Những thông tin quý giá
8 giờ 30 sáng, Đỗ Hữu Vũ (sinh viên năm 2, trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch) bắt đầu ngồi vào bàn làm việc. Công việc cho từng người trong nhóm nhanh chóng được sắp xếp để nhận danh sách F0 từ địa phương.
"Sau khi nhận được danh sách, nhóm mình sẽ sắp xếp và xác định đối tượng F0 theo thứ tự hợp líđể điều tra dịch tễ cho đến khi đã có hoàn thành đầy đủ mọi thông tin liên quan đến việc truy vết của tất cả những người F0 được giao trong thời gian nhanh nhất", Vũ chia sẻ.
9 giờ, cậu nhận danh sách gồm hàng trăm số điện thoại của bệnh nhân dương tính với COVID-19 qua test realtime-PCR lần 1.
Điện thoại đổ chuông, Vũ bắt đầu bằng một câu nói trấn an bệnh nhân. Cậu lần lượt đi theo những gợi ý mà cậu được tập huấn để hỏi như tôn giáo, nghề nghiệp... để tìm ra được lịch trình di chuyển. "Anh/chị ráng nhớ giúp em nhé, trong khoảng 10 ngày qua, mình đã đi những đâu, gặp những ai", Vũ nói qua điện thoại. Mọi thông tin đều được ghi chép cẩn thận.
"Tụi mình phải dùng suy luận, phán đoán nhanhvề những người có khả năng tiếp xúc cao với F0 nhất để điều tra được nhiều F1 nhất có thể. Đồng thời, nhóm cũng cố gắng xin được thông tin của những F1 đó. Để làm được những điều này, tụi mình luôn phải cố gắng tạo thiện cảm và không gây áp lực cho các F0 để cho việc lấy thông tin có thể chính xác và đầy đủ nhất".
11 giờ 30, cả nhóm bắt đầu nghỉ tay ăn trưa. Bữa ăn diễn ra trong vội vàng, vài câu thảo luận được đặt ra để tiếp tục cho buổi chiều.
Vũ nhớ lại ngày đầu tiên làm việc, nhóm tình nguyện viên đã được nhân viên địa phương hướng dẫn rất kĩ càng. "Tụi mình sẽ cố gắng xin được zalo của bệnh nhân F0 để dễ dàng cho việc trao đổi hơn. Đối tượng bệnh nhân đầu tiên của mình lại ở khu vực cách ly không có tín hiệu mạng khiến cả nhóm rất khó xử. Tuy nhiên, mọi người vẫn cố gắng tiếp tục và hỏi những thông tin cần thu thập.
Khi được hỏi về lịch trình đi lại, bệnh nhân khăng khăng nói rằng mình không hề ra khỏi nhà cho đến khi có kết quả dương tính. Đồng thời, bệnh nhân cũng cho rằng mình không tiếp xúc với ai trừ người trong gia đình.
Tụi mình đã xử lí bằng cách hỏi thêm vài thông tin mới với hy vọng không bỏ sót điều gì. Sau khi những "điểm kì lạ" được xâu chuỗi, nhóm đã phải gọi điện thoại cho những người thân trong gia đình của bệnh nhân, cũng có kết quả dương tính lần 1. Một ca truy vết chỉ khép lại khi tụi mình có đầy đủ thông tin, không còn bất kì điểm khuất mắt nào".
Bên trong gian phòng truy vết
13 giờ, Vũ và đồng đội lại bắt đầu lật hồ sơ và tiếp tục hàng chục cuộc gọi. "Điều vui nhất trong lúc truy vết là giải mã được toàn bộ mắt xích trong một chuỗi lây nhiễm. Mỗi lần như thế, mình cảm giác giống như vừa giải xong một khối rubik 16*16 mà không hề biết 1 công thức xếp rubik nào", Vũ chia sẻ.
Công việc này giúp Vũ cải thiện kĩ năng giao tiếp với bệnh nhân, điều mà bất kì sinh viên trường Y nào cũng phải học tập, thực hành trước khi tốt nghiệp. "Mình mong muốn sau này có thể khai thác bệnh tình của bênh nhân một cách dễ dàng và thân thiện hơn. Ngoài ra, mình còn biết được vài thói quen cũng như những công việc của những ngành nghề mà em chưa được tìm hiểu tới giúp trau dồi vốn sống cho bản thân".
15 giờ, bên trong gian phòng của Trung tâm Y tế vẫn hừng hực không khí làm việc. "Quan trọng nhất là sự kiên trì và nhiệt huyết. Có những ca truy vết khó đến nỗi mình nghĩ rằng sẽ không bao giờ có thể "gỡ rối" được. Tuy nhiên, cả nhóm vẫn luôn động viên nhau cố gắng, giải quyết từng mắt xích một".
Vũ tham gia chống dịch từ giữa tháng 6. "Mình còn nhớ như in ngày đầu tiên đi hỗ trợ nhập liệu cho các anh chị lấy mẫu tại bệnh viện Nguyễn Trãi trong khu Công nghiệp Tân Tạo. Tính đến nay, mình đã tham gia vào mọi quy trình như lấy mẫu, nhập liệu, điều phối, truy vết dịch tễ. Đối với mình, việc truy vết dịch tễ có lẽ là khó khăn nhất bởi các công việc trên chỉ đòi hỏi kĩ năng bấm máy (nhập liệu), khả năng phối hợp đội hình (điều phối), kĩ năng y khoa (lấy mẫu). Với điều tra dịch tễ, công việc này cần rất nhiều chất xám và phải liên tục xử lí cũng như khéo léo trong việc thu thập thông tin", Vũ chia sẻ.
16 giờ 30, căn phòng vẫn vang đều đều tiếng hỏi han. Lắm lúc, nhóm cũng gặp những "ca khó" là F0 không chịu hợp tác. "Đa số bệnh nhân nhận cuộc gọi đều đã được cách ly rồi, họ cũng đã chuẩn bị tâm lý vì có sẵn kết quả test nhanh trước đó. Nếu họ không hợp tác thì tụi mình sẽ cố gắng động viên, xoa dịu sự lo lắng cho bệnh nhân và không để câu chuyện lệch hướng
Mình thường sẽ tránh lặp đi lặp lại việc nói rằng bệnh nhân bị nhiễm cũng như hỏi thăm tình hình bệnh nhân cũng như các tiền sử bệnh nền. Tụi mình nhận ra rằng có vài bệnh nhân thực sự rất cần người trò chuyện nên nhóm chỉ cần nói chuyện nhẹ nhàng và giữ thoải mái cho các bệnh nhân là được".
Chiều, những vạt nắng cuối ngày bắt đầu đổ xuống mái nhà của Trung tâm. Để kết thúc cuộc gọi, Vũ bao giờ cũng động viên bệnh nhân: "Chúc anh/chị bình an và nhanh chóng khỏi bệnh".