Tại Việt Nam, một khảo sát cho thấy nếu dựa trên phân loại theo thu nhập khoảng 50% dân số thuộc tầng lớp trung lưu, với mức thu nhập từ 5000 USD - 35.000 USD/năm. Tuy nhiên, khi chia theo nhận thức, có đến 96% người Việt Nam cho rằng mình thuộc tầng lớp trung lưu.
“Tỷ lệ chêch lệch này khá cao so với khu vực như Singapore là 45% và 85%, Malaysia 46% và 79%, Indonesia là 56% và 72%… nhưng nó phản ánh lối sống mong muốn của một nhóm người. Họ xem chi tiêu là một khoản đầu tư trả trước mà lợi ích không quan trọng bằng cảm giác đem lại khi mua sắm nó”, ông Goro Hokari - giám đốc Viện nghiên cứu về Đời sống và con người khu vực Đông Nam Á Hakuhodo (HILL ASEAN) - phân tích.
Tầng lớp trung lưu hiện được xác định bằng thu nhập thực tế hàng tháng của hộ gia đình, tuy nhiên, theo ông Goro nghiên cứu mới nhất cho thấy có một phân khúc lớn những người xác định mình thuộc tầng lớp trung lưu bất kể thu nhập thực tế của họ.
Tầng lớp người tiêu dùng trung lưu đang tăng nhanh ở 5 nước ASEAN gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam.
Cho đến năm 2020 con số này sẽ đạt 290 triệu người và được xem là động lực chính của thị trường tiêu dùng, ông Goro Hokari cho biết tại buổi công bố khảo sát về tầng lớp trung lưu ở thị trường này ngày 14/3 ở TP.HCM.