Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sắc màu cuộc sống

4.000 đồng cho một ly cà phê 'tài tử': Lọc trong vợt, ủ trong siêu và kho trên bếp than đỏ rực

Sài Gòn đi vài ba căn nhà lại thấy xuất hiện một quán cà phê, nhưng đâu phải quán nào cũng đủ sức níu chân khách bao thế hệ.

Cà phê kho - thức uống lạ mà quen

Việt Nam là đất nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhưng văn hóa cà phê lại phần nào chịu ảnh hưởng từ các nước phương Tây. Cũng như có một sự thật ít ai biết, những quán cà phê trên dưới nửa thế kỷ ở Sài Gòn hiện chỉ còn được lưu giữ bởi những người Hoa.

Theo những tài liệu ghi chép lại, cà phê ở Sài Gòn đã tồn tại được khoảng 80 năm và cách pha chế lẫn thưởng thức cũng hoàn toàn khác biệt so với bây giờ. Vào thời ấy, khắp đất Sài Gòn - Gia Định đâu đâu cũng là những quán cà phê được lọc bằng vợt, kho trên bếp than, giữ nhiệt bằng siêu thuốc bắc - những khái niệm đa phần chỉ còn nằm trong tiềm thức của những người thời trước.

Những khách lần đầu đến quán không khỏi bất ngờ khi thứ nước đen sóng sánh được chắt ra từ siêu thuốc bắc lại là cà phê.

Nằm lọt thỏm giữa những ồn ào, náo nhiệt của khu chợ Thiếc (phường 6, Quận 11), mà nếu không chú tâm sẽ khó lòng phát hiện ra quán cà phê gần 50 năm tuổi của chú Lưu Nhân Thanh.

Dẫu không xuất hiện dày đặt như hiện tại nhưng cứ vài ba con phố lại có một quán cà phê vợt mọc lên như một “trào lưu” của thời trước. Nhưng dẫu bao thăng trầm của cuộc sống thì đến nay quán cà phê của chú Thanh tọa lạc tại khu người Hoa vẫn không hề thay đổi cách pha chế.

“Cái thức uống này dễ ợt, cần gì học từ ai. Cứ sẵn bột cà phê cho vào vợt rồi đổ ngập nước sôi mang bỏ vào siêu thuốc bắc. Cái đặc biệt là để trong siêu kín hơi giúp cà phê vừa ra hết vị vừa giữ được độ nóng” - chú Thanh cho hay.

Vợt lọc cà phê không được giặt bằng bột giặt bởi cà phê sẽ mất vị mà chỉ giặt qua nước lạnh rồi phơi khô.

Cà phê phải tỉ mỉ lọc qua vợt, ủ trong siêu và đun riu riu trên bếp than trước khi rót ra ly cho khách.

Ai thích cà phê nóng thì thứ nước sóng sánh này tiếp tục được cho vào ấm đem kho trên bếp than đỏ rực. Mà nói kho cho lạ tai, chứ theo chú Thanh giải thích: Nó cũng hệt như kho cá kho thịt, tức phải ninh lâu trên bếp lửa để vị càng đậm hương càng thơm, còn thực khách cứ thế nhâm nhi hít hà từng giọt.

Khi được hỏi về đặc trưng của quán, chú Thanh chỉ cười xòa: “Cà phê của tôi có ngon gì đâu cô ơi. Muốn tìm quán ngon, người ta ra quận 1 ngồi mấy quán có máy lạnh rồi. Quán tôi chỉ được cái tài tử thôi”.

Cà phê cũ được săn đón bởi những người Sài Gòn sành điệu

Có điều tôi vẫn mãi thắc mắc: Thứ cà phê có phần “lỗi thời” này, có gì đặc biệt mà dẫu người ta có uống mấy mươi loại cà phê ngoài kia, thì vẫn có lúc muốn tìm về.

Quán cà phê của chú Thanh, dễ tìm nhưng chẳng dễ đến. Đó là điều có thể khẳng định. Quán nằm lọt thỏm trong khu chợ với đủ âm thanh chào mời rao bán, mùi cá mắm tanh tưởi, cộng thêm không khí nhộn nhịp nhưng xô bồ. Xe hơi muốn tìm đến tận quán hoàn toàn là điều không thể, bởi quầy hàng buôn bán san sát tràn ra cả lối đi khiến xe máy muốn vượt lên thì người đi bộ buộc phải nép mình nhường lối. Vậy mà có hôm nào quán vắng khách đâu.

Mức giá rẻ bèo, nên ly cà phê gần nửa thế kỉ này là lựa chọn dành cho mọi tầng lớp. Những người trẻ thì dừng chân mua ly mang về, các dì các mẹ đi chợ mỏi chân lại có chỗ ghé vào bàn nhau về bữa cơm, giá cả; cô chú vé số ngồi lại ít lâu để thưởng thức ly cà phê xem như bữa sáng. Bởi ở Sài Gòn đâu dễ tìm được bữa sáng dưới 4.000 đồng. Ấy vậy mà không khí ở quán lúc nào cũng đầm ấm như gia đình, dẫu là giữa những người còn chưa biết tên nhau.

Có lúc mọi người đùa vui: Chắc tiếng cười nói của khách, tiếng ồn ào mua bán của chợ đã trở thành thứ âm nhạc đặc trưng của quán, thay thế cho những tình khúc nhạc Trịnh, Ngô Thụy Miên.

“Cà phê của tôi bình dân, quán cũng cũ kĩ, mà ngộ lắm, ở xa xa người ta vẫn tìm đến uống. Khách ở tỉnh thành khác vẫn hay xuất hiện, lâu lâu còn có cả khách ở Mỹ, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia… Có mấy lần tôi thắc mắc, thì người ta bảo: Quán tôi là đồ cổ của Sài Gòn”.

Điều đặc biệt ở quán chú Thanh: Wifi dường như là một khái niệm “xa xỉ”. Thậm chí, chúng tôi còn tự thấy mình kém duyên khi nhắc đến nếp sống hiện đại này ngay một nơi đã nhuốm màu thời gian. Đáp lại lời chúng tôi, sau hai lần nhiệt tình giải thích về khái niệm “wifi”, chú Thanh cười hiền từ đáp: “Khách lại quán, họ đều tự lên mạng không à. Ngày trước trong nhà cũng có người cháu gắn wifi, nhưng thân già tụi tôi có cần đến bao giờ, thế là lại tháo ra, đem trả lại cho cửa hàng”.

Đã mấy mươi năm trôi qua nhưng quán chú Thanh vẫn không hối hả chạy theo nhịp sống hiện đại như đại đa số.

Từ năm 80, giá một ly cà phê đen ở đây chỉ 50 xu. Rồi theo thời giá, hiện tại một ly cà phê đen là 4.000 đồng, cà phê sữa 6.000 đồng, cà phê đá 7.000 đồng và “xịn” nhất cũng chỉ 10.000 đồng cho một ly cà phê sữa đá.

Một cuốc giữ xe bèo nhất ở đất Sài Gòn hoa lệ cũng đã 5.000 đồng, nhưng ly cà phê của chú Thanh còn rẻ hơn như thế. Điều này khiến tôi ngạc nhiên đến mức, chú Thanh phải bật cười: “Cô lần đầu đến quán phải không?”.

Công bằng mà nói, cà phê của chú Thanh chẳng thể vừa lòng tất cả thực khách khó tính, nhưng lại là nơi lưu giữ kí ức yên ả của biết bao thế hệ Sài Gòn. Khi mà nếp sống mới người ta dễ thích nghi chứ khi nghiện thứ nước đắng ngắt sóng sánh này thì dẫu đi đâu cũng sẽ có lúc tìm về.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Phương Lê

Được quan tâm

Tin mới nhất