Trong 10 năm gần đây, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích; thiệt hại kinh tế trung bình khoảng trên 17.000 tỷ đồng (tương đương 876 triệu USD) và có xu thế ngày càng gia tăng, năm 2013 là 28.000 tỷ đồng; năm 2016 là 40.000 tỷ đồng
Đặc biệt, năm 2017, thiên tai đã làm 385 người chết và mất tích, 654 người bị thương; tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 59.300 tỷ đồng.
Công tác chỉ đạo ứng phó kịp thời, quyết liệt
Với tinh thần chủ động, quyết liệt từ lãnh đạo Trung ương và hầu hết các địa phương nên đã triển khai kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó thiên tai. Khi có tình huống xảy ra, đã huy động cả bộ máy chính trị vào cuộc, phân công các đồng chí cấp ủy phụ trách các địa phương để chỉ đạo kịp thời, góp phần giảm thiểu thiệt hại nhất là đối với các đợt thiên tai lớn, cụ thể:
Lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã sát sao chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả của các đợt thiên tai lớn: trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại các địa phương trọng điểm trong các trận thiên tai lớn như lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc, mưa lũ lớn tại Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, bão số 10, 12,… Thủ tướng Chính phủ ban hành kịp thời 12 công điện, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT - Ủy ban Quốc gia TKCN ban hành 91 công điện chỉ đạo ứng phó với các loại hình thiên tai. Nhắn tin tới 12 lượt triệu thuê bao để cảnh báo thiên tai trong những trận thiên tai lớn. Năm 2017, đã huy động 318.740 lượt các bộ, chiến sỹ và 6.077 lượt phương tiện tham gia cứu hộ, cứu nạn.
Công tác dự báo đã có cải tiến, nhất là các bản tin dự báo trên diện hẹp trước 6 giờ (lũ quét, sạt lở đất), cảnh báo sớm mưa trước 12 giờ để phục vụ công tác điều hành liên hồ chứa.
Lần đầu tiên, Ban Chỉ đạo đã tổ chức tính toán liên hồ chứa, cung cấp thông tin cho các địa phương khu vực miền Trung và Tây nguyên. Đồng thời thường xuyên tham khảo thông tin từ các đài quốc tế giúp cho việc triển khai sớm các biện pháp ứng phó (bão số 10, bão số 12, mưa lũ tại các tỉnh miền Trung).
Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng quyết liệt vào cuộc, tạo sự chuyển biến mới trong truyền thống phòng, chống thiên tai, đặc biệt là các bản tin phản ánh tình hình thiên tai thực tế.
Giải pháp ứng phó lâu dài
Cần rà soát, sớm phê duyệt và tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch nuôi trồng thủy sản cho phù hợp, gắn với đảm bảo an toàn thiên tai, bảo vệ môi trường, không làm phát sinh dịch bệnh, đảm bảo an ninh, trật tự và chuẩn bị sẵn sàng phương án phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới. Ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản an toàn.
Rà soát quy hoạch phát triển kinh tế xã hội lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai, nhất là việc phát triển cơ sở hạ tầng, khu vực dân cư ven biển, ven sông tiêu thoát lũ đảm bảo an toàn trước thiên tai, tăng khả năng tiêu thoát lũ, giảm ngập lụt.
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho chính quyền và người dân về phòng chống thiên tai, trong đó có các quy định trong nuôi trồng thủy sản nhất là việc đăng ký, sản xuất theo quy hoạch, đảm bảo mật độ lồng bè, triển khai các giải pháp bảo vệ ao, đầm, lồng bè nuôi trồng thủy sản khi có bão, áp thâp nhiệt đới theo hướng dẫn của Bộ NN và PTNT.
Triển khai tuyên truyền, phổ biến và tập huấn kỹ thuật xây nhà chống gió bão cho người dân; hướng dẫn chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây, tháo dỡ vật cản gió, biển quảng cáo trước khi có bão…
Tuyên truyền, thúc đẩy người dân mua bảo hiểm đối với các tài sản dễ bị thiệt hại do thiên tai.
Giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, lực lượng công án, dân quân tự vệ việc bảo vệ tài sản của người dân khi sơ tán.
Tăng cường năng lực, trang thiết bị, phương tiện cho cơ quan tham mưu phòng chống thiên tai cấp tỉnh, huyện, xã để kịp thời tham mưu chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai.