Những giây phút làm việc thần tốc và kỷ niệm khó quên
Đà Nẵng đang trải qua những ngày cao điểm của dịch COVID-19, giãn cách xã hội vẫn tiếp diễn, nhiều khu dân cư thuộc diện phong tỏa, cả bộ phận Ẩm thực của anh Trần Quyết Thắng ở Công viên Châu Á gồm 45 người nhưng thời điểm đó chỉ huy động được 6-7 người thường xuyên có mặt để phục vụ 3 bữa ăn/ngày cho nhân sự thi công bệnh viện dã chiến.
Mỗi người một hành trang chống dịch COVID-19, giọt mồ hôi nào cũng đáng quý, anh Thắng không phải là bác sĩ, đợi anh phía trước không phải là những ca bệnh nặng, mạng sống như ngọn đèn dầu trước gió mà là những nồi, niêu, xoong, chảo và nguyên liệu làm bếp bộn bề.
Ngày nào ít cũng lên tới 300-400 suất ăn, cao điểm như ngày thứ 2 lên tới gần 600 suất ăn, trong đó có những bữa cả nhóm phải làm tới 400 suất. So về nhân lực và khối lượng công việc, mỗi người đều phải căng sức gấp 3-4 lần bình thường, quần quật suốt từ sáng sớm đến tối khuya.
Clip: 4 ngày thần tốc xây dựng Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn
Anh Thắng kể, anh ấn tượng nhất với thái độ làm việc lạc quan và sự sẻ chia của đồng nghiệp: “Đó là ngày thứ 4 thi công Bệnh viện, cũng là bữa trưa cuối cùng chúng tôi nấu phục vụ anh em. Xong xuôi gần 200 suất ăn chuyển đến công trường, chúng tôi lại tất bận dọn dẹp vệ sinh bếp để đóng cửa một thời gian.
Phần cơm trưa còn chưa kịp ăn thì nhận điện thoại báo phát sinh thêm vài chục suất ăn. Không một lời than phiền, dù chỉ là một cái nhăn mày, chúng tôi lại cặm cụi chuẩn bị nguyên liệu nấu nướng từ đầu. Sợ các anh em công trường bị đói, mọi người bảo nhau nhường hết phần cơm của mình cho anh em ăn tạm trước. Sau 30 phút thần tốc, những suất ăn đầy đặn đã được bổ sung kịp thời. Còn chúng tôi úp tạm bát mì ăn vội để còn kịp dọn dẹp”.
Niềm hạnh phúc của Thắng vẫn luôn giản dị như thế, trước đây là thấy thực khách của Công viên Châu Á thưởng thức bữa ăn ngon miệng, còn giờ là nhìn các anh em công nhân quần áo vẫn còn thấm đẫm mồ hôi chờ từng phần cơm của mình đưa đến, trân trọng ăn hết suất rồi lại vội vàng vào việc.
Nam đầu bếp tâm sự: “Tôi thấy thật hãnh diện. Nỗi vất vả của chúng tôi tuy không là gì so với các anh em đang trực tiếp thi công ở công trường, hay so với những bác sỹ, chiến sỹ quân đội nơi tiền tuyến chống dịch, nhưng chúng tôi đang nỗ lực làm hết sức những gì mình có thể, tuy rất nhỏ bé thôi”.
Dáng hình nhỏ nhắn, chị Nguyễn Thu Trang (Trợ lý Tổng Giám đốc Sun World Holdings) không ngần ngại tham gia chung sức lực trong việc dọn dẹp bệnh viện dã chiến.
Trang vẫn nói đùa rằng: “Cái tên đã nói rõ 'ngành nghề'. Chúng tôi với đủ loại chổi, khăn, giẻ lau, xô chậu… chiến đấu với bụi bẩn từ tầng 4 xuống tầng 1 của Cung Tiên Sơn”.
Trong vỏn vẹn một buổi sáng, những người phụ nữ bé nhỏ đã kê xếp, dọn dẹp lại khu vực vốn là nhà kho bị quên lãng trở thành chỗ nghỉ ngơi sạch sẽ tinh tươm của các bác sĩ, sau những trận chiến vật lộn với dịch bệnh đầy mệt mỏi.
Rồi lại quần quật lau chùi tỉ mỉ 5.000 chiếc ghế trên khán đài. Sau 2 lớp khẩu trang là mồ hôi ướt đẫm. Ăn trưa xong, các chị em vội ngả lưng ngay trên sàn nhà vừa được lau sạch, tranh thủ chợp mắt để phục sức cho buổi chiều tất bật.
Trang chia sẻ: “Qua ô cửa kính đang lau, tôi thấy những đồng nghiệp từ Ban Quản lý dự án, anh em xây dựng đang hối hả lắp ghép các khu vực giường bệnh. Một cảm xúc kỳ lạ dâng lên, tôi có một niềm tin chắc chắn rằng với muôn sức người cộng lại, cùng tình yêu và ý chí, Đà Nẵng chắc chắn sẽ chiến thắng trong cuộc chiến này”.
Lá chắn Tiên Sơn - tiếng phở phào của ngành y tế Đà Nẵng
Anh Phạm Cường (Bộ phận Kỹ thuật bảo trì xây dựng, Công ty Cổ phần Cáp treo Bà Nà) phụ trách giám sát kỹ thuật thi công lắp ráp Bệnh viện dã chiến nhớ lại, đó là những ngày Đà Nẵng có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng rất cao, mỗi lần mở ứng dụng, BlueZone đều báo số người mình tiếp xúc gần lên đến 200.
"Có một sự lo lắng không hề nhẹ nhưng khi nhận được nhiệm vụ là chúng tôi lên đường. Trong ngày đầu tiên trước khi thực hiện thi công lắp ráp bệnh viện dã chiến, chúng tôi phải tham gia tổng vệ sinh toàn bộ cung thể thao Tiên Sơn. Khi đó, tôi phải trèo lên mái của cung thể thao làm bằng kính với độ dốc lớn, địa thế cheo leo, chỉ nhìn xuống là thấy ngợp, để dọn dẹp và khảo sát.
Thế nhưng khi bắt tay vào làm, sự tập trung khiến nỗi sợ cũng bay biến. Do dịch Covid, nhà thầu không thể đáp ứng nhanh chóng nhu cầu vật tư nên quá trình lắp ráp thường xuyên bị gián đoạn. Chưa kể, trong lúc thi công, thiết kế cơ sở ở một số khu vực phải thay đổi khiến anh em chúng tôi phải tháo ra lắp ráp lại từ đầu”, anh Cường nói.
Áp lực thời gian, tiến độ hoàn thành bệnh viện luôn rất căng thẳng, đặc biệt với kỹ sư Đoàn Khắc Trung – người đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Ban Chiến dịch thi công BV dã chiến. Theo cam kết của Sun Group với thành phố Đà Nẵng, Bệnh viện dã chiến sẽ được thi công xong trong vòng tối đa 6 ngày nhưng khi nhận nhiệm vụ, anh Trung và những người đồng đội đã lập tức đặt cho mình một mục tiêu khác: cần phải sớm hơn thế, chỉ 4 ngày.
Anh cho biết: “Thời điểm ấy, trong tay tôi khi đó có vỏn vẹn... 30 người. Lúc ấy thực sự chúng tôi cam kết bằng lý trí, chứ cũng không hiểu làm sao có thể hoàn thành tiến độ trong vòng 4 ngày khi vẫn còn quá nhiều khó khăn chưa thể giải đáp.
Đà Nẵng thì đang thực hiện giãn cách xã hội, dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc huy động một lúc hàng trăm công nhân để thi công bệnh viện trong thời gian gấp gáp như vậy là ngoài sức tưởng tượng của tôi. Chưa kể, việc mua sắm một khối lượng trang thiết bị khổng lồ trong vòng 2-3 ngày dường như là điều không tưởng, bởi lẽ phải gom ở các tỉnh thành trên cả nước, vận chuyển về Đà Nẵng trong bối cảnh dịch bệnh, nghĩ đã thấy là quá khó khăn”.
Nhưng đó cũng là lúc, anh và đồng đội hiểu rằng không có thời gian để nghĩ nhiều nữa, chỉ có cách là vào việc ngay thì mới kịp. Có lẽ khi mọi người nhìn vào, chỉ thấy mọi thứ khá đơn sơ là những chiếc giường, tấm vách, quạt, đèn, nhưng thực tế còn rất nhiều yếu tố khác phức tạp để xây dựng BV dã chiến.
Điển hình như hệ thống vệ sinh, đây vốn là Cung thể thao phục vụ cho khán giả đến xem thi đấu nên nhu cầu vệ sinh khá đơn giản, không có tắm giặt. Nhưng khi biến thành BV dã chiến, sẽ phát sinh việc cần trang bị các thiết bị phục vụ nhu cầu tắm giặt cho y bác sĩ, bệnh nhân tại đây nên đội thi công phải chế thêm nhiều vòi sen để phục vụ nhu cầu thực tế phát sinh.
Trước đây, nước ở đây chỉ là nước sinh hoạt thông thường, có thể thông qua hệ thống xử lý sơ bộ nhất như bể tự hoại để xả vào hệ thống thoát nước của thành phố. Nhưng bây giờ BV dã chiến sẽ có khu truyền nhiễm, nên toàn bộ hệ thống xử lý nước thải phải sửa lại hết để đảm bảo không được phép xả vào hệ thống cống chung của thành phố, làm lây nhiễm cho cộng đồng. Vì vậy, đội thi công phải chạy một hệ thống thu gom, thoát nước riêng cho BV dã chiến.
Sau khi thống nhất phương án với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Y tế và Công ty thoát nước, các anh đã phải xử lý để gom hết tất cả các điểm xả tại các trục chính của tòa nhà để xử lý, sát khuẩn và bơm đi. Hệ thống thu gom nước thải dưới tầng hầm của Bệnh viện dã chiến được trang bị đầy đủ hiện đại với các bước sục ozone, chlorine nén xử lý nước và dùng hệ thống đèn UV sát khuẩn không khí đầu ra của các bồn chứa.
Ngoài ra, hệ thống thông gió của Bệnh viện dã chiến cũng phải làm lại theo yêu cầu của các chuyên gia y tế. Phía đơn vị đầu tư đã phải đầu tư một bộ hệ thống lọc gió rất hiện đại để trang bị riêng cho Bệnh viện dã chiến, đảm bảo gió được lọc sạch sẽ, trước khi được hút và xả ra môi trường, đảm bảo không lây lan virus ra ngoài cộng đồng.
Hệ thống xử lý rác thải của phòng xét nghiệm cũng phải được trang bị riêng để thu gom, xử lý bằng chlorine nén, tia UV để sát khuẩn, rất phức tạp chứ không chỉ đơn giản như những thứ nhìn thấy trên hình.
Sau 84 giờ thần tốc, một bệnh viện dã chiến đúng chuẩn của Bộ Xây dựng và Bộ Y tế đã hoàn thành. Với nhiệm vụ cứu chữa bệnh nhân COVID-19, trước mắt, bệnh viện dã chiến đã được lắp đặt 284 giường bệnh tại sàn thi đấu tầng 1.
Các khu vực hành lang tầng 2, 3 của Cung thể thao Tiên Sơn được bố trí các giường bệnh dành cho bệnh nhân nhẹ, hoặc có kết quả điều trị âm tính lần 1... Dự kiến trong vài ngày tới, khi bệnh viện tiếp nhận những bệnh nhân đầu tiên, đây sẽ là dấu mốc mới cho cuộc chiến chống dịch giai đoạn 2 của Đà Nẵng, là tiếng thở phào rất nhẹ trong vô vàn những lo toan chống dịch.
Ở nơi bếp núc hậu cần lúc nào cũng ngộp trong cái nóng, mùi thức ăn hay giữa công trường không nắng và gió theo đúng nghĩa đen, khi Cung Tiên Sơn không được sử dụng điều hòa, hệ thống thông gió thì chưa được lặp đặt, những giọt mồ hôi đã không ngừng đổ xuống. Trong những nỗ lực chung của toàn xã hội vì mục tiêu đẩy lùi COVID-19, giọt mồ hôi nào cũng đáng quý như nhau.