Khi hai ta về một nhà…
Câu chuyện thật như đùa của một cặp đôi yêu nhau đã 2 năm ở Hà Nội nhưng không muốn cưới dù tuổi đều đã lớn, vì một lý do cool ngầu hết sức: “Không muốn dọn nhà ở chung vì ở một mình quen rồi”(?!). Cả chàng và nàng đều là dân trí thức, thu nhập ổn định tại thành phố và có một tình yêu rất hạnh phúc. Họ vẫn thường xuyên hẹn hò, đi du lịch cùng nhau, về thăm nhà bố mẹ cùng nhau,… nhưng tuyệt nhiên “chưa” muốn tiến tới hôn nhân. Bạn gái trong câu chuyện (N.P, 26 tuổi) cho biết: “Mình sống một mình đã 8 năm nay từ khi lên thành phố học, mọi chuyện đều tự quyết định. Lúc chăm chỉ thì nấu nướng bung lụa, lười thì úp mì, gọi pizza qua ngày. Vui thì đi du lịch, đi spa tập gym, hẹn hò, buồn thì chỉ cần trùm chăn xem phim bộ. Thấy cuộc sống như vậy thoải mái, vui vẻ hết sức. Cứ nghĩ tới chuyện phải dọn về sống một nhà với anh ấy, dù là người mình yêu nhưng lúc tâm trạng không tốt, không muốn chăm sóc quan tâm, cũng chẳng hào hứng nói chuyện… thì biết làm sao? Chi bằng cứ cố gắng hẹn hò lâu lâu một chút, kéo dài quãng thời gian này”.
Bạn nam (M.T, 27 tuổi) thì lại có một góc nhìn khác: “Mình vốn là người khá chỉn chu khi ra đường, bạn bè quen thân đều nhận xét mình như vậy. Khi yêu mình cũng đóng tròn vai gentleman lắm. Nhưng thực ra khi ở nhà, mình chẳng được như vậy, cũng đủ mọi tật xấu, không vừa ý là gắt gỏng, rồi ngồi chơi điện tử quên hết mọi sự. Chị gái mình hồi còn ở chung nhà thường hay càu nhàu: 'Dạng như mày thì ế tới khi tận thế!', nên mình cũng lo lắng khi N.P lấy mình về cùng nhà, cô ấy sẽ chẳng chịu được những tính xấu của mình mất.”
Thực tế không có hiếm cặp đôi cảm thấy chưa sẵn sàng để đối mặt với một cuộc sống mà chắc chắn sẽ phải tranh cãi với đối phương về hóa đơn điện nước các thứ, nên không muốn “kết thúc” đời độc thân của mình quá sớm. Có những ý kiến cho rằng tình yêu mà không có sự cởi mở thấu hiểu và chấp nhận hoàn toàn cả những điểm xấu của người mình yêu thì tình yêu đó không phải là tình yêu thực sự. Điều này có thể đúng và cũng có thể sai khi áp dụng vào từng trường hợp tính cách cụ thể khác nhau, bởi có người vẫn yêu hết lòng nhưng chỉ là ưa thích sự hoàn hảo đến mức không muốn để đối phương thấy những “mặt tối” của mình khi sống chung.
3 năm yêu nhau thấy ngắn, 6 tháng lấy nhau đã là dài?
Cùng tình trạng “sợ cưới” như trên, nhưng T.H (27 tuổi) và L.A (29 tuổi) lại có một câu chuyện khác. Chơi chung một nhóm 4 người vốn là 2 cặp đôi, nhưng bạn của T.H và L.A đã kết hôn trước họ 6 tháng. Dù rằng trước đó, cặp đôi này cực kỳ hạnh phúc, nhưng chẳng hiểu sao khi kết hôn rồi họ lại có nhiều cãi vã, cơm canh chẳng ngọt lành như tưởng tượng. Nhìn hai người bạn của mình ngày càng mệt mỏi trong “cuộc chiến” hôn nhân, T.H và L.A lại thở dài, rồi cảm thấy chùn bước trước ngưỡng cửa kết hôn từ lúc còn chưa bước vào.
Sự ảnh hưởng của những mối quan hệ xung quanh cũng có thể khiến bạn thật sự e sợ hôn nhân. Rất nhiều cặp đôi trưởng thành trong môi trường có ba mẹ từng ly dị hoặc người thân cận không hạnh phúc sau khi cưới thường nảy sinh cảm giác sợ hãi vô hình, rằng mình cũng sẽ khổ sở và đau lòng tương tự nếu kết hôn. Những trường hợp này không phải là hiếm hiện nay, khi mà người ta kết hôn và lại chia tay cực kì chóng vánh.
Hôn nhân có thực sự là “cuộc chiến”?
Hai cặp đôi trên chỉ là một vài trong số rất nhiều những bạn trẻ thành thị hiện giờ đang có những suy nghĩ tương tự về hôn nhân. Họ hình dung về hôn nhân với những viễn cảnh rất kinh khủng, là “nấm mồ chôn tình yêu”, là “máy xay nhan sắc”, là “nhà tù xoong nồi bỉm sữa” kèm combo tiếng trẻ khóc đêm. Quá nhiều lý do để những bạn trẻ này (dù không còn trẻ nữa) chùn bước trước sự thúc giục của phụ huynh. Họ yêu quý cuộc sống thoải mái, tự do hiện giờ, đồng thời cũng tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống hết mình vì bản thân, và cảm thấy sợ hãi trước những ràng buộc của hôn nhân. Nhưng thực sự thì, hôn nhân có kinh khủng như bạn nghĩ? Và với nỗi sợ hãi ấy, làm thế nào để vượt qua?
Sự thật đáng mừng là, bạn có thể bình tĩnh lại. Trước hết, nỗi sợ hôn nhân là điều “hết sức bình thường”. Rất ít người trong chúng ta thích việc lập gia đình, nhất là trong xã hội hiện đại, nên việc bạn trải qua tâm lý này cũng là điều bình thường và bạn không việc gì phải làm quá nó lên. Thứ hai, hôn nhân không phải là một cuộc chiến với cô dâu chú rể và hai họ đứng hai bên chiến tuyến. Hôn nhân là một “cuộc hành trình” mà hai bạn chính là một đội, không thể nào khác. Với hàng trăm chướng ngại vật, hàng nghìn thử thách ngáng đường, việc hai bạn có về đích êm đẹp, tìm được kho báu hay không là phụ thuộc vào kỹ năng của hai người, và quan trọng nhất là “tinh thần teamwork”. Bạn nhớ trò chơi cướp cờ lúc nhỏ chứ? Đội giỏi nhất không phải đội nhanh nhất, mà là đội hiểu được ý nhau. Hôn nhân cũng như vậy. Đó là một cuộc hành trình không có lối tắt, không dễ dàng, mang tính định mệnh và cũng nhiều khi, chia đôi ở giữa. Nhà sang và xe đắt tiền cũng không có tác dụng giúp bạn đi nhanh hơn, thoải mái hơn, tất cả phụ thuộc vào sự cố gắng của hai bên.
Nói một cách khác, bạn hãy nghĩ đến hôn nhân một cách công bằng hơn và đừng bi kịch hóa nó. Mọi chuyện vẫn đang tốt lành. Con người chúng ta có hàng nghìn nỗi sợ. Chúng ta sợ phải rời khỏi bụng mẹ - nơi ấm áp và an toàn nhất thế gian. Rồi chúng ta sợ tới trường, sợ cô giáo và sợ những bạn học khác sẽ không cho chúng ta chơi cùng. Chúng ta sợ học xong không kiếm được việc làm, sợ bị sếp ghét, sợ lương không đủ sống. Và đương nhiên, sau một thời gian yêu đương, chúng ta sợ cưới, nhưng không có nghĩa kết hôn là cánh cửa địa ngục. Vì tất cả những việc khác, bạn biết đấy, đâu có gì đáng sợ khi chúng ta đã trải qua nó?