Ngày 17/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, đã chủ trì cuộc họp với một số bộ, ngành về công tác chuẩn bị triển khai quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, trong những đợt dịch trước, cả nước đã đồng lòng, đồng sức chống dịch COVID-19 và đạt được những thành tựu nhất định.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh, số lượt tiếp xúc nhiều.
"Tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải có bước đi, giải pháp và cách làm mới phù hợp hơn", Phó Thủ tướng nêu rõ và nhắc 3 ưu tiên khi thực hiện Chỉ thị 16 ở 19 tỉnh, thành phía Nam.
Thứ nhất: phải ưu tiên trên hết việc bảo vệ tính mạng và sức khỏe của nhân dân.
Thứ hai: phải đảm bảo hệ thống y tế hoạt động hiệu quả, không bị quá tải, bởi hệ thống y tế không chỉ để chữa người mắc COVID-19 mà còn điều trị cho các bệnh nhân khác.
Thứ ba: vì chưa có đủ vaccine phòng COVID-19 để đạt miễn dịch cộng đồng, Phó Thủ tướng lưu ý phải kiềm chế dịch ở mức thấp nhất có thể.
Vì thế Chính phủ, Thủ tướng phải đi đến quyết định khó khăn nhưng rất cần thiết là giãn cách xã hội với 19 tỉnh, thành phía Nam. "Chúng ta áp dụng giãn cách xã hội cho cả khu vực này, trước hết để nhằm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh, không để dịch bệnh lan rộng ra cả khu vực và từ đó ra cả nước", Phó Thủ tướng lý giải và nhấn mạnh: những nơi còn an toàn, phải quyết tâm rất cao để giữ an toàn. Những nơi đã bị nhiễm, chúng ta phải đẩy lùi, khoanh lại và tiến tới dập dịch.
Bằng việc áp dụng đồng bộ Chỉ thị 16, Phó thủ tướng nêu rõ phải tạo được cơ chế để sản xuất an toàn, nhất là lưu thông, phân phối hàng hóa an toàn, không để ách tắc trong lưu thông hàng hóa để phục vụ người dân và sản xuất, kinh doanh.
"Việc áp dụng Chỉ thị 16 sẽ không có kết quả nếu không làm thực chất. Vì vậy, tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân phải cùng nhau thực hiện nghiêm túc các quy định của chỉ thị này", Phó Thủ tướng lưu ý.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đã cử nhiều đội công tác đặc biệt vào hỗ trợ TP.HCM và các tỉnh phía Nam. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với các địa phương "chuẩn bị mọi kịch bản có thể xảy ra".
Bộ Y tế sẽ đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ truy vết, xét nghiệm, chăm sóc, điều trị. Bộ cũng đảm bảo trang thiết bị, máy móc, vật tư, thuốc men, sinh phẩm qua đấu thầu, mua sắm tập trung và huy động mọi nguồn lực, kể cả xã hội hóa cho việc này.
Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương đã có kế hoạch chuẩn bị cho tình huống áp dụng Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM và các tỉnh, thành phố khác để có phương án vận chuyển hàng hóa đến những nơi áp dụng Chỉ thị 16 và đưa đến các nơi cần thiết nhất để bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhất có thể nhu cầu thiết yếu của người dân.