Luôn rực cháy trong người khát khao được chinh phục cũng như lan tỏa những giá trị tích cực để giúp đỡ cộng đồng, thạc sĩ Nguyễn Thanh Tuấn Anh (29 tuổi) là giảng viên giáo dục thể chất tại Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (TP.HCM), đã thực hiện được cuộc hành trình để đời: dùng đôi chân để đi bộ dọc hết chiều dài mảnh đất Việt Nam.
Đối với Tuấn Anh, chinh phục vừa là ghi dấu chân đến những vùng đất mới, vừa là vượt qua được các giới hạn của bản thân. Đất nước bạt ngàn, thế giới rộng lớn, đôi chân mê xê dịch sẽ vẫn in hằn mặt đất khi ta còn bước đi. Con người với từng cá thể vốn đã là tuyệt tác của tạo hóa, lằn ranh hạn chế của bản thân sẽ vẫn được nới rộng khi ta còn nỗ lực phấn đấu.
Đặt mục tiêu đi bộ từ Sài Gòn đến Hà Nội với tiền túi vỏn vẹn 500.000 đồng. Nhiều người nhìn vào có lẽ sẽ vội phán xét rằng đó là một chàng trai thích chơi trội, thích tự làm khó bản thân. Nhưng đối với chàng trai đó, quãng đường kia chính là lò tôi luyện giúp anh nhận ra Tổ quốc rộng lớn thế nào, giới hạn bản thân ra sao.
Mùa hè năm 2019, người thầy trẻ bắt đầu nung nấu ý tưởng về việc thực hiện một điều gì đó to lớn và ý nghĩa nhằm đánh dấu khoảng thời gian này, để phát triển các kỹ năng và sự tập trung của bản thân. Rất nhanh chỉ sau một ngày, những dòng suy nghĩ mơ hồ đã được tập trung lại rồi vẽ ra một hành động rõ ràng: đi bộ hết Việt Nam.
“Việc lên ý tưởng được tiến hành rất nhanh, trong một ngày là xác định rõ. Nhưng việc vẽ kế hoạch diễn ra lâu hơn, mất khoảng một tuần vì ban đầu cũng có chút do dự. Mình lo rằng người thân sẽ không an tâm vì mình đi quá lâu cũng như hành trình này rất mạo hiểm. Mình ngồi lại và phân tích xem giữa việc đi và không đi, chúng có lợi ích và hạn chế nào. Nhưng rồi khát khao hành động lớn nên mình quyết định thực hiện”, anh Tuấn Anh chia sẻ.
Để chuyến đi được “chắc kèo” tuyệt đối, chàng giảng viên nói về cuộc hành trình sắp được thực hiện với người yêu, với nhân viên trong cửa hàng thể thao mà anh đang kinh doanh, với đồng nghiệp và sinh viên trong trường, chia sẻ lên mạng xã hội,… và dĩ nhiên là không thể bỏ qua gia đình.
“Mình về quê nhà ở xứ dừa Bến Tre để thông tin cho cha mẹ biết, rằng ‘Con sẽ đi bộ xuyên Việt để rèn luyện chính mình’. Cứ tưởng vấp phải sự phản đối, nhưng hóa ra cha mẹ đã ủng hộ mình rất nhiều. Mẹ mình nói: ‘Từ lâu cha mẹ đã thống nhất với nhau rằng tất cả những gì con nói và làm đều là việc tốt nên cha mẹ lúc nào cũng ủng hộ con’.
Ước tính có gần ngàn người đã biết đến ý tưởng của mình trước khi nó được thực hiện, điều này vừa để khẳng định sự quyết tâm, vừa để mình chắc chắn phải thực hiện được chuyến đi. Trong số những người biết chuyện, có hai em sinh viên là học trò lâu năm của mình đã ngỏ ý mong muốn được đi cùng”, anh Tuấn Anh vui vẻ nhớ lại những ngày “chạy đà”.
Cuối cùng, sau bao nhiêu ngày lên kế hoạch chi tiết và rõ ràng, cũng như thực hiện “công tác tuyên truyền”, nhóm bộ hành của thầy Tuấn Anh cùng hai học trò là Nguyễn Công Trình (21 tuổi) quê Nam Định và Nguyễn Hùng Anh (20 tuổi) quê Bình Thuận đã chính thức khởi hành từ ngày 24/06/2019.
Trong hành trình xuyên Việt này, nhóm chia làm 2 chặng: đi bộ từ Sài Gòn ra Hà Nội rồi đạp xe từ Hà Nội đến Lào Cai với tổng quãng đường khoảng 2.200 km. Tại điểm cuối Sa Pa (Lào Cai) nhóm còn tiếp tục thực hiện hành trình leo núi Fansipan trong 2 ngày 1 đêm.
Tổng hiện kim cả nhóm mang theo là 500.000 đồng cho mỗi người, ngoài ra không còn gì ngoài nhu yếu phẩm thật sự cần thiết. Nếu chỉ đi dã ngoại loanh quanh gần thành phố thì như vậy có thể xem là tạm được, nhưng đối với chuyến đi vẽ dọc bản đồ đất nước thì điều này… hết sức điên rồ.
Về mặt tinh thần và thể lực, nhóm đã dành 1 tháng rưỡi trước ngày khởi hành để tập luyện ở tất cả các lĩnh vực cần thiết như dinh dưỡng, yoga, đi bộ đường dài cũng như các kỹ năng tự vệ và sinh tồn. Mỗi buổi sáng, thầy giáo cùng hai học trò thức dậy từ 5 giờ sáng rồi tập thể lực với độ khó tăng dần qua mỗi ngày.
Mang ba lô nặng 13 kg trên lưng, mỗi ngày ba thầy trò phải đi bộ đường dài từ 5 km rồi tăng dần đến hơn 10 km. Khi thấy mọi thứ đã đi vào quỹ đạo, nhóm quyết định làm một chuyến đi thử nghiệm từ Sài Gòn về Bến Tre trong một ngày rồi mới ấn định thời gian khởi hành xuyên Việt chính thức.
Như vậy, ngoài vài trăm ngàn đồng dằn túi cùng những bài tập nặng đô, hành lý nào mà cả nhóm mang theo? Chàng trai 29 tuổi chia sẻ: “Trước khi lên đường, mình đã liên hệ với các trung tâm và hội nhóm, câu lạc bộ thể thao ở những nơi sẽ đi qua.
Suốt cuộc hành trình, 80% nhóm xin ngủ lại nhà dân và 20% còn lại là tại các cơ sở rèn luyện thể thao. Ba thầy trò cảm thấy rất may mắn và hạnh phúc khi được người dân địa phương quý mến, tiếp đón rất nồng hậu. Tấm chân tình của bà con và kỷ niệm ở những nơi đi qua chính là hành lý mang theo của nhóm”.
Kể thêm về các kỷ niệm không thể nào quên trong chuyến đi, Tuấn Anh cho biết: “Có lần đi bộ qua địa phận tỉnh Biên Hòa (Đồng Nai), một chú thương binh khi thấy bọn mình mặc áo cờ đỏ sao vàng đi bộ thì hô to: ‘Đi bộ xuyên Việt hả tụi con? Tốt đó, áo có cờ Việt Nam đẹp đó. Thanh niên phải như vậy’.
Rồi chú mời cả nhóm vào uống nước, ngỏ ý tặng cho mọi người 500.000 đồng, dù hoàn cảnh của chú mình đoán cũng không dư dả gì. Tình cảm chân thành và tấm lòng của chú khiến bọn mình thực sự xúc động. Hôm đó, nhóm chỉ xin nhận chai nước thay cho tấm lòng chứ không nhận số tiền kia.
Một lần khác khi đi bộ tại địa phận tỉnh Khánh Hòa, thời tiết nắng gắt khiến cả nhóm thấm mệt nên quyết định ghé vào một khu chợ để mua một nải chuối. Thấy ba người tụi mình đi xuyên Việt, người dân ở chợ xúm lại hỏi thăm rất đông, khi biết mục đích của chuyến đi, mọi người đều ủng hộ và gửi tặng thầy trò trái cây, thức ăn và nước uống.
Đặc biệt, một nhiếp ảnh gia người Hà Nội mà nhóm vô tình gặp tại Quảng Trị đã nhiệt tình đón các thành viên trong đoàn khi trở ra Hà Nội. Anh đã chụp cho tụi mình những bức ảnh lưu niệm đầu tiên khi đến đất thủ đô, trước tượng đài vua Lý Thái Tổ, dẫn chúng mình đi khám phá các điểm văn hóa, lịch sử và giúp kết bạn với nhiều người bạn Hà Nội tốt bụng khác”.
Mỗi ngày nhóm phải đi trung bình 40 km, kỷ lục cả ba đã đi đến 100 km trong ngày vượt qua Nghệ An và Thanh Hóa. Giảng viên sinh năm 1990 kể thêm, ba thầy trò từng đội cái nắng gắt tháng 6 trên đầu với nhiệt độ ngoài trời lên đến 40 độ C mà bước đi, cũng như từng rơi vào vùng thời tiết nguy hiểm khi trời đang nắng bỗng đổ mưa rồi nổi lên giông bão.
Dù khó khăn vất vả là thế, nhưng anh Tuấn Anh cho biết mình vẫn bị ấn tượng sâu sắc và quên đi mệt mỏi khi thu trọn cảnh đẹp của quê hương đất nước vào tầm mắt. Từ hoàng hôn ở Phá Tam Giang, Huế rồi cảnh sắc ở Đèo Cả, Đèo Hải Vân, những tuyệt tác kì vĩ từ thiên nhiên khiến người ta không cầm được lòng thương mến.
Là con dân của xứ dừa Bến Tre, quanh năm khô nóng rồi mưa ẩm, anh Nguyễn Thanh Tuấn Anh lần đầu biết được cái lạnh của xứ miền ngoài, cái bão tố bất chợt của vùng đất miền trung, cùng rất nhiều kiểu khí hậu lạ đời khác. Trong quá trình di chuyển, các thành viên phải luôn rèn tư duy tích cực để không nản lòng.
Sau 48 ngày đường, cả ba thầy trò đã hoàn thành chuyến đi vào ngày 31/08/2019 và sớm hơn kế hoạch ban đầu đặt ra. 48 ngày này được thầy giáo thể chất và tâm lý gói gọn trong cái tên “Hành trình của cuộc đời tỏa sáng”, vì anh đã rèn luyện được bản thân mình và kết nối được với cộng đồng xung quanh mình.
Trong chuyến đi xuyên Việt, các thành viên đã ngừng lại ở nhiều địa phương để vận động mọi người cùng thực hiện lối sống giảm nhựa, nhặt rác nơi sinh sống cũng như tập thói quen phân loại rác thải trước khi bỏ vào thùng. Ở các bãi biển Nha Trang, Đà Nẵng, đã có 30 người cùng tham gia với nhóm trong khi con số này tăng lên đến 50 ở Vinh, Nghệ An và Hà Nội.
“Thật sự mà nói cũng khó lòng có thể nhặt hết rác và làm sạch môi trường bằng cách này, nhưng thông qua các hành động này nhóm mong muốn được lan truyền lối sống xanh đến mọi người, từ đó tinh thần này càng được truyền đi xa hơn và rồi chúng ta sẽ cùng nhau góp phần giúp hành tinh này trở thành một nơi thật đáng sống”, Tuấn Anh chia sẻ.
Người thầy trẻ cho biết bản thân thấy rất hạnh phúc khi chuyến đi đã mang lại nguồn cảm hứng cho rất nhiều người, không chỉ trong việc bảo vệ môi trường và còn trong nhiều mặt khác của cuộc sống. Anh Tuấn Anh cũng mong muốn thông qua cuộc bộ hành 48 ngày sẽ gửi đến mọi người tinh thần của tuổi trẻ, lòng yêu thương con người, sẵn sàng cho đi, sẵn sàng tương trợ:
“Tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau luôn hiện diện trong cuộc sống. Hãy tin tưởng rằng khi chúng ta luôn cho đi trước, sống thật sự chân thành và tốt đẹp trước thì chúng ta cũng gặp được những con người cũng chân thành và sống tốt đẹp như vậy.
Mỗi người chúng ta luôn có cơ hội làm mới chính mình, được phát triển, vui vẻ và hạnh phúc, được sống thật sự khi chúng ta có lòng yêu thương và biết ơn. Mỗi người đều có thể làm được những điều mình thật sự mong muốn bởi vì chúng ta đang được sống trong một đất nước hòa bình và giàu lòng yêu thương”.
Chia sẻ về các kế hoạch trong tương lai, chàng trai với đôi chân không biết mỏi cho biết sẽ vẫn tiếp tục thực hiện nhiều chuyến đi bộ, chạy bộ khác ở nhiều cự ly và mang từng mục đích khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn là truyền động lực cho mọi người và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn.
Nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh Nguyễn Thanh Tuấn Anh với tư cách là một giáo viên, mong muốn chuyến đi sẽ giúp các bạn trẻ tích cực rèn luyện và phát triển bản thân nhằm góp phần sức lực vào công cuộc giáo dục những con người đầy đủ nghị lực - trí tuệ - đạo đức cho đất nước.
“Mình rất may mắn khi gặp được những bậc tiền bối trước, trong và sau chuyến đi. Họ là những người có kinh nghiệm lâu năm trong từng lĩnh vực của họ, chia sẻ cho mình rất nhiều điều trong cuộc sống này. Nhưng sau tất cả, chính bản thân mỗi người mới là người thầy lớn nhất của chính chúng ta.
Nói như vậy có nghĩa là, các bạn trẻ hãy thật sự tin tưởng vào bản thân và rèn luyện mình để trở nên thật xứng đáng. Mỗi người xung quanh và chính mỗi người chúng ta là một người thầy lớn. Bản thân mình đã học được từ mọi người và tự bản thân để thay đổi, mình cũng mong muốn mọi người tự thay đổi bản thân và rất hy vọng chuyến đi này sẽ tạo được động lực ít nhiều cho các bạn”.
Dù không đặt ra mục tiêu ban đầu là gây quỹ, nhưng cuộc hành trình xuyên Việt của thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn Anh vẫn nhận được gần 40 triệu đồng do người dân và các doanh nghiệp gửi tặng. Số tiền này anh Tuấn Anh sẽ dùng để hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức anh từng đứng lớp giảng dạy.