Những ngày Sài Gòn bắt đầu đổ mưa lớn, nhiều người đi ngang qua đoạn đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 bắt gặp hình ảnh ba cụ bà ngồi co ro, lạnh cóng trong căn lều rách nát chờ cơn mưa tạnh.
Thấy có người ghé lại hỏi thăm, một cụ bà lớn tuổi tóc bạc trắng vui mừng mời vào. Tuy chân bà đã yếu, những cơn ho dồn dập khiến mặt bà tái đi nhưng bà vẫn luôn nở nụ cười hiền từ mỗi khi có người đến.
Căn lều nhỏ được dựng tạm bên cạnh một nhà vệ sinh công cộng đã bỏ hoang bốc mùi ẩm thấp. Bên ngoài được che chắn bởi hàng chục tấm bao tải đã cũ kĩ, mục nát. Bên trên phần mái chiếc dù lớn đã rách chỉ còn trơ phần khung sắt rỉ sét. Vậy mà, nơi đây trở thành “nhà” của 3 cụ bà sống đã hơn 50 năm.
Qua trò chuyện được biết, bà tên Nguyễn Thị Trắng (86 tuổi, quê Đồng Tháp). Trước đây do hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ mất sớm lại không có nhà cửa nên từ năm 20 tuổi bà đã tìm lên Sài Gòn làm thuê. Khi ấy chồng bà cũng bỏ đi, để lại cho bà cô con gái Lê Thanh Xuân (nay đã 60 tuổi), một mình bà phải vừa chăm con, vừa đi làm thuê kiếm tiền. Mấy năm sau cụ Nguyễn Thị Mai (83 tuổi, em gái cụ Trắng) cũng rời quê lên ở chung với chị gái. Do không có tiền nên hai chị em bà đã dựng tậm một túp lều tạm bợ bên chân cầu Nguyễn Văn Cừ làm nơi ở.
Hằng ngày bà Trắng cùng bà Mai đi đến khu chợ Nancy (quận 5) làm nghề rửa chén, rửa cà rốt thuê. “Hồi đó còn khỏe nên ai thuê gì tôi làm nấy, nhiều khi còn đi bốc vác cả bao cà rốt nặng gần 100 kí”, bà Trắng cười nói.
Năm 2009, khu chợ Nancy bị giải tỏa, không còn việc làm nên cụ Trắng cùng em gái xin vào trong con hẻm 12/1 đường Nguyễn Văn Cừ để dựng lều ở tạm, tiết kiệm sống qua ngày. Từ đó đến nay, túp lều cũ nát trở thành tổ ấm của ba người đàn bà lam lũ.
Do tuổi già nên cụ Mai và cụ Trắng thường xuyên bị những cơn bệnh hành hạ. Không thể tự đi lại, không làm được việc nặng nên mọi chi tiêu trong gia đình các bà đều trông cậy hết vào đồng lương làm thuê ít ỏi của bà Xuân - người trẻ nhất trong gia đình.
“Ban ngày tôi đi rửa chén thuê, có hôm đi phụ quán ăn. Ngày nào người ta kêu làm nhiều thì kiếm được cỡ 50.000 đồng lo cơn nước với thuốc cho mẹ và dì. Hôm nào mua được ít gạo thì tôi nấu cơm, hôm nào không có tiền thì tôi đi vòng vòng ở chợ xin ít thức ăn dư về làm bữa cơm cho cả nhà”, bà Xuân chia sẻ.
Đêm đến, chiếc giường sắt nhỏ chỉ vừa đủ cho một người nằm được làm nơi ngủ của bà Trắng. Còn bà Mai và Bà Xuân ngồi ở một góc lều, đợi đến khi những nhà hàng xóm đóng cửa thì mang ghế bố ra trước hiên ngồi ngủ.
Những đêm trời mưa to, bà Trắng ngồi co ro trong túp lều dột nước. Chiếc chăn mỏng quấn quanh người bị nước thấm ướt khiến bà run lên cầm cập. Bên ngoài mái hiên, mưa tạt ướt cả vách tường làm cho bà Xuân và bà Mai cũng không tài nào ngủ được vì lạnh. Mỗi cơn mưa qua đi, 2 cụ bà lại bệnh nhiều hơn, sức khỏe ngày càng yếu dần.
“Ngày nào mưa to gió lớn thì cả 3 chui vào góc tường rồi ôm nhau cho đỡ lạnh, tôi thì còn chịu được nhưng mẹ và dì không chịu nổi. Mỗi ngày mưa là hai bà lại ngồi khóc thút thít”, chị Xuân chia sẻ.
Những ngày thời tiết Sài Gòn nắng gắt mỗi cụ lại chia nhau đi một nơi để tránh nóng. Đến chiều, khi trời đã dịu mát, các cụ quay về lại túp lều cùng nhau ăn bữa cơm.
Mấy năm nay, do đôi chân đã không thể đi vững nên bà Trắng chỉ ngồi một chỗ. Ngày mưa, ngày nắng bà chỉ trông chờ vào chiếc ô cũ che cho mình. Cứ như thế cuộc sống khổ cực của ba người đàn bà lớn tuổi trong căn lều tạm cũng trôi qua từng ngày.
Thấy hoàn cảnh đáng thương nhiều người dân sống trong hẻm tốt bụng cho các bà mượn nơi tắm giặt. Bà Lê Thị Thảo (45 tuổi, ngụ hẻm 12/1, đường Trần Hưng Đạo) chia sẻ: “Thấy ba bà ấy tội lắm, già rồi mà phải ngủ ngoài mưa ngoài gió thấy thương. Bà Trắng hiền lành, vui vẻ trong hẻm ai cũng quý, nhiều người thương nên cũng thường mua gạo cho”.
Tạm biệt bà khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt, bà Trắng đưa tay lau vội những giọt nước mắt buồn tủi. “Tôi ước có được cái nhà đủ bốn vách tường để ngày mưa không còn bị lạnh nữa”, bà nói.