Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

8 con số khốc liệt về thiên tai năm 2017

Năm 2017, nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, bất thường gây ra thiệt hại đau lòng trải rộng trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam.

Năm 2017 đang khép lại. Tuy nhiên, hậu quả của những trận thiên tai khắc nghiệt trong năm vừa qua có lẽ sẽ mãi là nỗi ám ảnh với người dân nằm trong vùng ảnh hưởng bão lũ, sạt lở đất. Zing.vn điểm lại bức tranh u ám về tình hình thiên tai trong năm.

Biển Đông đón 16 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới, trong đó, 6 cơn ảnh hưởng trực tiếp nước ta. Số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trong năm nay phá kỷ lục kể từ năm 1964.

Lần đầu tiên, các dự báo viên phải đặt tên “bão số 16” trên Biển Đông vào ngày 23/12. Bão số 16 - Tembin có nhiều dị thường khi xuất hiện vào cuối mùa, mạnh nhất trong khoảng 40 năm qua.

“Bão Tembin đạt đỉnh mạnh cấp 11-13 tại đảo Trường Sa vào tối 24/12. Không chỉ những người làm công tác dự báo ở Việt Nam mà cả các đài khí tượng trên thế giới cũng gặp khó khăn”, ông Bùi Minh Tăng, nguyên Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho hay.

Ngoài 2 cơn bão suy yếu trên Biển Đông hoặc gần bờ, 4 cơn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam, gồm bão số 2 Talas, bão số 3 - Sơn Ca, bão số 10 - Doksuri và bão số 12 - Damrey.

Mùa mưa bão năm 2017 được nhận định là diễn biến phức tạp và trái quy luật. Bởi hiện tượng ENSO ở trạng thái trung tính, xu hướng chuyển sang trạng thái El Nino (pha nóng) từ nửa cuối năm 2017. Bên cạnh đó, tính bất quy luật của bão tăng cao vào những năm chịu tác động của El Nino, gây nhiều khó khăn cho công tác dự báo.

“Năm 2017, dù mùa mưa bão bắt đầu muộn, song số lượng bão khá nhiều, dồn dập giữa mùa”, ông Hoàng Phúc Lâm, Trưởng phòng Dự báo khí tượng hạn vừa, hạn dài (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương) nói.

Bão số 10, tên quốc tế Doksuri là cơn bão mạnh nhất và nguy hiểm nhất trong nhiều năm trở lại đây. Lần đầu tiên, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương phải đưa ra cảnh báo thiên tai cấp 4 (màu đỏ).

Áp sát đất liền đến gần trưa 15/9, bão Doksuri đổ bộ vào khu vực giáp ranh Hà Tĩnh - Quảng Bình với sức gió mạnh cấp 12 (135 km/h), giật cấp 14-15. Bão làm 6 người chết, 37 người bị thương; hơn 800 nhà sập, hơn 190.000 nhà bị hư hỏng, 2 cột truyền hình và 2.855 cột điện gãy đổ. Tổng thiệt hại ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.

13.500 tỷ đồng là tổng thiệt hại về vật chất mà tỉnh Khánh Hòa phải gánh chịu sau cơn bão số 12, đổ bộ ngày 4/11. Đây cũng là tỉnh có thiệt hại nặng nề nhất về cả người và tài sản do thiên tai trong năm 2017.

Theo thống kê của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, bão số 12 khiến 107 người thiệt mang, và 16 người mất tích. Bão còn làm gần 1.500 ngôi nhà bị sập đổ và gần 120.000 nhà bị tốc mái, hư hỏng hoàn toàn. Tổng thiệt hại ước tính hơn 20.000 tỷ.

Trận lũ quét khốc liệt vào rạng sáng 3/8 tại Yên Bái, Sơn La, Cao Bằng, Điện Biên, Lai Châu khiến 29 người thiệt mạng, 12 người mất tích. Tổng thiệt hại ước tính trên 940 tỷ đồng.

“Đây là trận lũ quét lịch sử mà phải đến 70 năm rồi mới xảy ra tại huyện Mường La. Hậu quả thật khủng khiếp”, ông Nguyễn Đức Thành, Chủ tịch UBND huyện Mường La (Sơn La) cho biết.

Sau trận lũ, hồ chứa nước thủy điện Mồ Dề (xã Mồ Dề, Mù Cang Chải) thành hồ gỗ, củi. Những khu vực lũ đi qua như một bãi chiến trường, lổn nhổn những khối đá lớn trong dòng nước đục ngầu. 231 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập đổ hoàn toàn; 425 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở cùng 398 hộ phải sơ tán, di dời.

Ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và không khí lạnh, từ ngày 9 đến 11/10, mưa lớn xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Ninh Bình gây ngập nhà cửa, cuốn trôi cầu cống, đường giao thông và nhiều tài sản của người dân.

“Nếu tính về thời gian, cơn lũ này bất thường, chưa từng ghi nhận trong cùng kỳ tháng 10, chỉ đứng sau trận lũ năm 1996”, ông Lê Thanh Hải nói với Zing.vn. Lần đầu tiên trong 30 năm vận hành, thủy điện Hòa Bình mở 8 cửa xả lũ.

Nghiêm trọng nhất là vụ sạt lở đất tại xóm Khanh (xã Phú Cường, Tân Lạc, Hòa Bình) vào rạng sáng 12/10, khiến 18 người bị vùi lấp. Thậm chí ngay tại thủ đô Hà Nội, ngoại thành cũng ngập trắng. Tại huyện Chương Mỹ, Hà Nội, những ngôi làng bị cô lập với bên ngoài, nhà bị ngập gần tới nóc. Người dân cho rằng đợt lụt này gần giống trận ngập trên diện rộng ở Hà Nội năm 2008, mực nước có lúc sâu đến 1 m. Đến ngày 14/10, mưa lũ đã khiến 80 người thiệt mạng, 23 người mất tích.

Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) đến tháng 12/2017, cả nước có 325 người chết, 61 người mất tích, 664 người bị thương vì mưa bão, ngập lụt, sạt lở đất. Ngoài ra, 8.126 nhà bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn và hơn 561.000 ngôi nhà bị ngập, hư hại, tốc mái… Tổng thiệt hại về kinh tế trên 60.000 tỷ đồng.

Nếu như cơn bão số 10 là mạnh và khốc liệt nhất, thì cơn bão số 12 mang lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất, ước tính gần 20.000 tỷ đồng. Chỉ riêng cơn bão này đã gây thiệt hại bằng mức trung bình của các năm trước.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo Zing

Được quan tâm

Tin mới nhất