép từ việc không có nguồn thu, địa điểm phải đi mượn khiến một vài thành viên cảm thấy nản lòng. Cả nhóm tự động viên nhau và cần cả tới “sự may mắn”, như Chi chia sẻ, để vượt qua khó khăn.

Về kỷ niệm đứng lớp, Chi chia sẻ: “Vừa học, vừa làm, lúc nào cũng thấy thiếu thời gian nên mình thường tranh thủ ăn tạm ổ bánh mì vào giờ nghỉ giữa 2 ca học.

Một buổi, mình đang ăn thì có bé học sinh ra ngồi cạnh, xin cho con ăn với. Cuối cùng, cậu nhóc hồn nhiên ăn hết ổ bánh mì còn mình thì ôm bụng đói giảng bài cả tối”.

Cô bạn bộc bạch mình học được nhiều từ môi trường giáo dục, đặc biệt là cách khuyến khích mỗi cá nhân phát triển: “Trong mắt các thầy cô giáo, mỗi sinh viên đều có sở trường, tiềm năng riêng để phát huy. Khi tiếp xúc với học sinh, mình cũng nhìn nhận các em dựa trên suy nghĩ tích cực như thế.

Nhiều bé bị đánh giá là “hư” nhưng qua trò chuyện chúng mình hiểu một phần nguyên nhân do gia đình, xã hội chưa quan tâm và lắng nghe các em. Với những trường hợp như vậy, nhóm thường dành nhiều thời gian chia sẻ, khích lệ các em dần tiến bộ.”

Các học sinh cùng làm bài tập nhóm kỹ năng xử lý khi gặp hỏa hoạn.

Các học sinh cùng làm bài tập nhóm kỹ năng xử lý khi gặp hỏa hoạn.

Phần lớn phụ huynh và học sinh biết tới lớp của Chi qua những câu chuyện truyền miệng về nhóm sinh viên dạy kỹ năng mềm miễn phí. Từ 30 em ở khóa đầu, số lượng học sinh đăng ký đã tăng vọt vào khóa thứ hai.

Niềm vui của Chi và các thành viên trong nhóm là sau mỗi khóa học, các em đều lễ phép, tự tin và biết cách ứng xử đúng đắn trước nhiều tình huống trong cuộc sống.

Lớp học đi vào hoạt động ổn định nhưng Chi và các thành viên trong nhóm còn trăn trở: “Tổ chức theo mô hình phi lợi nhuận, chúng mình chỉ thu tiền tài liệu để có chi phí duy trì lớp học.

Hiện lớp chỉ nhận 50 em để đảm bảo chất lượng giảng dạy. Thực sự, nhóm rất cần có sự hỗ trợ từ các tổ chức hảo tâm để có thể dành cho các em điều kiện dạy và học tốt hơn.”.

“Dù còn nhiều khó khăn nhưng chắc chắn chúng mình sẽ duy trì và phát triển lớp học trong tương lai”, Chi khẳng định. 

“Cô giáo” dạy kỹ năng mềm và 3 bài học khởi nghiệp:

1. “Gap year” - sau khi tốt nghiệp THPT, hãy dành thời gian đi đây đi đó trải nghiệm cuộc sống bên ngoài. Nó rất hữu ích và có thể giúp bạn nảy ra một vài ý tưởng khởi nghiệp nào đó.

2. Bạn hãy chọn những người sẵn sàng làm không công, nhiệt huyết, cam kết gắn bó để đồng hành cùng mình.

3. Làm gì cũng cần đam mê và khởi nghiệp nhất định phải có đam mê.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất
Lời cảnh báo của Duy Mạnh