Bạn từng nghĩ “kỳ thực tập” là khoảng thời gian vô cùng chán chường, phí phạm công sức và những kiến thức từng được học. Ba tháng không được dạy dỗ kiến thức gì mới, thậm chí còn bị sai bảo như một người giúp việc. Vậy thì đây là lúc để chúng ta cùng nhìn lại câu chuyện về những thực tập sinh nổi tiếng nhất đã đạt đến thành công tột đỉnh từ những kinh nghiệm đúc kết trong khoảng thời gian thực tập.
Không bao giờ là quá trẻ để làm thực tập sinh
Năm 12 tuổi, Steve Jobs - cha đẻ của Apple đã nhận công việc đầu tiên của mình ở HP (tập đoàn công nghệ thông tin lớn nhất thế giới), ông bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc lắp vít vào các bộ phận máy tính. Những ngày tưởng chừng chẳng có gì đặc sắc ấy đã đưa Steve đến gặp Steve Wozniak - người sau này là cộng sự đầu tiên của ông khi thành lập hãng máy tính Apple vào năm 1976
Ngay khi bạn bắt đầu sẵn sàng học hỏi, bất kì công việc ở mức độ nào cũng là cơ hội tốt để bạn trải nghiệm, tìm kiếm những mối quan hệ mới và xây dựng nền tảng của chính mình.
Bạn sẽ biết điều mình không thích
Khi Bill Gates 17 tuổi, ông có cơ hội thực tập tại Toà nhà Quốc hội Mỹ với những công việc rất đơn giản như vận chuyển thư, chuẩn bị phòng họp mỗi ngày và vài việc vặt khác. Và đó cũng là thời gian để ông nhận ra, cách hay nhất để tồn tại là đừng động đến chính trị.
Trong suốt quãng thời gian học đại học, có thể bạn sẽ có nhiều hơn một công việc thực tập, chắc chắn không phải lúc nào đó cũng là việc bạn muốn làm. Tuy nhiên, chính những điều như vậy sẽ giúp bạn nhận ra điều mình thật sự muốn trong sự nghiệp của bản thân.
Phá vỡ mọi giới hạn
Stephen Spielberg - nhà đạo diễn lừng danh của Hollywood có cơ hội làm việc tại một trong những phim trường lớn nhất thế giới Universal Studios vào năm 17 tuổi. Thật ra, khi ấy ông không được chọn làm thực tập sinh mà đã lén vào phim trường để tìm cơ hội gặp gỡ các đạo diễn, chẳng những thế Spielberg còn tranh thủ sản xuất được một bộ phim riêng cho mình trong quãng thời gian ấy. Kết quả là, khi bộ phim của Stephen Spielberg được phát hiện, ông đã có ngay một hợp đồng làm việc 7 năm với Universal Studios và trở thành đạo diễn trẻ nhất tại đó.
Đôi khi, việc phá vỡ giới hạn là điều phải làm để tích luỹ kinh nghiệm. Có thể bạn không nhận được nhiều cơ hội nhưng đừng bao giờ để những rào cản đó ngăn bạn khỏi việc học hỏi kinh nghiệm. Nếu kiên trì, bạn chắc chắn sẽ thành công trong lĩnh vực mình theo đuổi.
Giành cơ hội về mình bằng mọi cách
là một ví dụ xuất sắc của một thực tập sinh kiên trì bằng mọi cách để có được cơ hội xuất hiện trên truyền hình. Bằ bắt đầu sự nghiệp với công việc thực tập tại một đài tin tức ở Tennessee và sau đó được mời làm phát thanh viên bản tin thời sự. Không ngừng nỗ lực với những gì đang có, bà nhận được show truyền hình đầu tiên của mình The Color Purple, và cuối cùng, sau nhiều năm tháng Oprah Winfrey đã trở thành một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới.
Mỗi cá nhân thành công đều phải bắt đầu từ con số 0, và công việc thực tập là một cơ hội tuyệt vời để bạn xây dựng nền tảng cần thiết cho sự nghiệp của mình. Hãy cứ xem lương thấp, vị trí không ra gì là giá mà bạn phải trả cho những điều thật sự xứng đáng khác trong tương lai mình.
Môi trường thực tập cho bạn cơ hội để biến ước mơ vĩ đại của mình thành hiện thực
…Vấn đề là bản thân bạn có nhận ra lợi ích đó không? - CEO của Xerox - Ursula Burns, tập đoàn hàng đầu thế giới về kĩ thuật in ấn đã khởi nghiệp tại chính tập đoàn này với vị trí thực tập sinh bộ phận kỹ thuật cơ khí. Sau kì thực tập, bà được cất nhắc lên một số vị trí lãnh đạo của Xerox, và đỉnh điểm là chức vụ CEO của tập đoàn, Ursula chính là người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên giữ vị trí cao như vậy trên thế giới.
Làm thực tập sinh vài năm không có nghĩa là bạn bị tước mất cơ hội trở thành lãnh đạo. Nếu thực sự chú tâm vào công việc, hoạch định rõ ràng mục tiêu và gặp gỡ những người phù hợp, bạn chắn chắn sẽ sớm nhận ra công việc đó đáng mơ ước nhường nào.
Tất cả những khó khăn trong một kỳ thực tập hầu như chẳng là gì so với áp lực thật sự mà bạn phải gánh chịu khi chính thức đảm nhận một công việc nào đó. Và nếu như chỉ những điều cỏn con như bưng trà, rót nước, làm công việc văn thư,… bạn cũng không có đủ kiên nhẫn, thì những việc lớn hơn liệu bạn có đảm đương nổi không. Cơ hội không phơi bày rõ ràng trước mặt chờ bạn đến lấy, mà đó là thứ cần bạn phải đi tìm.