Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

8 thói xấu của người Việt khi du lịch

Ra nước ngoài, chỗ nào ồn ào nhất là có khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt Nam.

Dưới đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc một công ty du lịch trong buổi tọa đàm nâng cao hình ảnh du khách Việt, do Hiệp hội Du lịch tổ chức tại Hà Nội ngày 31/3.

Điểm mặt chỉ tên thói xấu người Việt 
Theo số liệu thống kê, năm 2015, khoảng 45 triệu người Việt du lịch trong nước và hơn 6 triệu người ra nước ngoài. Nhiều người lần đầu đi chơi xa, thiếu sự tư vấn và hướng dẫn nên vẫn hồn nhiên mang theo những thói quen tự nhiên như ở nhà. Những thói tật này chưa thật sự phổ biến nhưng không còn là cá biệt, đang mỗi ngày làm xấu hình ảnh người Việt, đặc biệt khi ra nước ngoài. Nhiều người còn gọi đích danh là “Làm nhục quốc thể”. Sau đây là 8 thói tật xấu của người Việt khi ra nước ngoài.

1. Trang phục: Hình ảnh người Việt mặc đồ ngủ, đồ bộ khi ra khỏi nhà khá phổ biến, thậm chí xuống hồ bơi, ra bãi biển, đi chợ, đi dạo… Có người ở trần ra phố, coi cả thế giới như nhà mình. Trang phục quá tiết kiệm vải hoặc quá diêm dúa làm người Việt chung đoàn còn khó chịu, huống nữa là nước ngoài.

2. Ngôn ngữ: Đầu tiên là việc nói chuyện, nghe điện thoại ồn ào và chửi thề. Từ khu vực lễ tân khách sạn, nhà hàng đến chỗ tham quan; nơi nào cũng oang oang “ngoại ngữ địa phương” như chỗ không người. Các bạn còn rất trẻ thường xuyên chửi thề, có khi đang học cấp 1, dễ làm người nghe ngộ nhận đó là văn hóa giao tiếp hiện đại. Ra nước ngoài, chỗ nào ồn ào nhất đích thị là có khách Trung Quốc, Nga hoặc Việt Nam. Khách các nước dãn ra vì không gian yên tĩnh riêng tư bị chiếm đoạt.

khachdulichviet

Nhiều du khách nữ đến từ Việt Nam bị từ chối nhập cảnh tại Singapore. Ảnh: Getty

3. Tác phong: Người Việt rất ít khi đúng giờ. Chẳng vậy mà trong các thư mời của Việt Nam luôn đề nghị “Tham dự đúng giờ!”. Có người còn khẳng định “Không đi trễ không phải người Việt Nam”.

Thói quen này gây không ít phiền hà, khó chịu cho người khác, đặc biệt là các đối tác hoặc các đoàn famtrip quốc tế vì bắt cả đoàn phải chờ đợi hoặc chương trình bị đảo lộn. Đi ôtô còn đỡ, đi tàu điện, tàu lửa, nhiều người trễ chuyến thường xuyên. Việc chen lấn không đáng có khi lên tàu xe, vô nhà hàng, khi ăn buffet, vào điểm tham quan… cũng không phải hiếm.

4. Ăn uống: Ẩm thực Việt Nam cực kỳ phong phú, nhưng văn hóa ẩm thực cũng lắm chuyện tréo ngoe. Nhiều người ăn uống ngấu nghiến và hùng hục như “tằm ăn dâu”, ăn xong cứ vô tư ngậm tăm.

Thói quen dùng đũa, muỗng riêng để lấy thức ăn chung, gắp đồ ăn cho người khác, ăn uống ngồm ngoàm, ồn ào; cứ vô tư cụng ly kiểu “Zô dô, 100%!” mặc thiên hạ bực mình. Ăn buffet, nhiều người cố lấy nhiều, vừa đi vừa ăn, chen ngang dưới nách khách Tây (vì họ cao to hơn), bỏ thức ăn thừa mứa…

Nhà hàng và hướng dẫn viên phải lên tiếng nhắc nhở, ban đầu còn nhẹ nhàng, sau đó nặng lời, nhưng người nghe vẫn chứng nào tật đó, khiến nhà hàng đành trương bảng bêu gương. Bảng cảnh báo thói xấu ăn uống bằng tiếng Việt đã có ở Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản…

5. Giữ vệ sinh: Không chỉ khách bình dân, ngay cả người làm nghề giáo, nhân viên công vụ, cán bộ tùy tiện “tặng hoa cho đời”. Xả rác và khạc nhổ gần như là thuộc tính của một số khách Việt. Khi ra nước ngoài, tật xấu này dù chỉ còn 1/10 so với trong nước, do môi trường của họ quá sạch và sợ xử phạt nghiêm khắc nhưng cũng không ít lần người Việt vi phạm, bị xử phạt, rất xấu hổ.

6. Tham quan: Một số người Việt thích trốn vé tàu điện, vé tham quan, có khi còn tự hào xem đó là chiến tích qua mặt được thiên hạ. Họ đi chơi chủ yếu là để chụp ảnh tự sướng, sẵn sàng đạp lên cỏ, dẫm lên hoa, trèo lên tượng… bất chấp bảng cấm chụp hình.

Họ không cần nghe thuyết minh, ít chịu tìm hiểu lịch sử, văn hóa, khoái shopping theo phong trào, thấy ai mua gì là mua nấy, rất dễ bị dụ; thích chơi nổi kiểu cố lòe thiên hạ. Vào nhà hàng, họ thường chọn quán đông khách, không cần xem giá cả, nhưng đi tour chỉ cần rẻ hơn vài phần trăm là mừng ra mặt. Không đọc kỹ chương trình, cũng không hỏi rõ các dịch vụ nên thường xuyên bị lừa.

7. Đạo đức: Tham lam là thuộc tính của con người.Văn hóa xuống cấp, xã hội nhiễu nhương, tham lam lậm sâu vào bản chất nhiều người Việt. Cái gì cũng muốn hơn thiên hạ, dù phải ăn gian và vi phạm pháp luật. Tật táy máy, thích cầm nhầm đồ người khác, nhất là trong các cửa hàng, cửa hiệu nước ngoài của người Việt là nỗi ám ảnh của nhiều nước có du khách Việt.

8. Xuất khẩu tệ nạn và lao động chui: Lợi dụng chính sách thông thoáng du lịch, một số người “xuất khẩu tệ nạn” - từ móc túi, cướp giật đến buôn lậu, mại dâm, lập băng đảng trấn lột; sang các nước khác hoặc trốn lại, cư ngụ bất hợp pháp.

Mấy năm gần đây, Thái Lan đưa Việt Nam vào danh sách các nước nhập cảnh có điều kiện, thậm chí treo bảng tại các cửa khẩu đường bộ từ Campuchia và Lào vào Thái Lan. Thụy Sĩ, Nhật Bản công khai danh tính du khách Việt trộm cắp trong cửa hàng. Singpapore liên tục từ chối du khách nữ Việt Nam nhập cảnh, càng tăng thêm nỗi đau cho văn hóa Việt. Nước Nga giờ chỉ cấp visa cho du khách Việt đúng số ngày tour du lịch.

Nguyên nhân và hậu quả
Chưa bao giờ hình ảnh Việt Nam lại xuống cấp dưới con mắt bạn bè như vậy. Những thói quen “tự nhiên chủ nghĩa”của người Việt ra nước ngoài gây không ít phiền hà cho thiên hạ, nên nhiều người cứ tránh xa cho chắc ăn. Các hoạt động đối ngoại về kinh doanh, thương mại, văn hóa… từ hội chợ đến triển lãm nhiều khi còn góp phần PR xấu cho đất nước.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân đều từ con người, tập trung vào một số điều chính:

1. Quản lý lỏng lẻo, pháp luật buông lỏng, xử phạt nhẹ, không răn đe và ngăn ngừa kẻ vi phạm lẫn người quản lý.

2. Không có địa chỉ trách nhiệm cụ thể, đặc biệt là vai trò cá nhân người đứng đầu. Chỉ hô hào suông và đổ hết lỗi lầm cho tập thể.

3. Thiếu cơ quan giám sát độc lập, cứ xuê xoa nội bộ kiểu “Xấu thiếp hổ chàng”’, càng khiến tệ nạn càng sinh sôi.

Hậu quả là người Việt bị coi khinh. Đừng thắc mắc khi số nước miễn thị thực cho Việt Nam, cả ngoại giao, công vụ lẫn phổ thông của Việt Nam chỉ bằng khoảng 1/4 Singapore (45/167), thua Lào, Campuchia và Đông Tomor. Chỉ 13 nước miễn thị thực cho hộ chiếu phổ thông của Việt Nam, gồm 9 nước ASEAN (trừ Đông Timor); 4 nước còn lại là nơi ít người nghĩ chuyện đi du lịch: Ecuador, Dominica, Panama (Trung Mỹ) và Kyrgyzstan (Trung Á). Số liệu này đã phản ảnh uy tín quốc gia của Việt Nam với thế giới. Việc làm xấu hình ảnh quốc gia, dù vô tình hay cố ý, vẫn chưa bị xử lý nên vấn nạn ngày càng lây lan. Hiện tại mới có Thái Lan công khai blacklist, nên không rõ Việt Nam nằm trong danh sách hạn chế của bao nhiêu nước.

Hãy biết xấu hổ
Nhìn vào thực trạng xã hội người Việt hiện nay, có người đã chua chát “Người Việt không còn yêu nước? Họ chỉ yêu nước bằng khẩu hiệu. Nếu yêu nước thật lòng đã không có những hành xử như vậy”. Điều này trái ngược hẳn với thời kỳ chiến tranh. Khi đất nước bị xâm lăng, trăm người như một, dốc lòng chiến đấu, sẵn sàng “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Hãy bớt tự hào về quá khứ, phải biết xấu hổ vì sự nghèo nàn, tụt hậu của đất nước, vì những thói tật xấu xí của người Việt hiện tại. Biết xấu hổ là còn lòng tự trọng, là vẫn còn hy vọng thay đổi cho đất nước.

Khi đã tìm ra nguyên nhân, việc khắc phục không quá khó. Khó nhất là thay đổi tư duy quản lý, có dám làm triệt để hay không. Có mấy việc phải làm ngay :

1. Bộ ngoại giao và Bộ Văn hóa - Thể Thao - Du lịch (cụ thể là Tổng cục Du lịch) cần biên soạn ngay bộ quy chế chuẩn văn hóa tối thiểu của người Việt khi ra nước ngoài.

2. Xác định trách nhiệm của từng cá nhân và đơn vị tổ chức. Có chế tài nghiêm khắc. Mọi vi phạm ở nước ngoài về nước phải xử phạt gấp đôi vì “làm nhục quốc thể”. Cá nhân có thể bị cấm xuất cảnh có thời hạn đến vĩnh viễn nếu vi phạm trầm trọng và cố ý. Các đơn vị tổ chức bị truy cứu trách nhiệm lãnh đạo, thu hồi giấy phép, cấm kinh doanh có thời hạn cho đến vĩnh viễn tùy hậu quả.

3. Các công ty lữ hành phải thông tin đầy đủ đến khách mua tour quy chuẩn văn hóa, họp đoàn nhắc nhở, khuyến khích việc ký cam kết hành xử văn hóa người Việt ở nước ngoài giữa công ty và khách du lịch.

4. Xác lập và giao nhiệm vụ giám sát cụ thể cho báo chí, không xử lý nội bộ kiểu “rút kinh nghiệm sâu sắc’’ hoặc “nghiêm khắc phê bình’’.

5. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Lãnh đạo càng cao càng phải nêu gương sáng.

Chúng ta kêu ca mấy chục năm là quá đủ rồi. Xin đừng hô hào kiểu “Nói không với tệ nạn…” . Nói nhiều rồi, giờ là lúc phải làm, phải hành động, hành động ngay và kiên quyết từ việc nhỏ nhặt.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết

Được quan tâm

Tin mới nhất